27/12/2024

Khó thu xếp vốn nhưng không chủ đầu tư nhiệt điện nào… tự nguyện dừng

Khó thu xếp vốn nhưng không chủ đầu tư nhiệt điện nào… tự nguyện dừng

Những dự án này đang gặp khó khăn trong triển khai, thu xếp vốn, thế nhưng, theo Bộ Công thương, không chủ đầu tư nào chịu dừng dự án.

 

 

Theo cập nhật của Bộ Công thương vừa gửi Chính phủ về dự thảo Quy hoạch điện 8, đến cuối tháng 9, cả nước có 39 nhà máy điện than, tổng công suất 24.674 MW đang vận hành. Hiện còn 12 dự án điện than (công suất 13.792 MW) giao chủ đầu tư, đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư, xây dựng.

Trong đó, có 5 dự án chắc chắn đưa vào vận hành, gồm nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, Quảng Trạch 1, Vân Phong 1 và Vũng Áng 2. Riêng dự án nhiệt điện Long Phú 1 vẫn đang đàm phán gỡ vướng mắc với nhà thầu. Hai dự án An Khánh và Na Dương 2 đã có phương án vay vốn trong nước để triển khai tiếp.

Khó thu xếp vốn nhưng không chủ đầu tư nhiệt điện nào... tự nguyện dừng - ảnh 1
Nhiều dự án nhiệt điện đang gặp khó khăn thu xếp vốn  Đ.N.T

Còn lại 5 dự án nhiệt điện than có tổng công suất 6.800 MW đang chuẩn bị đầu tư, trong đó có 4 dự án BOT, chủ đầu tư là doanh nghiệp nước ngoài (gồm Sông Hậu 2, Vĩnh Tân 3, Nam Định 1 và Quảng Trị) và 1 dự án nhà máy nhiệt điện Công Thanh do doanh nghiệp trong nước đầu tư. Theo Bộ Công thương, khó khăn chung của 5 dự án nói trên là thu xếp vốn, thay đổi nhà đầu tư trong quá trình triển khai. Thế nhưng, không chủ đầu tư nào tự nguyện dừng dự án. Để tránh rủi ro pháp lý và đền bù, Bộ này đề nghị tiếp tục giữ 5 dự án trên tại dự thảo Quy hoạch điện VIII, nhất là các dự án BOT có chủ đầu tư nước ngoài.

Riêng với dự án nhiệt điện than Công Thanh, chủ đầu tư không thu xếp được vốn nên đã đề nghị với UBND tỉnh Thanh Hóa để chuyển đổi sang sử dụng LNG và tăng công suất lên 1.500 MW, do đó không cân đối trong cơ cấu nguồn nhiệt điện than của Quy hoạch điện 8 nhưng vẫn giữ trong danh mục. Việc chuyển đổi dự án sang sử dụng LNG sẽ được xem xét trong quá trình thực hiện Quy hoạch điện 8.

Trước đó, trong quy hoạch điện 8, Bộ Công thương đã đề xuất không đưa vào quy hoạch 14.120 MW nhiệt điện. Trong đó có 8.420MW do các tập đoàn nhà nước được giao làm chủ đầu tư, gồm: Tập đoàn Điện lực Việt Nam được giao 3.600 MW (Quảng Trạch II, Tân Phước I và Tân Phước II), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được giao 1.980 MW (Long Phú III), Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam được giao 2.840 MW (Cẩm Phả III, Hải Phòng III và Quỳnh Lập I); dự án đầu tư theo hình thức BOT là 4.500 MW (Quỳnh Lập II, Vũng Áng 3, Long Phú II) và chưa giao nhà đầu tư 1.200 MW (Quảng Ninh III).

NGUYÊN NGA

TNO