Làm thế nào để giữ chân lãi vay?
Làm thế nào để giữ chân lãi vay?
Ngay sau khi nâng trần lãi suất điều hành thêm 1% so với mức cũ, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ cố gắng giữ lãi suất đầu ra để hỗ trợ doanh nghiệp. Thế nhưng, thực hiện điều này không đơn giản.
Lãi vay tăng chậm đã là thành công
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 1.10, ông Đoàn Thái Sơn, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho biết trong 8 tháng năm 2022, NHNN giữ nguyên các mức lãi suất (LS) điều hành và đến tháng 9, NHNN có tăng một số mức LS trần tiền gửi cho các ngân hàng thương mại. Mục tiêu của việc này là bảo đảm nhiệm vụ ưu tiên cho kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm duy trì LS thực dương cho tiền gửi để hài hòa lợi ích của các bên tham gia trên thị trường tiền tệ. Dù vậy, NHNN chỉ tăng LS điều hành và trần LS tiền gửi và giữ nguyên trần LS cho vay. Đồng thời NHNN cũng vận động các tổ chức tín dụng tiếp tục rà soát để tiết giảm các chi phí hoạt động. Qua đó tạo điều kiện về mặt tài chính để giữ ổn định mặt bằng LS cho vay hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong thời gian tới.
Thực tế theo số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy GDP 9 tháng năm 2022 tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011 – 2022. Nền kinh tế cả nước đang trên đà hồi phục tốt nên cần để các NH thương mại rộng tay hơn, bơm vốn ra thị trường để duy trì đà tăng này, làm cơ sở cho năm tới.
Chuyên gia tài chính – TS Nguyễn Trí Hiếu
Trên thực tế những ngày qua, LS tiết kiệm của nhiều nhà băng đã tăng thêm từ 0,3 – 1,1%, đưa LS kỳ hạn 6 tháng vượt lên trên 7% và nhiều ngân hàng (NH) đưa LS kỳ hạn dài từ 24 – 36 tháng lên đến 8,2 – 8,4%… Trên thị trường liên ngân hàng, LS giao dịch giữa các NH thương mại tiếp tục tăng thêm khoảng 0,2 – 1,4 %/năm so với đầu tháng 9. Trong đó, LS kỳ hạn 6 tháng lên 7,87% và kỳ hạn 9 tháng ở mức 8,54%/năm, cao hơn cả LS huy động tiền gửi từ người dân. Theo chuyên gia tài chính – TS Nguyễn Trí Hiếu, các NH thương mại tăng LS huy động thì sẽ tăng LS cho vay. Việc giảm chi phí hoạt động trong nhiều năm qua cũng đã nhắc tới nhưng không thể làm giảm LS cho vay, nếu có cũng rất thấp và chỉ ở một thời gian rất ngắn.
Lãi suất cho vay dự báo sẽ tăng theo lãi tiền gửi tiết kiệm NGỌC THẮNG |
TS Nguyễn Trí Hiếu phân tích: Đối với các NH, việc thu hẹp room tín dụng hiện nay cũng có thể khiến thu nhập lãi thuần giảm. Vì vậy để duy trì biên lãi ròng (NIM) thì sẽ khó để nhà băng duy trì LS cho vay như trước đây trong khi chi phí huy động vốn lại tăng cao. Đó là chưa kể các loại chi phí khác trong hoạt động từ nhân sự, marketing, thuê mặt bằng… đều tăng. Bản chất các NH cũng là doanh nghiệp nên cần phải duy trì kinh doanh có lời để nộp thuế và chia cổ tức cho cổ đông. Hơn nữa, nợ xấu trên sổ sách của nhiều NH đang ở mức thấp nhưng là do năm vừa qua NHNN đã cho phép không chuyển nhóm nợ các khoản cho vay quá hạn sang nợ xấu. Nghĩa là tỷ lệ nợ xấu thực tế cao hơn. Áp lực đó càng khiến cho nhiều nhà băng khó đáp ứng theo lời kêu gọi của NHNN để giữ ổn định LS cho vay.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng VN, cho rằng khi các NH tăng LS huy động thì việc điều chỉnh lãi vay lên là khó tránh khỏi, là “sòng phẳng” theo quy luật trên thị trường. Các NH đã giảm chi phí đi nhiều trong những năm qua nên khó để giảm mạnh hơn nữa. Ngoài chi phí về LS phải trả cho người gửi tiền thì chi phí tiền lương, tiền công trong NH là cao nhất. Ở thời điểm hiện tại nếu cắt giảm chi phí này thì khó thu hút được nhân sự. Do đó, theo ông Nguyễn Quốc Hùng, vấn đề hiện nay làm sao LS cho vay tăng chậm hơn LS huy động là thành công lớn. Những doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, xuất khẩu tốt hiện vẫn đang tiếp cận được nguồn vốn vay lãi thấp. Chỉ có những dự án bất động sản, đầu tư dài hạn thì mới chịu lãi vay cao hơn.
