22/12/2024

Kinh doanh bán lẻ đã vượt mức trước đại dịch

Kinh doanh bán lẻ đã vượt mức trước đại dịch

9 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt hơn 4,1 triệu tỉ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước, nhiều doanh nghiệp đã đạt hiệu quả kinh doanh vượt mức trước đại dịch.

Kinh doanh bán lẻ đã vượt mức trước đại dịch - Ảnh 1.

Triển vọng kinh doanh của toàn ngành bán lẻ những tháng cuối năm 2022 sẽ khả quan hơn so với cùng kỳ các năm trước đó – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ngày 30-9, Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) đã công bố bảng xếp hạng Top 10 công ty bán lẻ uy tín năm 2022.

Trong danh sách năm nay, có mặt hầu hết các thương hiệu bán lẻ quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam ở nhóm hàng tiêu dùng nhanh như Saigon Co.op, Satra, Winmart, Central Group, Lotte…

Trái ngược với tình trạng ảm đạm khi hàng loạt cửa hàng phải đóng cửa nhằm thực hiện giãn cách xã hội cách đây một năm, thị trường bán lẻ đã sôi động trở lại.

Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 4.170,2 nghìn tỉ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước, đang dần bắt kịp tốc độ tăng của cùng kỳ các năm trước khi xảy ra dịch bệnh, trong đó, nhóm bán lẻ hàng hóa đã đạt mức tăng trưởng khá tốt.

Khảo sát doanh nghiệp bán lẻ của Vietnam Report thực hiện trong tháng 8-2022, cho thấy 53,8% số doanh nghiệp bán lẻ hiện đã đạt hiệu quả kinh doanh bằng và vượt mức trước đại dịch dù vẫn còn sự phân hóa giữa các ngành hàng.

Tuy nhiên, tỉ lệ doanh nghiệp phục hồi kinh doanh vận hành các chuỗi bán lẻ hàng lâu bền cao như điện máy, vàng bạc nữ trang, hàng công nghệ lại cao hơn hẳn so với chuỗi hàng tiêu dùng nhanh.

Dựa trên đà phục hồi này, cùng với những lợi thế của Việt Nam so với các nước trong khu vực, 91,7% số doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng triển vọng kinh doanh của toàn ngành bán lẻ những tháng cuối năm 2022 sẽ khả quan hơn so với cùng kỳ các năm trước đó.

Chỉ có 15,8% doanh nghiệp tỏ ra thận trọng với triển vọng kinh doanh của chính mình, do e ngại lạm phát và suy thoái kinh tế. Lạm phát tăng và duy trì ở mức cao trong nửa đầu năm 2022 gây sức ép lên sức mua của người tiêu dùng, ảnh hưởng đến tăng trưởng bán lẻ.

Trong bối cảnh thu nhập trung bình chưa tăng kịp so với lạm phát như hiện nay, khảo sát của Vietnam Report cho thấy người tiêu dùng phải cắt giảm chi tiêu đối với hầu hết mặt hàng không thiết yếu. Nếu tình trạng lạm phát tiếp tục gia tăng, họ cũng sẽ cắt giảm chi tiêu đối với nhóm hàng thiết yếu như thực phẩm, đồ uống, hàng tiêu dùng nhanh…

Một yếu tố khác là giai đoạn 2020 – 2021, thu nhập bất thường của dân cư tăng lên nhờ vào sự tăng trưởng nóng của thị trường chứng khoán, bất động sản nên nhu cầu đột biến với các hàng hóa xa xỉ, không thiết yếu cũng tăng mạnh, giai đoạn 2022 – 2023 những nhu cầu này có thể trở về trạng thái bình thường và tăng trưởng ổn định hơn.

 

Tăng cường kiểm tra chất lượng đầu vào từ nhà cung cấp

Trong 5 chiến lược trọng tâm thời kỳ mới của các doanh nghiệp bán lẻ sau dịch, gần 80% doanh nghiệp bán lẻ cho rằng cần phải đa dạng hóa sản phẩm, nhà cung cấp và kiểm soát chất lượng đầu vào để đảm bảo hàng hóa cung ứng liên tục.

Ngoài ra những kế hoạch liên quan đến số hóa, mở rộng thị trường hoặc phát triển mô hình bán lẻ mới cũng được quan tâm.

N.BÌNH
TTO