27/12/2024

Nga sẽ sáp nhập thêm 15% lãnh thổ Ukraine

Nga sẽ sáp nhập thêm 15% lãnh thổ Ukraine

Việc bốn vùng của Ukraine sáp nhập vào Nga chỉ còn là vấn đề thời gian sau khi các cuộc trưng cầu ý dân đã hoàn tất vào đầu tuần này, nhưng đi cùng với đó là khả năng thay đổi cục diện chiến sự ở Ukraine và nổi lên mối đe doạ hạt nhân.

Nga sẽ sáp nhập thêm 15% lãnh thổ Ukraine - Ảnh 1.

Bỏ phiếu về việc sáp nhập Nga ở vùng Donetsk, miền đông Ukraine, nơi có tỉ lệ ủng hộ lên đến 99% – Ảnh: REUTERS

Các kết quả kiểm phiếu sớm ngay sau khi đóng cửa hòm phiếu ngày 27-9 cho thấy tỉ lệ ủng hộ sáp nhập Nga tại bốn vùng tổ chức trưng cầu của Ukraine đạt mức tương đương với kết quả bỏ phiếu trong đợt sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014. Những vùng này có thể trở thành lãnh thổ Nga trong vài ngày tới.

 

Sáp nhập trong tuần tới?

Ngày 28-9, tiếp nối Donbass, lãnh đạo vùng ly khai Zaporizhzhia và Kherson tuyên bố khu vực này trên thực tế đã ly khai Ukraine và đã chính thức gửi yêu cầu được sáp nhập Nga. “Chúng tôi đang chờ quyết định từ Chính phủ Nga” – ông Yevgeny Balitsky, lãnh đạo Zaporizhzhia, nói với Hãng tin Tass.

Một ngày sau khi kết thúc trưng cầu, bốn vùng của Ukraine đã công bố kết quả. Theo đó, Donetsk và Lugansk ở miền đông có tỉ lệ ủng hộ sáp nhập lên đến 99% và 98%, còn Kherson và Zaporizhzhia ở miền nam có kết quả đồng thuận là 87% và 93%. Nga thông báo tỉ lệ ủng hộ sáp nhập bốn vùng tại Ukraine tại các điểm bỏ phiếu ở Nga đạt từ 96% đến 98%.

Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, nói quá trình sáp nhập sẽ diễn ra “đủ nhanh”. Theo Đài RT, quy trình này sẽ bắt đầu từ khi nhận được đề xuất của các vùng ở Ukraine.

Sau đó, Nga sẽ soạn thảo thỏa thuận sáp nhập, bao gồm các vấn đề như tên và tình trạng của các vùng lãnh thổ mới, quyền công dân, hoạt động của các cơ quan chính quyền, luật pháp… Các thỏa thuận này cần được quốc hội và tổng thống Nga phê chuẩn trước khi có hiệu lực.

Trước đó, truyền thông phương Tây cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ trình bày về việc sáp nhập với Quốc hội Nga vào ngày 30-9. Còn bà Valentina Matviyenko, chủ tịch Thượng viện Nga, cho biết cơ quan này có thể xem xét việc sáp nhập vào ngày 4-10.

Phát biểu trên truyền hình ngày 27-9, ông Putin nhấn mạnh các cuộc trưng cầu nhằm bảo vệ người Nga và người nói tiếng Nga ở Ukraine. “Việc cứu người dân ở các vùng lãnh thổ diễn ra cuộc trưng cầu ý dân này được đặt lên hàng đầu, là tâm điểm chú ý của toàn xã hội và toàn đất nước chúng ta”, ông nói.

Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 28-9 dọa sẽ cắt đứt liên lạc với Nga. Bộ Ngoại giao Ukraine khẳng định sẽ không chấp nhận “tối hậu thư của Nga” và sẽ giành lại lãnh thổ.

Nga sẽ sáp nhập thêm 15% lãnh thổ Ukraine - Ảnh 2.

Dữ liệu: Trần Phương, nguồn Reuters – Đồ họa: TUẤN ANH

Nguy cơ hạt nhân

Những gì sẽ xảy ra sau khi sáp nhập là câu hỏi lớn hiện nay. Giới phân tích phương Tây cho rằng kế hoạch trưng cầu ý dân và sáp nhập các vùng lãnh thổ Ukraine là một nước đi của Nga nhằm chặn đà phản công của Kiev trong tháng 9-2022.

Trong những phát biểu gần đây, ông Putin và quan chức Nga khẳng định sẽ quyết tâm bảo vệ lãnh thổ mới sáp nhập kể cả việc phải sử dụng vũ khí hạt nhân. Giới quan sát cho rằng ít nhất sự đe dọa này sẽ khiến Kiev chùn bước và lực lượng Nga có thời gian tập hợp và huấn luyện lực lượng dự bị từ cuộc động viên trong nước.

Về quân sự, Nga có thể tấn công nhiều hơn bằng tên lửa, báo Guardian phân tích. Matxcơva cũng có thể tổ chức các cuộc tập trận hạt nhân hoặc thậm chí thực hiện các cuộc tấn công hạt nhân chiến thuật để dọa phương Tây. Những vụ tấn công chiến thuật nhỏ sẽ chỉ gây nhiễm xạ trong vòng 1km nhưng sẽ gây chấn động lớn về địa chính trị và tâm lý.

Tuy nhiên, nhà phân tích Lawrence Freedman của Trường King’s College London (Anh) vẫn cho rằng khó có khả năng vũ khí hạt nhân lại được sử dụng kể từ sau vụ đánh bom nguyên tử ở Nhật Bản năm 1945. Chưa kể một số nước như Mỹ có thể theo dõi và phát hiện rất sớm khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân.

Nhưng dù sao, với phương Tây, lời đe dọa từ một nước có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới là mối lo ngại thực sự. Những ngày qua, Mỹ và nhiều nước đã phản ứng mạnh với điều này và cam kết sẽ ủng hộ Ukraine giành chiến thắng trên chiến trường. Ngày 27-9, các quan chức Mỹ cho biết nước này đang chuẩn bị gói vũ khí mới trị giá 1,1 tỉ USD cho Ukraine.

 

Các nước tiếp tục phản ứng kết quả trưng cầu

“Canada không và sẽ không bao giờ công nhận kết quả những cuộc trưng cầu giả này hoặc ý đồ của Nga nhằm sáp nhập bất hợp pháp lãnh thổ của Ukraine” – Thủ tướng Canada Justin Trudeau nói ngày 28-9, cho biết sẽ tăng cường trừng phạt Matxcơva.

Liên minh châu Âu, NATO tiếp tục nhấn mạnh sẽ không công nhận các cuộc bỏ phiếu vi phạm luật quốc tế.

“Đó là một sự hóa trang… các phiếu bầu thiếu sự chân thành” – Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna nói với kênh BFM TV, cho rằng các cuộc trưng cầu không có giá trị. Còn Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định sẽ bắt Nga trả giá “nặng nề và sớm”.

Trong khi đó, Trung Quốc khẳng định trừng phạt Nga không đem lại lợi ích gì. Ngày 28-9, Đại sứ quán Mỹ tại Matxcơva đã kêu gọi các công dân Mỹ rời Nga. Cùng ngày, Bulgaria và Ba Lan cũng khuyến cáo công dân nước họ nên cân nhắc khả năng rời Nga khẩn trương.

TRẦN PHƯƠNG
TTO