23/01/2025

Muốn trang điểm, nhuộm tóc, học sinh nên đợi… ra trường

Muốn trang điểm, nhuộm tóc, học sinh nên đợi… ra trường

“Có những học sinh vừa tốt nghiệp THPT xong, việc đầu tiên các em làm là… đi nhuộm tóc. Trước đó, các em rất biết tôn trọng nội quy trường học vì hiểu rằng nhuộm tóc, trang điểm đậm khi tới lớp là không nên”.

 

 

 

Đó là chia sẻ của cô Phạm Thị Bích Tuyền, giáo viên Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM) về vấn đề có nên cấm học sinh nhuộm tóc, trang điểm, nhân việc mới đây Trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển, Cà Mau cho phép học sinh nhuộm tóc, thoa son mức độ nhẹ khi đến trường.

Cụ thể, cô Lâm Hồng Sen, Phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển chia sẻ với PV Thanh Niên: “Mình cứ suy nghĩ, cấm mà không thực hiện được thì không nên cấm nên khuyến khích sự tự giác của các em. Nên cấm với tình trạng lòe loẹt, đậm, nổi bật… còn thoa son như dưỡng thì được”.

Nữ sinh vẫn… lén đánh son nhưng nhẹ nhàng

Cô Phạm Thị Bích Tuyền, giáo viên Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM), kể: “Nội quy của trường vẫn là học sinh không nhuộm tóc, trang điểm khi đến trường. Nhưng các em nữ sinh vẫn… lén đánh son. Tuy nhiên, đa số các em vẫn biết chừng mực, thoa son dưỡng nhẹ nhàng chứ không lòe loẹt. Nếu em nào tô son hơi đậm một chút thì giáo viên sẽ nhắc nhở nhẹ nhàng, khuyên các em không nên vì son đậm có nhiều hóa chất hại cho sức khỏe. Còn nhuộm tóc thì tuyệt đối không được”.

Muốn trang điểm, nhuộm tóc, học sinh nên đợi... ra trường - ảnh 1
Nội quy các trường THPT không cho học sinh nhuộm tóc, trang điểm lòe loẹt là hoàn toàn phù hợp và cần thiết  N.D

Theo cô Tuyền, có nhiều học sinh vừa tốt nghiệp xong, việc đầu tiên chính là… đi nhuộm tóc. “Lúc này các em ra trường rồi, có quyền làm những gì mình thích mà trước đây khi còn đi học chưa được làm. Còn khi đang là học sinh, nên tập trung học hành, đừng quá chú trọng ngoại hình mà sao nhãng việc học”, cô Tuyền nhận định.

Thầy Lê Bá Khoa, Trợ lý thanh niên Trường THPT Ernst Thalmann (TP.HCM), cũng cho biết nội quy như vậy là cần thiết trong môi trường giáo dục phổ thông. “Hầu hết các em đều ý thức được mình cần tuân thủ quy định, chỉ ra ngoài mới trang điểm đậm, còn vào trường thì nếu có cũng chỉ là một chút son dưỡng và má hồng nhẹ nhàng. Tôi cho rằng nội quy là phải thực hiện nhưng thực tế cũng nên linh hoạt, không quá nặng nề. Chỉ khi nào các em trang điểm đậm, không phù hợp thì mới nhắc nhở, nhắc nhở 1-2 lần mà vẫn tiếp tục thì mới ghi nhận vi phạm. Quan trọng là giáo dục các em hướng đến sự lành mạnh, tuân thủ kỷ luật nhưng không quá khắt khe”, thầy Khoa nêu quan điểm.

Thầy Khoa cũng kể nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp, về thăm trường với mái tóc… vàng hoe thậm chí xanh đỏ đầy cá tính. “Lúc đó, tôi thấy vui vì các em trưởng thành rồi, có thể tự quyết định ngoại hình của mình, làm những điều mình muốn. Còn khi đi học, không thể không tuân thủ nội quy”, thầy Khoa chia sẻ thêm.

