23/01/2025

Chở đúng tải trọng cũng bị phạt nặng, doanh nghiệp vận tải đồng loạt kêu cứu

Chở đúng tải trọng cũng bị phạt nặng, doanh nghiệp vận tải đồng loạt kêu cứu

Xe chở quá tải trọng vẫn ngang nhiên hoành hành, trong khi quy định tải trục lại gây thêm nhiều bất cập khiến hoạt động của các doanh nghiệp vận tải hàng hoá tại TP.HCM ngày càng khó khăn.

 

 

Xe quá tải vẫn ngang nhiên hoạt động “chui”

Hiệp hội vận tải TP.HCM vừa có văn bản gửi Cục Đường bộ Việt Nam và Sở GTVT TP.HCM phản ánh tình trạng chở hàng quá tải trọng vẫn diễn ra ở nhiều nơi.

Chở đúng tải trọng cũng bị phạt nặng, doanh nghiệp vận tải đồng loạt kêu cứu - ảnh 1
Hình ảnh được ghi nhận tại cảng Cẩm Nguyên – Bến Lức (Long An). Mỗi cuộn tôn nặng 22 – 23 tấn. Theo quy định, xe chỉ được chở 1 cuộn nhưng nhà xe này chở tới 6 cuộn tôn   CTV

Cụ thể, tình trạng xe chở hàng quá tải trọng, quá khổ giới hạn cầu đường diễn ra chủ yếu gần đoạn cầu Ông Lớn (Q.7), khu vực chưa có lực lượng công an giao thông túc trực và các làn đường chưa được lắp đặt đồng bộ hệ thống cân tải trọng. Thế nên các phương tiện vi phạm coi đây là “đường thoát” an toàn, thường đi vào làn tổng hợp để né cân tải trọng. Nhiều tài xế phản ánh, các xe chở hàng quá tải lấy hàng xong thì tìm chỗ đậu, chờ khi không có lực lượng chức năng mới bắt đầu lưu thông.

Không những vậy, quanh khu vực các cảng xuất hiện nhiều bãi sang tải, hạ container đôi trước khi cho xe lưu thông vào cảng. Điển hình là bãi sang tải nằm ở đường Võ Chí Công (khu vực quận 2 cũ, hiện thuộc TP.Thủ Đức) được nhiều tài xế ghi chụp lại.

Trước đó, khu vực xung quanh kho gạo lớn ở các tỉnh miền Tây như Sóc Trăng, Đồng Tháp, Tiền Giang, đặc biệt là xung quanh khu công nghiệp An Cư (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) xuất hiện nhiều xe chở hàng quá tải trọng. Trung bình mỗi ngày số lượng xe ra vào lấy hàng lên đến 100 – 200 chuyến nên xe quá tải trà trộn rất nhiều. Dù các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp nhưng tại khu vực cảng nội địa Long An, tình trạng xe chở hàng quá tải vẫn diễn ra. Hồi tháng 3, Hiệp hội vận tải hàng hóa TP.HCM đã có văn bản kiến nghị gửi Sở GTVT tỉnh Long An phản ánh tình hình trên, song, đến nay vẫn chưa được xử lý triệt để.

Ông Nguyễn Văn Chánh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, cho biết các doanh nghiệp vận tải hiện nay đều trong tình trạng kiệt quệ, khó khăn đủ đường. Sau khi kinh tế mở cửa trở lại, hàng hóa chưa hồi phục mà bão giá nhiên liệu đã liên tục càn quét, đẩy nhiều doanh nghiệp đứng bên bờ phá sản.

Thế nên thay vì chở 1 container hàng giá 2 triệu đồng, nhiều phương tiện nhét lên thành 2 công/chuyến, lấy 3 triệu đồng để bù lại cho giá nhiên liệu tăng quá cao. Điều này gây nên cạnh tranh thiếu bình đẳng, các doanh nghiệp làm ăn chân chính đã khổ, lại càng khổ hơn.

Vì thế, Hiệp hội vận tải hàng hóa TP.HCM kiến nghị cơ quan chức năng có thẩm quyền tăng cường kiểm soát và xử lý triệt để các trường hợp chở hàng quá tải trọng cho phép, quá khổ giới hạn cầu, đường nhằm bảo đảm công bằng trong việc thực thi pháp luật tại các địa bàn, địa phương. Điều này không chỉ nhằm đảm bảo an toàn giao thông, bảo vệ cầu đường giao thông mà còn tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh, giúp các doanh nghiệp vận tải làm ăn chân chính nhanh chóng phục hồi.

