23/12/2024

10 năm triển khai, tàu sân bay Trung Quốc vẫn ‘thiếu thốn’

10 năm triển khai, tàu sân bay Trung Quốc vẫn ‘thiếu thốn’

Cách đây 10 năm, vào cuối tháng 9.2012, Trung Quốc chính thức biên chế chiến hạm Liêu Ninh – tàu sân bay đầu tiên nước này sở hữu, nhưng đến nay họ vẫn chưa thể khắc phục nhiều khiếm khuyết quan trọng cho lực lượng tàu sân bay.

 

 

 

Ngày 1.10, tờ South China Morning Post đăng bài viết cho hay Trung Quốc đang phải đẩy nhanh tốc độ huấn luyện đào tạo phi công điều khiển chiến đấu cơ cho tàu sân bay.

10 năm triển khai, tàu sân bay Trung Quốc vẫn 'thiếu thốn' - ảnh 1
Tàu Sơn Đông là tàu sân bay đầu tiên Trung Quốc tự đóng  CCTV

Từ thiếu nhân lực…

Theo đó, sau 10 năm kể từ khi chính thức biên chế tàu sân bay, đến nay Trung Quốc vận hành tổng cộng 3 tàu sân bay, trở thành cường quốc tàu sân bay lớn thứ 2 về số lượng, sau Mỹ.

Thế nhưng, báo South China Morning Post cho rằng quân đội Trung Quốc (PLA) vẫn đang phải “vật lộn” với việc có đủ số phi công cần thiết cho chiến đấu cơ của tàu sân bay. Cụ thể, tờ báo dẫn lời chuyên gia quân sự Lý Khiết (tại Bắc Kinh, Trung Quốc) cho rằng với 3 tàu sân bay, PLA cần phải có khoảng 200 phi công đủ chuẩn để lái chiến đấu cơ của tàu sân bay. Trong khi đó, việc đào tạo phi công đạt chuẩn vừa nêu của PLA đang gặp thách thức khi thiếu máy bay huấn luyện phù hợp. Đặc biệt, được trang bị hiện đại hơn 2 tàu trước đó là Liêu Ninh và Sơn Đông, tàu sân bay thứ 3 là Phúc Kiến có bộ phóng máy bay điện từ, nhưng loại máy bay huấn luyện JL-9 dù được nâng cấp gần đây vẫn còn nhiều khiếm khuyết như quá nhẹ và tốc độ quá chậm để tập luyện cất và hạ cánh trên tàu sân bay. Cụ thể, JL-9 có trọng lượng rỗng chỉ 7,8 tấn và tốc độ tối đa đạt Mach 1,05. Trong khi đó, loại chiến đấu cơ J-15 mà Trung Quốc đang dùng cho tàu sân bay có trọng lượng rỗng đến 17,5 tấn và tốc độ đạt Mach 2,4. Vì thế, việc huấn luyện trên JL-9 sẽ gây nhiều khó khăn khi bay thực tế trên J-15. Còn nếu dùng J-15 để huấn luyện thì cũng gặp khó khăn vì loại máy bay này chỉ có 1 chỗ ngồi, nên người hướng dẫn không thể kèm cặp phi công được huấn luyện. Trung Quốc đã thử nghiệm J-15 phiên bản 2 chỗ ngồi nhưng chưa được trang bị để huấn luyện.

10 năm triển khai, tàu sân bay Trung Quốc vẫn 'thiếu thốn' - ảnh 2

Hồi tháng 7, trả lời Thanh Niên, một cựu đại tá hải quân Mỹ đánh giá tên lửa, chứ không phải tàu sân bay của Trung Quốc, mới đáng lo ngại, vì Trung Quốc vẫn cần thêm nhiều năm nữa để hoàn thiện khả năng tác chiến tàu sân bay, nhất là việc đào tạo phi công điều khiển máy bay chiến đấu trên tàu sân bay. Trước khi giải ngũ hồi tháng 4, vị đại tá trên giữ nhiệm vụ quan trọng về hoạch định chiến lược trong Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của quân đội Mỹ.

