22/01/2025

Mỹ thắt chặt quan hệ tại châu Á

Mỹ thắt chặt quan hệ tại châu Á

Mỹ tung chiến lược mới nhằm củng cố mối quan hệ với các đảo quốc Thái Bình Dương, đồng thời tái khẳng định cam kết bảo vệ đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản.

 

 

Ngày 29.9, Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp đón lãnh đạo các đảo quốc Thái Bình Dương trong hội nghị lịch sử. Cùng ngày, Phó tổng thống Kamala Harris có chuyến thăm Hàn Quốc và tái khẳng định mối quan hệ với quốc gia đồng minh ở Đông Bắc Á.

 

Sáng kiến lịch sử

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ và các đảo quốc Thái Bình Dương diễn ra trong 2 ngày 28 – 29.9 với tâm điểm là việc Mỹ lần đầu tiên tung ra Chiến lược Đối tác Thái Bình Dương, sáng kiến đối ngoại nhằm tăng cường đối phó với sức ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc tại khu vực này. Theo bản chiến lược được công bố trên website Nhà Trắng, các nước Thái Bình Dương “ngày càng chịu tác động từ sức ép và sự cưỡng ép kinh tế từ Trung Quốc, gây nguy cơ tổn hại hòa bình, thịnh vượng và an ninh của khu vực, và rộng hơn là của Mỹ”.

Chiến lược gồm mục tiêu gia tăng số lượng cơ quan ngoại giao Mỹ tại khu vực, hoàn tất gia hạn thỏa thuận đối tác chiến lược với các đảo quốc Palau, Micronesia, Quần đảo Marshall. Một trong những mục tiêu chính khác là hỗ trợ khu vực này thích ứng biến đổi khí hậu và những thách thức khác trong thế kỷ 21. Tại hội nghị, chính quyền Mỹ đã công bố khoản viện trợ 810 triệu USD cho khu vực trong 10 năm tới.

Mỹ thắt chặt quan hệ tại châu Á - ảnh 1
Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng những nhà lãnh đạo đảo quốc Thái Bình Dương tại Nhà Trắng ngày 29.9 AFP

Cuối hội nghị, các nhà lãnh đạo cũng đưa ra tuyên bố chung gồm 11 nội dung, nổi bật là cam kết tăng cường quan hệ, ưu tiên đối phó biến đổi khí hậu, hợp tác và phát triển bền vững, duy trì hòa bình và an ninh…

Giới quan sát nhận định những nội dung và thời điểm của hội nghị lần này phản ánh sự nhìn nhận của chính quyền Mỹ về những hiểm họa địa chính trị tại khu vực mà Trung Quốc đang tìm cách lấp chỗ trống sau nhiều thập niên thiếu can dự của Mỹ, theo tờ Politico.

 

Cam kết vững chắc

Cùng thời điểm hội nghị tại Washington D.C, Phó tổng thống Harris có chuyến thăm Hàn Quốc và hội đàm cùng Tổng thống Yoon Suk Yeol ở Seoul, sau đó thăm vùng phi quân sự giữa hai miền bán đảo Triều Tiên.

Mỹ thắt chặt quan hệ tại châu Á - ảnh 2
Phó tổng thống Kamala Harris và Tổng thống Yoon Suk Yeol tại Seoul ngày 29.9

Trong chuyến thăm, bà Harris tái khẳng định cam kết vững chắc của Mỹ rằng sẽ làm hết sức để bảo vệ Hàn Quốc. Nhấn mạnh mối đe dọa xung đột vẫn còn khi chiến sự tạm chấm dứt sau gần 70 năm, Phó tổng thống Harris tuyên bố Mỹ và Hàn Quốc muốn phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên nhưng cũng sẵn sàng giải quyết bất kỳ tình huống ngẫu nhiên nào.

Theo AFP, bà Harris và ông Yoon thảo luận về những thay đổi trong chính sách trợ giá của Mỹ cho xe hơi điện sản xuất ở nước ngoài, điều khiến Hàn Quốc lo ngại có thể gây ảnh hưởng đến các nhà sản xuất xe của nước này. Ngoài ra, Phó tổng thống Harris gặp gỡ những phụ nữ nắm vai trò quản lý tại Hàn Quốc để bàn về vấn đề bình đẳng giới tính.

Khoảng 2 giờ sau khi bà Harris rời khỏi Hàn Quốc, Triều Tiên phóng 2 tên lửa đạn đạo ra biển, vụ phóng thứ 3 trong vòng 5 ngày. Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel sau đó lên án các vụ phóng tên lửa và nhấn mạnh cam kết bảo vệ Hàn Quốc cùng Nhật Bản, theo Yonhap. Tuy nhiên, ông Patel cho biết Mỹ vẫn sẵn sàng đối thoại với Triều Tiên.

 

Trung Quốc “khoe” tàu ngầm hạt nhân hiện đại

Tờ South China Morning Post ngày 30.9 đưa tin Hải quân Trung Quốc mới đây công bố đoạn phim về tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo Type 094A và tàu ngầm tấn công Type 093. Cả hai loại tàu ngầm này, đều chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Đây là lần đầu tiên Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) phát đoạn phim về tàu ngầm Type 094A kể từ khi tàu được đưa vào biên chế trong ngày 23.4.2021, nhân dịp kỷ niệm 72 năm ngày thành lập Hải quân Trung Quốc. Tàu ngầm Type 094A có thể phóng tên lửa đạn đạo JL-3 có tầm bắn hơn 10.000 km.

Minh Trung

 

VI TRÂN

TNO