28/12/2024

Mỹ, Ấn Độ đoàn kết sau rạn nứt, nhắm tới Trung Quốc

Mỹ, Ấn Độ đoàn kết sau rạn nứt, nhắm tới Trung Quốc

Một ngày sau khi những rạn nứt xuất hiện trở lại trong quan hệ Mỹ – Ấn, các nhà ngoại giao hàng đầu của hai nước đã thể hiện sự đoàn kết để cùng đối phó với thách thức chung Trung Quốc.

 

 

 

Mỹ, Ấn Độ đoàn kết sau rạn nứt, nhắm tới Trung Quốc - ảnh 1
Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar (trái) và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong cuộc họp báo tại Washington DC ngày 27.9 REUTERS

Hôm 26.9, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar đã có những lời lẽ đanh thép phản ứng việc Tổng thống Mỹ Joe Biden thông qua kế hoạch duy trì và nâng cấp phi đội máy bay chiến đấu F-16 của Pakistan, đối thủ của Ấn Độ, với chi phí 450 triệu USD. Mỹ cho rằng phi đội F-16 này rất quan trọng trong hoạt động chống khủng bố, theo South China Morning Post.

New Delhi – đối tác quan trọng trong chiến lược an ninh của Washington tại khu vực trước sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc – phản đối động thái này, cho rằng Pakistan chứa chấp và xuất khẩu các phần tử khủng bố. Hôm 26.9, ông Jaishankar tuyên bố Mỹ “không lừa được ai cả” khi nói rằng các máy bay F-16 sẽ được sử dụng để chống khủng bố “bởi vì tất cả chúng ta đều biết chúng được triển khai ở đâu”.

Song một ngày sau đó, ông Jaishankar và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã tổ chức họp báo chung tại Washington DC, nhấn mạnh việc tăng cường hợp tác song phương. Khi trả lời một câu hỏi về Đài Loan, ông Jaishankar lưu ý cảm giác “bất an trên toàn cầu” về “viễn cảnh bất ổn” ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Ông Jaishankar nhấn mạnh rằng khu vực này là “trung tâm của thương mại toàn cầu” và rất nhiều quan ngại đã được bày tỏ trong các cuộc thảo luận của ông với hàng chục đại sứ và bộ trưởng tại khóa họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York vào tuần trước.

Bày tỏ “quan tâm sâu sắc đến sự tiển triển của Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPEF)”, ông Jaishankar nói “Mỹ và Ấn Độ đều vô cùng quan tâm đến việc thúc đẩy xây dựng các chuỗi cung ứng linh hoạt và đáng tin cậy hơn”.

Thảo luận về các vấn đề an ninh, ông Jaishankar ca ngợi Mỹ đã áp dụng cách tiếp cận “quốc tế” hơn và trở nên “cởi mở hơn trong việc can dự với các quốc gia như Ấn Độ” trong các sáng kiến như Đối thoại An ninh Bộ Tứ – liên minh bao gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Úc, thường được xem là nỗ lực nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực. Ngoại trưởng Ấn Độ nói Bộ Tứ “đã phát triển đáng kể trong hai năm qua”, đồng thời cho biết “có rất nhiều hứa hẹn trong việc hợp tác với Mỹ để định hình hướng đi của thế giới”.

Về phần mình, ông Blinken báo hiệu Mỹ ủng hộ việc “gia tăng số lượng ủy viên Hội đồng Bảo an LHQ, cả thường trực lẫn không thường trực – mục tiêu lâu nay của Ấn Độ”. Trung Quốc phản đối việc Ấn Độ giành được ghế thường trực tại Hội đồng Bảo an trong bối cảnh hai quốc gia có quan hệ căng thẳng vì tranh chấp biên giới kéo dài hàng thập niên trên dãy Himalaya.

Trong khi ông Jaishankar né tránh chủ đề về Pakistan, ông Blinken phải đối mặt những câu hỏi từ báo chí Ấn Độ về hiệu quả của thỏa thuận F-16 trong việc giải quyết vấn đề khủng bố. Ông nói Mỹ có “trách nhiệm và nghĩa vụ” trong việc hỗ trợ phương tiện, tái khẳng định rằng việc củng cố năng lực chống khủng bố của Pakistan sẽ mang lại lợi ích cho cả Ấn Độ và Mỹ.

Tuần trước, Trung Quốc, một trong năm ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an, đã ngăn chặn nỗ lực chung của Mỹ và Ấn Độ nhằm trừng phạt Sajjid Mir, chỉ huy tại Pakistan của nhóm chiến binh Hồi giáo Lashkar-e-Taiba. Ấn Độ tuyên bố Mir có liên quan đến vụ khủng bố khiến hơn 300 người thiệt mạng ở Mumbai ngày 26.11.2008.

LAM VŨ

TNO