23/01/2025

Nước mắt giáo viên chủ nhiệm

Nước mắt giáo viên chủ nhiệm

Học sinh thách thức: ‘Cô có ngon thì đánh em đi! Em kiện cô liền. Trên mạng giáo viên đánh học sinh bị bắt nghỉ dạy nhiều lắm!’. Vừa xong tiết dạy, giáo viên chủ nhiệm xách cặp ra khỏi lớp mà mắt đỏ hoe.

 

Khóc vì yêu thương

Đi dạy 15 năm, tôi đã chứng kiến rất nhiều giọt nước mắt của các thầy giáo, cô giáo. Có giọt nước mắt lặng lẽ rơi trên trang viết của học trò khi đọc bài văn con viết về khát khao được sống trong vòng tay yêu thương của ba mẹ. Có giọt nước mắt lăn dài trên gò má khi một học sinh đứng trước lớp bộc bạch: “Thưa cô và các bạn! Ước mơ lớn nhất của con là được làm bác sĩ để chữa bệnh cho em gái vì em con sinh ra đã mắc bệnh tim”. Có giọt nước mắt hạnh phúc khi hay tin học trò của mình đạt giải cao mang về vinh quang cho trường sau bao ngày con miệt mài ôn luyện. Có giọt nước mắt không sao kìm được khi chia tay “lũ nhóc” thân yêu trong buổi lễ trưởng thành, được chúng nó vây quanh bắt cô ký tên lên chiếc áo trắng học trò và thủ thỉ: “Chúng con cám ơn cô, cô yêu!”…

Những giọt nước mắt ấy khiến tôi yêu, tôi trân trọng biết bao nghề dạy học mà tôi đã chọn.

Nước mắt giáo viên chủ nhiệm - ảnh 1
Giáo viên chịu nhiều áp lực dạy dỗ học sinh, đặc biệt trong giai đoạn thay đổi chương trình giáo dục mới  ẢNH MINH HỌA: ĐÀO NGỌC THẠCH

Khi trò thách thức: “Cô có ngon thì đánh em đi! Em kiện cô liền”

Nhưng tôi cũng chứng kiến những giọt nước mắt buồn khổ của đồng nghiệp. Tôi tin đó là giọt nước mắt mặn đắng, giọt nước mắt bất lực của người thầy trước học sinh ngỗ ngược.

Khi tôi đang tranh thủ tiết trống để hoàn thành một số sổ sách thì đồng nghiệp của tôi bước vào phòng hội đồng với đôi mắt đỏ hoe. Nhìn em, tôi ngừng viết, xích lại gần hỏi han xem em có chuyện gì. Vừa nghe tôi hỏi, đôi mắt đỏ hoe ấy lại rưng rưng. Em kể với giọng buồn buồn: “Lớp em chủ nhiệm có mấy em học sinh suốt ngày chẳng học hành gì, lên lớp khi thì ngủ khi thì quậy phá. Em đã nhắc nhở nhiều lần, trong giờ sinh hoạt lớp cũng có, gặp riêng cũng có nhưng chẳng có chút thay đổi nào. Gọi điện để trao đổi với phụ huynh thì phụ huynh không bắt máy. Đến nhà cũng chẳng gặp”.

Sáng nay, đồng nghiệp tôi vào lớp thì thấy Nam, một trong số những học sinh quậy phá ấy đang trèo trên bàn rượt đánh một bạn nữ. Em liền gọi cả hai lại hỏi lý do thì cô bé bị rượt đánh kể em nhắc bạn trực nhật mà bạn chửi rồi rượt đánh. Nhìn Nam đang dứ dứ nắm tay về phía cô bé lớp trưởng, đồng nghiệp bực mình trách: “Sao chẳng ngày nào em để lớp mình được yên ổn vậy Nam?”. Vậy là Nam vênh mặt đầy thách thức: “Cô có ngon thì đánh em đi! Em kiện cô liền. Trên mạng giáo viên đánh học sinh bị bắt nghỉ dạy nhiều lắm!”. Cô giáo giận tím người nhưng vẫn cố kiềm chế, nói: “Mai cô sẽ mời ba mẹ em lên gặp để trao đổi”. Không ngờ Nam nói to : “Em chán học lâu rồi mà ba mẹ cứ bắt đi học. Cô cứ về báo cho mẹ em đi. Em càng mừng”, rồi về chỗ ôm cặp đi thẳng ra khỏi lớp.

Tiết học trôi qua thật nặng nề. Vừa xong tiết dạy, cô giáo xách cặp ra khỏi lớp mà mắt đỏ hoe.

Nghe đồng nghiệp kể mà tôi thấy nhói lòng. Từ bao giờ, học trò lại dùng luật để thách thức thầy cô giáo như thế? Từ bao giờ, thầy cô giáo lại bất lực trước học trò thế này?

Nếu không có sự thay đổi từ gia đình, nhà trường thì những giọt nước mắt mặn chát ấy của giáo viên sẽ còn rơi. Và sẽ chẳng thể nào có một trường học hạnh phúc như chúng ta mong đợi.

HOÀNG PHƯỚC

TNO