 

Đúng tải trọng nhưng sai tải trục?

Ông Nguyễn Văn Chánh, Hiệp hội vận tải hàng hoá TP.HCM khẳng định, luôn ủng hộ chủ trương về việc chở đúng tải trọng, bảo đảm an toàn giao thông.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, Hiệp hội liên tục nhận được phản ánh và kiến nghị từ các doanh nghiệp hội viên về tình trạng vận chuyển hàng trên đường bị cơ quan chức năng xử phạt rất nặng (lên tới 75 triệu đồng) về quá tải trọng trục, mặc dù tổng tải trọng xe không vượt quá quy định, đặc biệt với một số loại hàng như sắt cuộn, thép tấm, hàng rời…

Chở đúng tải trọng cũng bị phạt nặng, doanh nghiệp vận tải đồng loạt kêu cứu - ảnh 2
Các tài xế chỉ sắp hàng theo kinh nghiệm và cảm quan, không có máy móc hỗ trợ nên rất dễ mắc lỗi quá tải trọng trục. Lỗi này phạt nặng tới 75 triệu đồng  CTV

Đơn cử, hồi tháng 4, Công ty vận tải Trưởng Lợi đã phải làm đơn cứu xét gửi Công an TP vì bị “phạt oan”. Cụ thể, tài xế điều khiển xe đầu kéo lấy hàng từ công ty tại Phú Mỹ về kho Việt Long ở Bình Chánh, đã cân xác định tải trọng hàng hóa đúng quy định và được phép tham gia giao thông (có phiếu cân kèm theo). Tuy nhiên khi lưu thông qua Trạm cân Số 3 Nguyễn Văn Linh – cầu Ông Lớn (Q.7), cơ quan chức năng cân kiểm tra lại kết luận xe vượt tải trọng trục cho phép của cầu, đường 24,3%.

Tài xế đã nghiêm túc cân xác định hàng hóa đúng tải trọng, song, công tác xếp hàng chỉ được thực hiện bằng cảm quan và kinh nghiệm làm việc, không có bất kỳ phương tiện máy móc hỗ trợ trong việc cân đo tải trọng trục dẫn đến hàng hóa vượt ngưỡng cho phép của cầu, đường. Phương tiện sau đó bị công an lập biên bản xử phạt.

Theo phản ánh từ các doanh nghiệp, thực tế tại các đơn vị cảng biển, các kho hàng, nhà máy hiện nay không nơi nào trang bị máy móc thiết bị để hỗ trợ tài xế việc cân đo tải trọng trục khi chất xếp hàng hóa lên xe. Vì vậy, họ phải tìm mọi cách để sắp xếp, phân bổ hàng hóa trên sơmi rơ mooc sao cho hợp lý, an toàn nhất theo kinh nghiệm mà không thể biết chính xác 100% có bị vượt tải trọng trục cho phép của cầu, đường hay không.

Chỉ đến khi lưu thông qua trạm cân, các cơ quan chức năng giám sát kiểm tra kết luận mới biết quá tải trọng trục cho phép của cầu, đường mặc dù khi lấy hàng đã cân xác định chở hàng hóa đúng khối lượng cho phép tham gia giao thông.

“Việc chở hàng đúng khối lượng cho phép tham gia giao thông nhưng vô ý dẫn tới quá tải trọng trục là bất cập gây hoang mang đối với tài xế, chủ doanh nghiệp và ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động vận tải hàng hóa cũng như nỗi lo chi phí đóng phạt rất cao. Sau khi nhiều doanh nghiệp làm đơn cứu xét, cơ quan chức năng cũng đã có quyết định hủy bỏ biên bản xử phạt. Đây là sự thông cảm rất lớn, nhưng doanh nghiệp không thể cứ mãi làm đơn cứu xét như vậy”, đại diện một công ty vận tải hàng hóa tại TP.HCM chia sẻ.

Trước thực trạng trên, Hiệp hội Vận tải hàng hóa tại TP.HCM đã đăng ký gặp lãnh đạo Sở GTVT TP để trình bày cụ thể và kiến nghị Sở xem xét tổ chức cuộc họp gồm: lãnh đạo Sở và các bộ phận chuyên môn, Thanh tra giao thông, Phòng Cảnh sát Giao thông, để trao đổi thêm, có biện pháp xử lý trước mắt, giúp cho việc vận chuyển hàng hóa thuận lợi, không bị xử lý vi phạm về quá tải trọng trục.

HÀ KHANH

TNO