22/01/2025

Các mối đe doạ hạt nhân ‘chiếm sóng’ đường dây nóng Mỹ – Nga

Các mối đe doạ hạt nhân ‘chiếm sóng’ đường dây nóng Mỹ – Nga

Đường dây nóng nổi tiếng giữa Mỹ và Nga liên tục được sử dụng trong thời gian gần đây vì những căng thẳng liên quan đến xung đột ở Ukraine.

 

 

 

Các mối đe dọa hạt nhân 'chiếm sóng' đường dây nóng Mỹ - Nga - ảnh 1
Đường dây nóng Mỹ-Nga được vận hành hồi năm 2013  BỘ QUỐC PHÒNG MỸ

Đường dây nóng giữa Washington và Moscow, hay còn được biết đến với tên gọi “điện thoại đỏ” trong Chiến tranh Lạnh, không mang màu đỏ. Nó thậm chí còn không phải là một chiếc điện thoại.

Theo AFP, đường dây này chuẩn bị bận bịu trở lại trong bối cảnh Mỹ và Nga phải trao đổi về những lời đe dọa hạt nhân Điện Kremlin đưa ra trong những ngày gần đây.

Với việc Tổng thống Nga Vladimir Putin công khai nói về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine, quan chức Mỹ cho rằng các kênh liên lạc bí mật là công cụ quan trọng để đẩy lùi thảm họa này.

“Câu trả lời là có”, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan phát biểu trên Đài NBC ngày 25.9 khi được hỏi liệu đường dây nóng này có đang bận không.

Trong cuộc phỏng vấn, ông Sullivan cho biết quan chức “cấp cao” của hai bên đã nhắn tin thường xuyên trong vài tháng qua. Điều này thậm chí xảy ra chỉ trong vài ngày qua.

Tuy nhiên, Cố vấn Sullivan từ chối bình luận về hình dạng hiện tại của chiếc “điện thoại đỏ” nổi tiếng.

“Chúng tôi không muốn chỉ ra chính xác rằng các kênh liên lạc đó trông như thế nào vì chúng tôi muốn bảo vệ chúng để tiếp tục trao đổi với Nga”, ông Sullivan nói.

 

Cỗ máy cồng kềnh

Đường dây nóng khẩn cấp, nơi Điện Kremlin và Nhà Trắng có thể liên lạc bằng văn bản để thông điệp truyền đi được rõ ràng và nhanh chóng nhằm tránh chiến tranh hạt nhân, đã hình thành vào năm 1963, một năm sau cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba.

Tuy nhiên, khác xa với hình ảnh thường thấy về chiếc điện thoại màu đỏ trên bàn làm việc của tổng thống Mỹ trong Phòng Bầu dục, thiết bị liên lạc đầu tiên giữa hai bên là một chiếc máy điện báo kết nối bằng những sợi dây cáp xuyên Đại Tây Dương và qua châu Âu.

Washington đã gửi thông điệp đầu tiên vào ngày 30.8.1963. Thông điệp này là: “THE QUICK BROWN FOX JUMPED OVER THE LAZY DOG’S BACK 1234567890 (tạm dịch: Con cáo nâu nhanh nhẹn nhảy qua lưng con chó lười biếng)”. Cụm từ này từ lâu là bài kiểm tra yêu thích của những người đánh máy vì nó chứa tất cả chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Anh.

Theo The New York Times, câu trả lời từ phía Nga khi đó là “hoàn toàn không thể hiểu được”. Vì vậy, họ cần phải có sự điều chỉnh.

Các mối đe dọa hạt nhân 'chiếm sóng' đường dây nóng Mỹ - Nga - ảnh 2
Thiết bị để Mỹ liên lạc với Nga vào đầu những năm 1960  BỘ QUỐC PHÒNG MỸ

Kể từ đó, nhiều thế hệ công nghệ khác nhau đã được sử dụng cho đường dây nóng này, bao gồm cả liên kết vệ tinh và fax.

Mặc dù ngày nay, hai bên sử dụng kết nối bảo mật qua các máy tính được kết nối với nhau bằng cáp quang, có một điều không thay đổi. Ở phía Mỹ, các tin nhắn được gửi và nhận từ một phòng trong Lầu Năm Góc chứ không phải từ Phòng Bầu dục trong Nhà Trắng.Dù từ lâu nhiều người cho rằng nơi nhận tin nhắn ở phía Nga nằm bên trong Điện Kremlin, nơi này vẫn là bí mật. Năm 1988, tờ The New York Times đưa tin nhà lãnh đạo Liên Xô Leonid Brezhnev từng nói với các phóng viên Mỹ rằng nó nằm ở bên kia Quảng trường Đỏ, trong Trụ sở Đảng Cộng sản Liên Xô

 

“Đường dây nóng đang hoạt động”

Nhiều câu chuyện kịch tính xung quanh nội dung được truyền đi trong đường dây nóng này vẫn chưa được giải mật. Một trong những câu chuyện sớm nhất từng được công khai diễn ra trong cuộc chiến tranh Ả Rập – Israel năm 1967.

Trong hồi ký, cố Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson viết rằng ông đã được báo là “đường dây nóng đã hoạt động” vào sáng sớm ngày 5.6 khi đang ở trong phòng ngủ tại Nhà Trắng. Lãnh đạo Liên Xô đã liên lạc để trấn an ông rằng Liên Xô sẽ đứng ngoài cuộc chiến ở Trung Đông nếu Mỹ cũng làm như vậy.

Đường dây này tiếp tục được sử dụng trong một cuộc xung đột Ả Rập – Israel khác vào năm 1973, cũng như vào năm 1979, khi Liên Xô đưa quân vào Afghanistan.

Các đường dây nóng khác đã mọc lên trên khắp thế giới, đặc biệt là giữa Trung Quốc và Nga, Ấn Độ và Pakistan, CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc. Tuy nhiên, đường dây liên lạc liên Triều thường xuyên bị cắt để đáp lại những căng thẳng mà nó có nhiệm vụ giải quyết.

ĐÔNG A

TNO