Nâng trần tín dụng để gỡ khó cho doanh nghiệp?
Ở một góc nhìn khác, TS Nguyễn Hữu Huân – Trưởng bộ môn Tài chính, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM – cho rằng vấn đề hiện nay là hạn mức tín dụng của các NH hạn hẹp mà nhu cầu vay vốn tăng cao thì không có lý do gì để NH phải giảm NIM. Lãi suất huy động tăng lên đồng nghĩa chi phí của NH tăng lên thì việc kêu gọi không tăng LS cho vay là rất khó. Ngay cả lãi suất mà NHNN bơm qua thị trường mở cho các NH cũng tăng lên nhiều so với trước. Nếu giữ LS đứng yên, dư địa giảm NIM chỉ có thể xảy ra đối với các NH quy mô lớn, có lợi thế cạnh tranh huy động được nguồn vốn rẻ, còn đối với những NH nhỏ hay vừa thì thật sự quá khó. Nếu áp dụng biện pháp “hành chính” không tăng LS cho vay thì khả năng hiện tượng “bia kèm lạc” sẽ xảy ra. Khi đó, dù khách hàng vay với LS như hiện nay nhưng có thể sẽ phải trả thêm nhiều loại phí dịch vụ khác.
Phân tích cụ thể hơn, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng hiện các doanh nghiệp đang chịu 2 gánh nặng cùng lúc. Đó là LS vay sẽ gia tăng và áp lực không thể vay được vốn khi room tín dụng của các NH đã hết hoặc chỉ còn lại rất nhỏ. Trong khi đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sụt giảm và kênh chứng khoán cũng đang teo tóp không thể cung cấp vốn cho nền kinh tế qua các hoạt động phát hành thêm trái phiếu lẫn cổ phiếu. Điều này càng khiến doanh nghiệp phải tìm cách có được vốn với chi phí rất cao để duy trì hoạt động, nhất là trong giai đoạn cuối năm. Để giải quyết khó khăn này, ngoài việc tiếp tục đẩy nhanh giải ngân gói hỗ trợ LS 2% cho một số ngành nghề, ông Hiếu đề xuất NHNN nâng thêm trần tín dụng cho cả năm 2022 từ 14% lên 16% để hỗ trợ doanh nghiệp, tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế.
“Thực tế theo số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy GDP 9 tháng năm 2022 tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011 – 2022. Nền kinh tế cả nước đang trên đà hồi phục tốt nên cần để các NH thương mại rộng tay hơn, bơm vốn ra thị trường để duy trì đà tăng này, làm cơ sở cho năm tới”, TS Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ thêm.
Theo PGS-TS Phạm Thế Anh, Trường ĐH Kinh tế quốc dân, khi LS huy động đầu vào tăng, chi phí vốn của các nhà băng đi lên thì LS đầu ra đương nhiên phải tăng lên. LS tăng lên cùng với biện pháp áp trần tín dụng cho vay dẫn đến doanh nghiệp khó tiếp cận vốn. Những NH đang còn hạn mức tín dụng hiện không có động lực để giảm LS cho vay vì nhu cầu vay vốn hiện cao. Còn những NH đã dùng hết hạn mức tín dụng sẽ càng giữ LS cho vay cao. Vì vậy, NHNN tăng LS để tăng giá trị đồng tiền và kiểm soát lạm phát thì cần bỏ trần tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tiếp cận được vốn.
Theo báo cáo từ Công ty chứng khoán Yuanta, bình quân NIM quý 2/2022 của toàn ngành ngân hàng là 3,64%, tăng 0,12% so với quý 1/2022 nhưng giảm 0,08% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo NIM toàn ngành sẽ thu hẹp trong thời gian tới. Tuy nhiên tác động sẽ không giống nhau cho từng ngân hàng. Các ngân hàng có tỷ lệ dư nợ tín dụng trên số vốn huy động (LDR) thấp như HDBank, MSB, VIB, VPBank hoặc các ngân hàng có tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn thấp như là ACB, HDB, MSB, VPB sẽ ít chịu áp lực về NIM hơn. Lãi suất tiền gửi có thể tăng thêm 0,3 – 0,5% vào cuối năm 2022…
MAI PHƯƠNG – THANH XUÂN
TNO