18/11/2024

Dạy tích hợp: Giáo viên lo như giáo sinh thực tập

Dạy tích hợp: Giáo viên lo như giáo sinh thực tập

Không tự tin, có cảm giác giống như khi là giáo sinh, lo sợ học sinh đưa ra câu hỏi ‘hóc búa’… là tâm trạng của không ít giáo viên cấp THCS dạy môn tích hợp khi thực hiện chương trình mới.

 

 

Cảm giác như giáo sinh bước lên bục giảng

Các trường THCS đã bước vào năm thứ 2 thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 với sự xuất hiện của môn khoa học tự nhiên (KHTN), môn lịch sử – địa lý. Điều này khiến việc tổ chức giảng dạy có sự thay đổi.

Nếu ở chương trình cũ giáo viên (GV) dạy theo chuyên môn đơn lẻ thì từ năm học 2021-2022 đến nay GV KHTN sẽ dạy tích hợp liên môn vật lý, hóa học, sinh học, còn giáo viên lịch sử – địa lý sẽ dạy 2 nội dung kiến thức này.

Dạy tích hợp: Giáo viên lo như giáo sinh thực tập - ảnh 1
Sinh viên khóa đầu tiên ngành Sư phạm khoa học tự nhiên trong một tiết học SVCC

Với sự thay đổi cơ cấu môn học từ đơn môn thành liên môn, từ việc GV sinh học nay dạy cả kiến thức vật lý, hóa học hay GV vật lý dạy luôn kiến thức hóa học, sinh học… nên hầu như GV nào khi được hỏi cũng đều nói “không tránh khỏi tâm lý lo ngại”.

Dù đã hoàn tất chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo quy định để thực hiện chương trình GDPT 2018, đồng thời là GV cốt cán, cán bộ mạng lưới môn sinh học, được đồng nghiệp đánh giá cao về năng lực, được các cán bộ quản lý nhìn nhận về chuyên môn, nhưng thầy Nguyễn Phước Hải, đang dạy tại một trường THCS có tiếng tại TP.HCM, bày tỏ: “Trong tiết dạy KHTN, những chuyên đề thuộc môn sinh học đương nhiên không thành vấn đề, nhưng khi dạy phần vật lý thì thực sự thời gian đầu tôi cũng không đủ tự tin”.

Ngay chính ông Nguyễn Công Phúc Khánh, Hiệu phó Trường THCS Nguyễn Du, người phụ trách chuyên môn, được tiếp cận chương trình, nội dung môn học từ rất sớm và tham gia trực tiếp giảng dạy chương trình mới để nắm bắt những khó khăn của người dạy và người học, cũng cho biết: “Việc thay đổi hình thức, cơ cấu trong quá trình giảng dạy môn học, đặc biệt trong giai đoạn đầu, tất nhiên không thể tránh khỏi những khó khăn, hạn chế nhất định”. Ông Khánh chia sẻ: “Khi lên lớp dạy kiến thức không đúng chuyên môn, tôi trở lại với cảm giác của một giáo sinh gần 15 năm về trước. Tôi cũng cần thời gian để rèn giũa lại. Ngoài ra, tôi phải có sự chuẩn bị trước và có những khi phải tìm hiểu, hỏi ý kiến chuyên môn của đồng nghiệp”.

Cũng từ thay đổi hình thức giảng dạy kiến thức đơn môn thành liên môn tích hợp, trong buổi giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội về việc thực hiện chương trình GDPT 2018, lãnh đạo Phòng GD-ĐT Q.Gò Vấp đã thẳng thắn chia sẻ: “Giáo viên môn lẻ sau khi tập huấn thì đứng lớp liên môn nên có tâm lý không yên tâm vì kiến thức chưa nhiều, chỉ mong học sinh đừng đặt câu hỏi hóc búa”.

Dạy tích hợp: Giáo viên lo như giáo sinh thực tập - ảnh 2
Sinh viên ngành sử-địa Trường ĐH Sư phạm TP.HCM SVCC

Giáo viên chủ động, chấp nhận đổi mới

Ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục trung học Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết GV thành phố đã có những định hướng, chủ động trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy, sử dụng nguồn tài liệu, hình thức kiểm tra đánh giá… Đồng thời thành phố nhận thấy những thách thức từ chương trình GDPT 2018 nên đã sớm tổ chức đào tạo, bồi dưỡng GV đáp ứng chương trình để dạy tốt các môn KHTN, lịch sử – địa lý. Tuy nhiên, ông Tân cũng thừa nhận: “Dĩ nhiên GV đơn môn giờ dạy những môn tích hợp thì chắc chắn có khó khăn. Chỉ có một khoảng thời gian ngắn thực hiện đào tạo bồi dưỡng thì tâm lý GV cũng có ngán ngại…”.

Theo ông Tân, hết năm học 2022 – 2023 mới có lực lượng GV chính quy về môn tích hợp từ các trường đào tạo sư phạm nên sẽ ưu tiên tuyển dụng lực lượng này. Còn giai đoạn hiện nay, sử dụng nhân sự hiện có để đáp ứng yêu cầu chương trình là nhiệm vụ hàng đầu. Cho nên ngoài bồi dưỡng, tập huấn thì các trường đẩy mạnh tập huấn hỗ trợ đồng nghiệp. “Chính GV trong tổ hỗ trợ nhau, chia sẻ bài giảng, kinh nghiệm, nâng trình độ để thầy cô cùng tự tin đứng lớp, chịu trách nhiệm môn học”, người phụ trách chuyên môn bậc trung học của Sở GD-ĐT TP.HCM nhấn mạnh.

GV Nguyễn Phạm Cát Tường, Tổ trưởng bộ môn KHTN Trường THCS Lê Văn Tám (Q.Bình Thạnh), cho biết việc thay đổi tên gọi tổ bộ môn theo chương trình mới ngay từ đầu để GV không còn suy nghĩ mình là GV môn hóa thì chỉ dạy môn hóa… Giờ đây mỗi thành viên của tổ bộ môn KHTN đều chịu trách nhiệm giảng dạy môn học này. Theo bà Cát Tường, GV của tổ bộ môn cùng xây dựng bài giảng. Cứ 2 tuần các GV tổ chức giảng thử, đóng góp ý kiến, bổ sung, lưu ý kiến thức theo từng nội dung cần đạt để cho ra “format” phù hợp nhất. Sau đó, tùy thuộc vào năng lực của học sinh ở mỗi lớp, GV sẽ “cân chỉnh” giáo án.

Ông Nguyễn Công Phúc Khánh nhận định GV chịu trách nhiệm xuyên suốt 3 phân môn vật lý, hóa học, sinh học của môn KHTN sẽ có cái nhìn tổng thể, có cách triển khai nội dung không gây áp lực cho học sinh. Trong chương trình mới, vai trò chủ động của GV rất quan trọng. “GV phải chấp nhận đổi mới, thậm chí phải làm lại từ đầu, tự đào tạo bản thân. Còn với nhà trường, các tổ bộ môn phải sinh hoạt chuyên môn chặt chẽ, làm việc nghiêm túc. Mỗi GV cần đọc kỹ, hiểu kỹ về chương trình tổng thể cũng như nội dung môn học để xây dựng các bài giảng đảm bảo các yêu cầu nhận biết, thông hiểu và phát huy được năng lực người học”, ông Khánh nói.

 

BÍCH THANH

TNO