Metro Bến Thành – Tham Lương: 5 hiệp định vay vốn hết hạn giải ngân, phát sinh nhiều vấn đề
Metro Bến Thành – Tham Lương: 5 hiệp định vay vốn hết hạn giải ngân, phát sinh nhiều vấn đề
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa đề nghị TP.HCM bổ sung, làm rõ một số nội dung điều chỉnh dự án metro Bến Thành – Tham Lương, trong đó có việc phát sinh chi phí do kéo dài thời hạn giải ngân, gia hạn hợp đồng vay vốn.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết qua rà soát các hiệp định vay vốn thực hiện dự án metro số 2 TP.HCM, tuyến Bến Thành – Tham Lương, bộ đã phát hiện có 5 hiệp định vay vốn nước ngoài của metro số 2 TP.HCM hết hạn giải ngân.
Đó là hiệp định vay Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) số 2371-VIE ngày 11-3-2011 hết hạn giải ngân ngày 30-6-2017, hiệp định vay số 2956-VIE ngày 4-7-2013 hết hạn giải ngân ngày 30-12-2020.
Hiệp định vay vốn Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) ký ngày 1-3-2011 hết hạn giải ngân ngày 30-12-2020 và hiệp định ký ngày 4-6-2011 hết hạn giải ngân ngày 30-12-2020.
Hiệp định vay Ngân hàng TMCP xuất nhập khẩu Châu Âu (EIB) số 25.946/VN ngày 6-5-2010 hết hạn giải ngân ngày 31-8-2020.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc thực hiện dự án phụ thuộc vào khả năng cung cấp nguồn vốn của các nhà tài trợ, trong khi hai nhà tài trợ ADB và EIB đã hủy các khoản vay cũ, vì vậy bộ đề nghị UBND TP.HCM báo cáo rõ nguồn vốn nước ngoài để thực hiện dự án thời gian tới, giải trình về các nguồn vốn của dự án, phương án huy động vốn nước ngoài, việc ký kết khoản vay mới, gia hạn khoản vay cũ.
Liên quan tới việc hủy gói thầu CP3a/b thi công đường hầm và các ga ngầm dự án metro Bến Thành – Tham Lương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng yêu cầu TP.HCM làm rõ các vấn đề pháp lý phát sinh trong quá trình thực hiện dự án, thông tin quá trình giải quyết vướng mắc, đề xuất giải pháp, phương án giải quyết trong trường hợp phát sinh vướng mắc thời gian tới.
Trước đó, tháng 4-2022 Ngân hàng EIB và ADB đã dự định cùng tài trợ vốn thực hiện gói thầu CP3a/b và thông qua khoản vay 132 triệu USD. Bộ Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu thành phố làm rõ các cam kết của EIB, ADB về khoản vay này, các điều kiện vay vốn để có cơ sở điều chỉnh thời gian thực hiện dự án.
Đối với đề xuất gia hạn thời gian thực hiện dự án metro Bến Thành – Tham Lương của UBND TP.HCM, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay sẽ dẫn tới việc gia hạn thời gian giải ngân hiệp định vay vốn đã ký với KfW, vấn đề chi trả cho các chi phí phát sinh đối với việc gia hạn hiệp định vay.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị thành phố làm rõ chi phí phát sinh nếu có trong trường hợp phải gia hạn các khoản vay thực hiện dự án metro Bến Thành – Tham Lương, phần vốn bố trí cho các chi phí phát sinh này, trình cấp có thẩm quyền quyết định.
Và để tránh trường hợp phải gia hạn nhiều lần, bộ đề nghị UBND TP.HCM rà soát kỹ tiến độ từng hạng mục đầu tư chính, trách nhiệm của các đơn vị được giao triển khai, rà soát thủ tục pháp lý, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả đầu tư dự án.
Đồng thời, bộ yêu cầu thành phố làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan đến việc chậm tiến độ dự án metro Bến Thành – Tham Lương, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng, các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán về thông tin, số liệu báo cáo liên quan tới dự án.
Tuyến metro số Bến Thành – Tham Lương có tổng vốn đầu tư hơn 47.890 tỉ đồng, với chiều dài hơn 11km, đi qua 6 quận 1, 3, 10, 12, Tân Bình, Tân Phú. Dự án được phê duyệt thời gian hoàn thành năm 2026 nhưng đến nay lùi đến năm 2030, còn thời gian sửa chữa, bảo hành đến năm 2032.
Theo Bộ Tài chính, kể từ thời điểm triển khai dự án (năm 2010) đến khi kết thúc giải ngân các hiệp định vay vốn (năm 2020), dự án metro Bến Thành – Tham Lương mới giải ngân được 20,13 triệu USD phần vốn vay và 18,52 triệu EUR phần vốn viện trợ. Dự án triển khai rất chậm, không đúng kế hoạch, gây lãng phí rất lớn.