Quá chú trọng ngoại hình sẽ sao nhãng việc học

Lê Ngọc Bảo Minh vừa tốt nghiệp Trường THPT chuyên Sư phạm ( Trường ĐH Sư phạm Hà Nội), cho biết trường mình cho phép học sinh để tóc đen hoặc nâu, không được nhuộm màu nổi bật còn trang điểm thì trường không cấm.

“Tuy nhiên, em thấy các bạn cũng chỉ thoa son nhẹ nhàng vừa phải. Chỉ hôm nào có sự kiện hoặc chụp hình kỷ yếu thì các bạn nữ mới trang điểm đậm hơn để lên hình cho nổi bật. Còn về nhuộm tóc, Cũng có một vài bạn nhưng nếu nhuộm màu hơi sáng là cô sẽ nhắc nhở và yêu cầu nhuộm đen lại”, bảo Minh cho hay.

Theo Bảo Minh, nội quy cấm nhuộm tóc và trang điểm là hoàn toàn phù hợp với môi trường giáo dục phổ thông nhằm tránh cho học sinh tập trung quá nhiều vào hình thức bên ngoài mà sao nhãng việc học. “Nếu muốn thể hiện bản thân, các bạn có thể trang điểm khi đi chơi hoặc trong kỳ nghỉ hè có thể nhuộm tóc, nhưng khi vào trường thì không nên”, Bảo Minh nói.

Là một phụ huynh có con vừa tốt nghiệp Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM), chị Nguyễn Bích Hạnh (ngụ tại chung cư Cộng Hoà Plaza, Q.Tân Bình, TP.HCM), nhận định: “Tôi không đồng ý với việc học sinh đến trường vuốt keo, nhuộm tóc, trang điểm hay là sơn móng tay móng chân vì các con cần tập trung cho việc học và rèn luyện thể chất, hoàn thiện các kỹ năng sống khác. Cho dù ở tuổi này các con bắt đầu trưởng thành cũng thích làm đẹp, thể hiện chút cá tính, nhưng cũng chưa phù hợp… Tôi biết bọn trẻ đi học vẫn thoa son làm đẹp nhưng các con nên biết điều chỉnh, chẳng hạn không quá đậm khiến vi phạm nội quy”.

Chị Hạnh cho rằng nếu cho phép về độ đậm nhạt thì cũng rất khó để kiểm tra thế nào là đậm nhạt, và việc cho phép đó có thể sẽ khiến học sinh hình thành thói quen làm đẹp gây xao lãng việc học và khó kiểm soát theo mức độ cho phép đó.

Cũng không nên quá nặng nề, khắt khe

Theo thầy Lê Bá Khoa, trong thời đại hội nhập, giáo dục cũng cần phải khéo léo, linh hoạt, không nên đưa ra những “luật lệ” quá cứng nhắc, nhất là đối với lứa tuổi mới lớn đang có nhu cầu thể hiện cá tính của mình.

“Nội quy là vậy nhưng nếu làm gắt quá có khi sẽ phản giáo dục. Vì thế, nếu các em vi phạm nội quy thì trên hết vẫn là nhẹ nhàng khuyên nhủ, nhắc nhở, định hướng cho các em để các em có ý thức tự nguyện chứ không nên có hình thức kỷ luật quá khắt khe”, thầy Khoa nhìn nhận.

Thầy Nguyễn Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường THPT Trương Định, TX.Gò Công, Tiền Giang, cũng cho rằng mục đích của việc đưa ra nội quy về trang phục, đầu tóc… là để tất cả các em đến trường đều bình đẳng như nhau, không có sự phân biệt giàu nghèo, đồng thời để các em tập trung vào việc học.

“Tuy nhiên, nội quy là như vậy nhưng nếu có em nào vi phạm thì nên khuyên nhủ, phân tích, vận động từ từ để các em hiểu điều gì là nên và không nên, phù hợp và không phù hợp trong môi trường học đường. Các em tuân thủ nội quy trên tinh thần thấu hiểu và tự nguyện vẫn là tốt nhất”, thầy Hải cho hay.

MỸ QUYÊN

TNO