23/12/2024

Lại ‘nở rộ’ lừa đảo qua tin nhắn, đầu số ngân hàng cũng không tin được

Lại ‘nở rộ’ lừa đảo qua tin nhắn, đầu số ngân hàng cũng không tin được

Những chiêu trò lừa đảo qua tin nhắn ngày càng tinh vi, không chỉ sao chép mẫu tin mà còn mạo danh tổng đài ngân hàng để đánh lừa khách hàng.

 

 

Sáng cuối tuần đang ngồi cà phê thư giãn cùng mấy người bạn, anh T.K.H. (ngụ Q.4, TP.HCM) bất ngờ nhận tin nhắn từ tổng đài ngân hàng Techcombank với nội dung viết thường không dấu: “Tài khoản của bạn đã đăng ký chương trình quảng cáo trên TikTok, mỗi tháng thu phí 3,6 triệu đồng” kèm theo 1 đường link yêu cầu anh H. truy cập để kiếm tra hoặc hủy giao dịch.

Mặc dù không chơi TikTok, không tải cả ứng dụng này về máy nhưng do tin nhắn từ tổng đài ngân hàng nên anh H. có chút hoang mang. Đọc báo biết được nhiều trường hợp bị lừa tiền với thủ đoạn tương tự nên anh H. cẩn thận kiểm tra lại thông tin từ gia đình và nhận ra mình thậm chí còn không mở tài khoản ở ngân hàng Techcombank.

Lại 'nở rộ' lừa đảo qua tin nhắn, đầu số ngân hàng cũng không tin được - ảnh 1
Tin nhắn lừa đảo mạo danh Tổng đài của Techcombank gửi đến máy anh T.K.H. vào sáng 2.10

“Mới sáng ra đọc tin nhắn rất bực bội. Đây không phải lần đầu tiên tôi nhận được những tin nhắn kiểu này. Trước đây cũng có vài lần tin nhắn từ tổng đài SCB gửi tới, yêu cầu truy cập link để nhận thưởng nhưng tôi không có tài khoản ngân hàng SCB nên cảnh giác, không làm theo. Tôi đọc báo nhiều, biết nhiều người mất tiền oan như vậy rồi nên tránh được, như người khác nếu là khách hàng của những ngân hàng này, thấy tin nhắn từ tổng đài thì rất dễ bị dụ. Quá nguy hiểm!”, anh H. bức xúc.

Thời gian gần đây, các ngân hàng liên tục phát đi thông báo khuyến cáo khách hàng cảnh giác tình trạng kẻ lừa đảo đã thay đổi “văn mẫu” trong các tin nhắn giả mạo ngân hàng, thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Những mẫu tin nhắn này thường có nội dung thông báo rằng tài khoản của khách hàng “bị khóa” hoặc “đã đăng nhập ở một thiết bị khác”, đi kèm với đó là một đường link dẫn đến một website giả mạo, có giao diện y hệt website của ngân hàng.

Từ những website này, người dùng rất dễ hiểu nhầm và có thể sẽ cung cấp cho kẻ xấu những thông tin đăng nhập quan trọng, từ đó bị chiếm đoạt thông tin dịch vụ và tiền trong tài khoản của khách hàng.

Vì đây là hình thức lừa đảo đã được các cơ quan báo chí, ngân hàng liên tục cảnh báo, các đối tượng lừa đảo đã liên tục thay đổi nội dung tin nhắn SMS giả mạo.

Qua xác minh, đánh giá cho thấy các tin nhắn giả mạo này không xuất phát từ hệ thống của các tổ chức tài chính, ngân hàng và doanh nghiệp viễn thông mà được phát tán thông qua các thiết bị phát sóng di động giả mạo. Đây là các thiết bị có nguồn gốc từ nước ngoài, được các đối tượng mua bán, sử dụng trái phép nhằm mục đích thực hiện những cuộc tấn công phát tán tin nhắn rác lừa đảo người dùng, đặc biệt là người dùng tại khu vực đô thị.

Lại 'nở rộ' lừa đảo qua tin nhắn, đầu số ngân hàng cũng không tin được - ảnh 2
Lừa đảo ngày càng tinh vi hơn trong các tin nhắn giả mạo  T.X

Xác định đây là hành vi rất tinh vi và nguy hiểm, Cục An toàn thông tin đang phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp viễn thông để triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn, điều tra, xác minh và xử lý đối tượng vi phạm pháp luật.

Để phòng ngừa và phối hợp xử lý, Cục An toàn thông tin đề nghị người dân kiểm tra, xác minh kỹ các website, ứng dụng (app) trong các tin nhắn mà người dùng nhận được, kể cả tin nhắn thương hiệu, tin nhắn từ các đầu số ngắn; tuyệt đối không truy cập vào các website, ứng dụng có nguồn gốc, nội dung không rõ ràng. Khi nhận được tin nhắn có nội dung lừa đảo, giả mạo, đề nghị phản ánh với Cục An toàn thông tin (Trung tâm VNCERT/CC) qua đầu số tin nhắn 5656 hoặc qua website https://thongbaorac.ais.gov.vn/ để Cục An toàn thông tin kịp thời điều phối, phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý.

HÀ MAI

TNO