25/11/2024

Thị trường nội rơi vào tay ‘ông lớn ngoại’: Quần áo, giày dép Việt lép vế

Thị trường nội rơi vào tay ‘ông lớn ngoại’: Quần áo, giày dép Việt lép vế

Xuất khẩu đứng thứ hai thế giới, thu về giá trị 40 tỉ USD mỗi năm, nhưng thời trang Việt lại thất thế ngay chính trên sân nhà, đánh rơi thị trường nội địa trị giá hàng chục tỉ USD mỗi năm.

 

 

Ngoại thống lĩnh

Thử dạo một vòng qua các trung tâm thương mại lớn khu vực trung tâm Q.1, TP.HCM như Vincom, Takashimaya, Parkson… vào ngày cuối tuần, khó để tìm được cửa hàng quần áo, giày dép thương hiệu trong nước. Thay vào đó là chuỗi thương hiệu tên tuổi trên thế giới như Gap, Mango, Warehouse, Topshop, CK, Nike, Levi’s hay Zara, Uniqlo, H&M… lớn và bề thế. Các thương hiệu như Zara, Uniqlo, H&M thuê cả 2 tầng “phủ” thời trang từ vòng kính, áo quần của trẻ em, giới trẻ cho đến tuổi trung niên. Nếu đi xa hơn trung tâm một chút, có thể tìm thấy những thương hiệu nội như NEM, NinoMax, N&M, Gumac… nằm khiêm tốn trong các tòa nhà Vạn Hạnh Mall, trung tâm thương mại Aeon Tân Phú… Chị Vân (Q.3), chuyên mua thời trang công sở tại các cửa hàng thời trang nội địa, cho biết: “Muốn mua hàng trong nước như Elise, Ivy Moda, N&M, Blue Exchange… chỉ có thể đến các cửa hàng riêng lẻ bên ngoài trung tâm thương mại, thỉnh thoảng mới chọn được vài sản phẩm, không tiện lợi và phong phú như vào trong các trung tâm mua sắm. Hơn nữa, nhiều địa chỉ mua quen nay quay lại cũng đóng cửa trả mặt bằng rồi”.

Thị trường nội rơi vào tay 'ông lớn ngoại': Quần áo, giày dép Việt lép vế - ảnh 1
Thời trang Việt luôn bị lép vế trước “rừng” thời trang nhanh, mẫu mã đa dạng không có thương hiệu  NG.NGA

Ước tính, hiện có khoảng hơn 200 thương hiệu thời trang nước ngoài từ trung cho đến cao cấp như Hermes, Chanel, LV, Gucci… đều có mặt tại VN. Số liệu từ Euromonitor cho thấy trên thị trường thời trang VN, không có doanh nghiệp (DN) nào nắm quá 2% thị phần tiêu thụ. Nhưng 3 DN đứng đầu trong top 10 đều thuộc về khối ngoại, sở hữu nhiều thương hiệu nổi tiếng là Adidas, Inditex (đơn vị sở hữu thương hiệu Zara, Bershka, Stradivarius, Pull&Bear…) và H&M được giới trẻ VN rất ưa chuộng. Thậm chí, nhiều thương hiệu dù mới đặt chân vào thị trường đã được đón nhận nồng nhiệt. Mới đây, Uniqlo công bố khai trương thêm 3 cửa hàng mới trong mùa thu đông năm nay tại Hà Nội. Chỉ sau 3 năm có mặt tại VN, thương hiệu đến từ Nhật Bản này đã có 15 cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc. Đáng chú ý, hầu như các cửa hàng của Uniqlo đều có diện tích rất lớn và luôn thu hút đông khách hàng.

Trong khi đó, các thương hiệu nội như Biti’s, Canifa, Việt Tiến, May 10, Nhà Bè, An Phước,… chỉ tập trung ở phân khúc sản phẩm công sở dù các công ty VN đều nhận gia công cho nhiều hãng thời trang lớn trên thế giới nên chất lượng không quá chênh lệch nếu so với sản phẩm của nhiều thương hiệu nước ngoài.

Tương tự, thị trường giày dép trong nước hầu như cũng vắng bóng thương hiệu nội địa từ nhiều năm qua. Những cái tên như Vina Giầy, Vũ Chầm, Đông Hải… đình đám một thời nay ít người biết, hoặc được bày bán tại một số điểm khá khiêm tốn. Ngay cả Juno, Vascara, Bita’s… dù đã được đầu tư bài bản trong thời gian gần đây cũng rất khó để bứt phá. Một chuyên gia trong ngành nói thẳng ở VN, hiện chỉ có mỗi Biti’s còn sống được với phân khúc giày trẻ nhỏ và giày thể thao. Ông Trần Thế Linh, Giám đốc Công ty giày Viễn Thịnh, cho hay dù chuyên sản xuất cho các hãng thời trang lớn trên thế giới nhưng tại nội địa sau 3 – 4 năm không bán được hàng, công ty phải ngừng để tập trung cho đơn hàng gia công xuất khẩu. Để làm hàng xuất khẩu, ông mua nguyên liệu nhập từ châu Âu với PU có giá 6 USD/m, trong khi hàng Trung Quốc chào giá bán ở VN chỉ 2 USD/m; hay như các loại giày ở VN được bán trên thị trường chỉ làm từ lõi giấy giá chỉ 1.000 – 2.000 đồng/đôi, thì xuất khẩu yêu cầu phải lõi nhựa với giá cao gấp 8 lần… “Người có tiền sẽ thích mua hàng hiệu cao cấp hoặc ít tiền thì sẽ chọn sản phẩm càng rẻ càng tốt. Nên muốn làm giày dép tốt cho thị trường nội địa là mạo hiểm. Nên không ít sản phẩm bán ở VN đặt gia công toàn bộ ở Trung Quốc, giá rẻ hơn nhiều do một mẫu họ có thể sản xuất lên hàng chục ngàn đôi bởi nơi đó là công xưởng của thế giới”, ông Linh thừa nhận.