Suốt những năm qua, nguồn nhân lực để đào tạo phi công lái chiến đấu cơ cho tàu sân bay luôn là thách thức với Trung Quốc. Cuối năm 2020, PLA rầm rộ tổ chức kỳ thi tuyển dụng phi công hải quân với đối tượng là các học sinh phổ thông và vừa tốt nghiệp phổ thông, từ 16 – 19 tuổi. Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) dẫn lời một quan chức của cơ quan phụ trách tuyển dụng cho hải quân cho biết: “Trong số trên, 49% ứng viên trúng tuyển sẽ được đào tạo phi công tàu sân bay”. Việc tăng cường tuyển dụng như vậy nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt phi công khi Bắc Kinh muốn nhanh chóng triển khai nhiều nhóm tác chiến tàu sân bay.

 

…Đến chiến đấu cơ không hiệu quả

Bên cạnh khó khăn về nhân lực, PLA còn gặp bất ổn đối với loại chiến đấu cơ J-15 đang dùng cho tàu sân bay của nước này.

Cụ thể, J-15 được mệnh danh là loại chiến đấu cơ nặng nhất dành cho tàu sân bay khi có trọng lượng rỗng 17,5 tấn, tổng trọng lượng là 27 tấn và trọng lượng tối đa khi cất cánh lên đến 33 tấn. Trong khi đó, máy bay F/A-18 trên tàu sân bay Mỹ có trọng lượng rỗng 14,5 tấn, tổng trọng lượng 21,3 tấn và tổng trọng lượng tối đa khi cất cánh là 30 tấn. Trong khi đó, các tàu sân bay Mỹ đều sử dụng bộ phóng máy bay.

 

Giải pháp tàu sân bay hạng nhẹ

Gần đây, truyền thông và giới chuyên gia quân sự Trung Quốc cũng đề cập đến việc phát triển các tàu đổ bộ tấn công loại Type 075 làm tàu sân bay như cách thức Mỹ đã áp dụng với các tàu lớp Wasp và America.

Hiện nay, Trung Quốc đang chạy thử chiếc Type 075 thứ 3 sau khi đã biên chế 2 chiếc loại này. Có độ choán nước 40.000 tấn và chiều dài khoảng 237 m, tàu đổ bộ tấn công Type 075 có thể mang theo 30 trực thăng chiến đấu đa nhiệm Z-8 hoặc Z-9. Không những vậy, Bắc Kinh đang phát triển máy bay chiến đấu thế hệ 5 tàng hình J-31 phiên bản cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng để trang bị cho tàu Type 075, giúp chiến hạm này trở thành tàu sân bay tương tự Mỹ triển khai chiến đấu cơ F-35 cho tàu đổ bộ lớp America, lớp Wasp.

Bên cạnh đó, Trung Quốc có thể dùng phiên bản cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng của dòng FC-31 để trang bị cho tàu Type 075 để loại tàu đổ bộ tấn công này có thể vận hành như tàu sân bay.

Một so sánh khác giữa J-15 với Mig 29, loại đang được dùng trên tàu sân bay Ấn Độ INS Vikrant, cũng không có bộ phóng máy bay. Mig 29 có trọng lượng rỗng chỉ 11 tấn, tổng trọng lượng 14,9 tấn và tổng trọng lượng tối đa khi cất cánh chỉ 18 tấn. Do quá nặng nên J-15 không chỉ gặp khó khăn khi cất – hạ cánh trên tàu sân bay mà còn bị giới hạn về số vũ khí mang theo, nên càng ảnh hưởng năng lực tác chiến.

Cuối năm 2021, tờ Hoàn Cầu thời báo dẫn lời ông Tôn Thông, kỹ sư trưởng trong thiết kế dòng chiến đấu cơ J-15 và dòng FC-31 của Trung Quốc, cho hay nước này sẽ sớm công bố dòng máy bay mới dành cho tàu sân bay, đó là chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình FC-31. Tuy nhiên, theo nhiều thông tin thì loại máy bay này vẫn còn trong quá trình hoàn thiện và chưa được công bố các thông số kỹ thuật chi tiết.

 

HOÀNG ĐÌNH

TNO