27/12/2024

Việt Nam cần phải sớm ‘xanh hoá hạt gạo’

Việt Nam cần phải sớm ‘xanh hoá hạt gạo’

Ngày 28.9, tại TP.HCM, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề “Phụ phẩm nông nghiệp – nguồn tài nguyên tái tạo”.

 

 

 

Việt Nam cần phải sớm ‘xanh hóa hạt gạo' - ảnh 1
“Xanh hóa hạt gạo” là xu thế mới hiện nay  CHÍ NHÂN

“Xanh hóa hạt gạo” là hình tượng được dùng để nhấn mạnh việc tận dụng các phụ phẩm trong sản xuất lúa gạo cũng như nông nghiệp nói chung, biến chúng thành các nguyên liệu đầu vào cho các ngành khác và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp, hằng năm có gần 160 triệu tấn phụ phẩm trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Phần lớn bị thải ra môi trường hoặc xử lý không phù hợp, vừa gây ô nhiễm và lãng phí lớn. Trong khi đó, đây lại là nguồn nguyên liệu tái tạo lớn có thể tận dụng để sản xuất nhiều thứ khác nhau.

Cụ thể, trong lĩnh vực trồng trọt, phụ phẩm từ cây lúa, ngô, mía, rau… có thể cung cấp tương đương với khoảng 43 triệu tấn phân hữu cơ, 1,8 triệu tấn đạm urê, 1,6 triệu tấn supe lân đơn và 2,2 triệu tấn kali sulfat. Đây là con số rất lớn mà chúng ta vẫn để còn lãng phí. Trong chăn nuôi, mới chỉ tận dụng được 23% chất thải để sản xuất phân bón hữu cơ, còn lại đang bị bỏ phí, chưa được sử dụng để cung cấp nguyên liệu đầu vào cho trồng trọt, chăn nuôi theo chuỗi liên kết tuần hoàn.

Bên cạnh đó, nông nghiệp cũng là một trong những tác nhân gây nên biến đổi khí hậu do phát thải khí nhà kính. Theo tính toán của Bộ NN-PTNT, tổng lượng khí thải từ sản xuất nông nghiệp chiếm trên 15% tổng lượng phát thải; lượng phát thải dự kiến nếu không có biện pháp can thiệp sẽ lên tới khoảng 120 triệu tấn CO2 vào năm 2030.

Việt Nam cần phải sớm ‘xanh hóa hạt gạo' - ảnh 2
Viên nén từ trấu được dùng làm chất đốt  CHÍ NHÂN

Liên quan tới vấn đề này, TS Nguyễn Văn Hùng, Trưởng ban Cơ giới hóa và Sau thu hoạch của Viện nghiên cứu Lúa quốc tế (IRRI) tại Việt Nam, nói: Để giảm thiểu tác động của nông nghiệp đến môi trường, xu hướng của thế giới là tiêu dùng các sản phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn xanh. Có thể hiểu đó là quy trình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn. Một hecta lúa có thể sản sinh ra tới 6 triệu tấn CO2/năm, mục tiêu của Việt Nam trong 10 năm tới phải giảm được 50% khí này trong sản xuất nông nghiệp. Có nghĩa phải “xanh hóa hạt gạo”, lúc đó thế giới mới chấp nhận tiêu thụ gạo của Việt Nam. Yêu cầu của nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn trong sản xuất lúa là rơm rạ không được đốt, có thể tận dụng để trồng nấm, làm thức ăn chăn nuôi, chế biến nhựa sinh học, làm phân bón…

PGS-TS Bùi Bá Bổng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT bổ sung, các nước phát triển đã tận dụng rất tốt các nguồn phụ phẩm này để sản xuất phân bón hữu cơ. Tại ĐBSCL, chúng ta có thể xây dựng và phát triển các vành đai nông nghiệp xanh bền vững ở vùng ven biển với những mô hình mang lại hiệu quả cao cả về mặt môi trường và kinh tế như mô hình tôm lúa hoặc lúa cá. Đây là những mô hình rất lý tưởng cho chiến lược xanh hóa nền nông nghiệp.

CHÍ NHÂN

TNO