 

Chật vật tìm cách chia phần miếng bánh hơn 47 tỉ USD

Bà Nguyễn Thị Trang, Giám đốc Công ty sản xuất thương mại May Đ&T (Q.8, TP.HCM), sở hữu thương hiệu thời trang tuổi trung niên D&T, cho hay công ty có gần 20 năm làm hàng thời trang cho tuổi trung niên, cạnh tranh với hàng ngoại cùng loại tốt. Nhưng điểm yếu là DN không thể mua được nguồn nguyên phụ liệu tốt, giá tốt. Ví dụ các mẫu áo đầm thời trang công ty chào giá cho các shop, siêu thị là bản quyền của công ty, nhưng 100% nguyên phụ liệu từ vải, dây kéo, hạt đá đính… đều phụ thuộc hoàn toàn hàng nhập khẩu, giá cao hơn 20 – 100%. Chẳng hạn, dây kéo mua trong nước 4.500 đồng/cái, giá tại Trung Quốc 2.200 đồng/cái, hạt đá mua nhập về 280.000 đồng/kg, mua lẻ tại Trung Quốc 150.000 đồng/kg… “Tham khảo các công ty làm hàng thời trang từ Trung Quốc, giá thành một chiếc đầm sản xuất tại VN chênh cao hơn 100.000 đồng/cái. Giá bán lẻ của mình khoảng 800.000 đồng thì hàng Trung Quốc gia công chỉ khoảng 600.000 đồng. Trong khi đó, tại những chợ vải, phụ liệu may lớn tại TP.HCM như Soái Kình Lâm, An Đông, Đại Quang Minh, Bình Tây… tìm ra được 1 m vải để làm hàng thời trang cũng khó”, bà Trang nói và cho biết thêm nếu trước dịch bùng phát, mỗi ngày bán ra 200 – 300 sản phẩm, nay khoảng 80 – 100 sản phẩm. Thị trường giảm mạnh vì hàng giá rẻ từ Trung Quốc, hàng online mua thẳng từ nước ngoài vào… khiến hàng trong nước bán theo mô hình truyền thống khá chật vật để cạnh tranh.

Ông Lê Viết Thanh, Giám đốc hệ thống K&K Fashion, lý giải: Các tập đoàn toàn cầu đã có lợi thế về thương hiệu nổi tiếng. Vì vậy khi đặt chân vào thị trường VN là nhanh chóng tiếp cận được thế hệ trẻ – là nhóm khách hàng quan tâm nhiều đến thời trang, kiểu dáng thay đổi liên tục, thiết kế nhanh. Một số hộ cá nhân trong nước cũng nắm bắt được xu hướng này để mở 1 – 2 cửa hàng có thiết kế riêng và bán song song qua kênh online. Số lượng này đang phát triển rất nhiều nhưng chưa thể đủ lớn để phát triển thành một thương hiệu mạnh với hàng loạt điểm bán như các tập đoàn ngoại.

Theo ông Thanh, thời trang trong nước chủ yếu chọn phân khúc phổ thông giá dưới 1 triệu đồng/áo đầm. Hàng có giá rẻ hơn từ 200.000 – 300.000 đồng/áo thuộc phân khúc bình dân, bán qua mạng, tỉnh lẻ… “Để phát triển mạnh thành hệ thống, chi phí quảng bá, xây dựng thương hiệu, thuê mặt bằng đội giá thành lên rất cao nhưng nguy cơ hàng tồn kho cũng cao vì xu hướng thời trang có tuổi đời thấp. Các nhãn hiệu riêng nhỏ lẻ cũng chỉ phục vụ cho nhóm khách hàng nhỏ nhưng chưa đủ sức để phát triển lớn hơn. Thế nên, có thể nói thời trang trong nước khá manh mún. Đây cũng là điểm yếu của các công ty lớn trong nước, thời gian đầu có thể phát triển nhanh nhưng sau một thời gian lại đóng cửa”, ông Lê Viết Thanh nói thêm.

Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean, nhận xét thời trang Việt vẫn “sống tốt” với khách hàng trung niên, không quá khó tính về mẫu mã, chuộng gu kiểu dáng truyền thống. Tuy nhiên, với giới trẻ, thời trang Việt chưa “chạm” nổi do xu hướng thời trang của đối tượng khách hàng này thay đổi quá nhanh, nên DN tồn kho liên tục vì đề mốt, không bán kịp. “Thị trường thời trang Việt nói chung từ áo quần, giày dép, túi xách, phụ kiện… chiếm khoảng 68 tỉ USD mỗi năm, trong đó, riêng áo quần chiếm 70% (khoảng 47,6 tỉ USD). Tiếc là chúng ta chưa nắm được thế chủ động trong chiếc bánh quá lớn thế này”, ông Việt tiếc rẻ.

Chúng ta mạnh làm hàng gia công xuất khẩu và hình thành thói quen đó từ mấy chục năm qua. Tuy nhiên, trong năm nay, trước bão giá, nhu cầu mua sắm tại các thị trường châu Âu, Mỹ giảm mạnh, khoảng 20% DN chuyên gia công xuất khẩu quay về làm hàng bán nội địa. Thế nên, thị trường thời trang Việt đang gặp phải vấn đề là cung phát triển quá nhanh so với cầu. Năm nay, tăng trưởng 15 – 20% là mức tăng tự nhiên, không có gì đột biến, nhưng tình hình cho thấy hàng tồn kho sẽ tăng cao.

Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean

MAI PHƯƠNG – NGUYÊN NGA

TNO