23/01/2025

Từ lựa chọn thành bắt buộc, môn sử đang được dạy ra sao ?

Từ lựa chọn thành bắt buộc, môn sử đang được dạy ra sao ?

Trải qua một tháng cùng chương trình mới, học sinh thích thú với những hoạt động học môn sử ngoài sách vở, trong khi giáo viên loay hoay tìm cách đổi mới cách kiểm tra.

 

 

 

Từ lựa chọn thành bắt buộc, môn sử đang được dạy ra sao ? - ảnh 1
Môn sử theo chương trình mới ở lớp 10 yêu cầu giáo viên và học sinh chủ động hơn trong dạy và học  ĐÀO NGỌC THẠCH

Mong có thêm trải nghiệm

Lần đầu tiếp xúc với sách giáo khoa (SGK) mới bộ Chân trời sáng tạo, Nguyễn Mỹ Hà Duyên (lớp 10A8 Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM) lập tức ấn tượng với phần hướng dẫn sử dụng. Theo nữ sinh, đó là vì sách mới có nhiều mục như khám phá, vận dụng, luyện tập… đến nỗi cần phải có hướng dẫn chi tiết, dễ hiểu.

Trên lớp, Duyên cho biết ngoài nghe giảng lý thuyết, em còn tham gia thảo luận nhóm, xây dựng bài và thuyết trình. “Nhờ những hoạt động ấy, mỗi bạn đều có thêm góc nhìn, kiến thức mới về khoa học lịch sử, các lĩnh vực về lịch sử”, nữ sinh hào hứng chia sẻ.

Duyên cho hay: “Em mong SGK sẽ có thêm phần mở rộng, chẳng hạn như học về nền văn minh cổ đại, sách có thể giới thiệu thêm các trang web liên quan kèm nguồn tư liệu hình ảnh, video”.

Còn Nguyễn Ngọc Bảo Trân (HS lớp 10, Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM) chia sẻ: “Hoạt động em thích nhất khi học là được nghe giáo viên kể, nói mở rộng hơn về những câu chuyện lịch sử mà em chưa từng biết đến. Hy vọng trong tương lai lớp học sẽ có thêm hoạt động đi đến những di tích lân cận để hiểu rõ hơn về lịch sử VN”.

Theo Hà Đức Cường (lớp 10A5 Trường THPT Trần Khai Nguyên, TP.HCM), SGK bộ Cánh diều khiến em hứng thú hơn trong việc học sử. “Sách mới tóm gọn vào những ý chính, trình bày bắt mắt với hình ảnh rõ nét. Bên cạnh đó, còn có lộ trình học giúp em nắm được trọng tâm trước và sau khi tiếp nhận kiến thức mới”, nam sinh giải thích.

 

Không còn “thầy giảng, trò nghe”

So với SGK cũ, thạc sĩ Nguyễn Viết Đăng Du, Tổ trưởng tổ lịch sử Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM), đánh giá SGK mới được viết theo kết cấu chặt chẽ, ảnh in màu, bên cạnh nội dung chính còn thêm mục mở rộng kiến thức. “Bộ Chân trời sáng tạo có nhiều bài tập vận dụng, bộ Cánh diều có nhiều hình thức sơ đồ khái quát hóa kiến thức”, thầy Du cho hay.

 

Sách còn nhiều “sạn”

Theo thạc sĩ Đăng Du, vì chưa thống nhất cách viết theo một tổng thể nên SGK mới giống tập hợp các bài tham luận của hội nghị. Một số thuật ngữ, định nghĩa chưa thống nhất, mang tính hàn lâm, khó đảm bảo yêu cầu tự học. Kênh hình tuy nhiều nhưng chỉ mang tính minh họa, thiếu gợi mở, tạo cảm xúc cho HS. Đặc biệt, nhiều chuyên đề bộc lộ sự chênh lệch về cả nội dung và hình thức.

Vì từ lựa chọn thành bắt buộc, theo cô Ngọc, môn sử bị giảm số tiết từ 70 xuống còn 52. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch bài dạy khi SGK vốn được thiết kế nội dung để HS lựa chọn. “Tính logic của một số bài không còn như trước. Nên soạn lại SGK cho phù hợp thời lượng của một môn bắt buộc”, cô Ngọc cho hay.

Thầy Hữu Nghị nhìn nhận vẫn còn nhiều lỗi sai nhỏ, chưa có sự giống nhau về kiến thức cơ bản giữa các bộ sách. Hệ thống phiên âm thiếu sót, có sách còn dẫn hình minh họa sai nội dung bài học.

“Vì có tiết thực hành nên giáo viên (GV) cũng chuyển đổi không gian lớp học để “đổi gió” như làm bài sử liệu ở thư viện, thực hiện trường tour về kiến trúc, thảo luận nhóm dưới sân trường”, thầy Du nêu một số phương pháp dạy sáng tạo.

Thầy Huỳnh Hữu Nghị (GV lịch sử Trường THPT Gia Định, TP.HCM) nhận định sách mới không còn được biên soạn theo kiểu cung cấp nhiều kiến thức, mà chủ yếu đi theo hình thức triển khai các hoạt động học tập, phù hợp với định hướng mới của chương trình giáo dục phổ thông 2018.

“Nhưng cũng vì vậy, chương trình mới đòi hỏi thầy cô phải chủ động hơn trong việc tổ chức hoạt động học tập, phải thay đổi việc “thầy giảng, trò nghe” bằng các hoạt động có chủ đích để hướng HS đến với kiến thức mới và hình thành thái độ, năng lực học tập cho các em”, thầy Nghị kết luận.

Cô Nguyễn Thị Tố Ngọc, Tổ trưởng tổ lịch sử – giáo dục công dân Trường THPT Cái Nước (Cà Mau), cho biết GV dù rất cố gắng nhưng vẫn còn nhiều va vấp trước một năm học “áp lực”. “Chiều có tiết là trưa tôi không chợp mắt được, lo lo lạ lắm, 15 năm dạy rồi mà cứ như lúc vừa mới ra trường”, cô Ngọc thú nhận.

Với 10 tiết thực hành trong năm học, cô Ngọc cho rằng chương trình mới chú trọng cho HS được làm việc thay vì bị động ngồi nghe giảng. Nội dung dạy học trong mỗi tiết cũng không nhiều nên GV thường tổ chức trò chơi, hoặc cho làm bài tập ngay trên lớp cả trong, ngoài sách. “Đây là điều chương trình cũ không có được”, cô nói.

 

Cần đổi mới cách đánh giá

Nhiều GV đang chờ chỉ đạo cụ thể hơn từ Bộ và Sở GD-ĐT về cách kiểm tra và đánh giá HS theo chương trình mới. Theo thầy Nghị, các bước đánh giá HS lớp 10 hiện tại được áp dụng tại trường còn dè dặt, chưa đột phá mà chủ yếu bám vào phương thức cũ. “Tôi hy vọng sớm có những hướng dẫn cụ thể để triển khai bài kiểm tra đánh giá năng lực tư duy lịch sử phù hợp”, thầy Nghị thông tin.

Thạc sĩ Đăng Du thì cho rằng khi chương trình mới có mục tiêu là trang bị các kỹ năng và đánh giá HS thông qua kỹ năng chứ không phải trí nhớ, việc đổi mới cách đánh giá theo hướng bài kiểm tra năng lực sẽ là xu thế bắt buộc của tương lai, để “một bài thi học trò không cần học thuộc lòng mà chỉ cần đọc tư liệu và tư duy”.

 

NGỌC LONG

TNO