04/01/2025

Tiền mặt là ‘vua’, có tiền bỏ vào đâu lúc này?

Tiền mặt là ‘vua’, có tiền bỏ vào đâu lúc này?

Giao dịch chứng khoán thấp, vàng èo uột và bất động sản cũng im lìm… các kênh đầu tư khó khăn trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu vẫn đang ngày càng phức tạp khiến câu hỏi có tiền bỏ vào đâu để bảo toàn đồng vốn cũng như kiếm lời trong tương lại lại làm khó nhiều người. 

 

 

Tiết kiệm lên ngôi, vàng- bất động sản- chứng khoán thất sủng

Hôm qua (23.9), hàng loạt ngân hàng thương mại (NH) tăng lãi suất (LS) tiền gửi tiết kiệm, chủ yếu ở kỳ hạn dưới 6 tháng sau khi Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành trong khi dòng tiền vào chứng khoán vẫn hết sức èo uột. Bối cảnh này đặt ra câu hỏi, liệu các nhà băng có hút hết tiền từ các kênh đầu tư khác hay không?

Tiền mặt là 'vua', có tiền bỏ vào đâu lúc này? - ảnh 1
Lãi suất tiết kiệm đồng loạt tăng từ ngày 23.9  NGỌC THẮNG

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc đầu tư Công ty chứng khoán Maybank Investment Bank VN, phân tích: Nhiều tháng qua và đến hiện tại, giao dịch trên thị trường chứng khoán (TTCK) sụt giảm mạnh, chỉ bằng 1/4 hay thậm chí nhiều phiên chỉ còn bằng 1/5 giá trị mỗi phiên so với năm trước. Theo quan sát của ông Khánh, nhiều nhà đầu tư (NĐT) tổ chức và NĐT cá nhân lớn đã rút một phần dòng vốn ra khỏi tài khoản chứng khoán khi thị trường liên tục đi xuống.

Những NĐT dù không rút hẳn thì cũng ít giao dịch, tiền để đó xem như chờ cơ hội đầu tư mới. Cũng có một số NĐT muốn rút tiền nhưng không được do danh mục đầu tư đang bị thua lỗ nặng, thậm chí có người còn phải bỏ thêm tiền vào tài khoản để trả nợ vay margin, duy trì cổ phiếu vì tiếc nên không bán… Nhìn chung, dòng tiền lớn không gia nhập thị trường cộng thêm thanh khoản èo uột khiến chứng khoán mất dần tính hấp dẫn. Nhưng bất động sản (BĐS) thì còn khó hơn.

Cổ phiếu giảm mạnh sẽ có dòng tiền bắt đáy còn bất động sản dù gần như đóng băng nhưng giá lại không giảm nhiều nên NĐT cũng không mặn mà mua vào. Riêng thị trường vàng hầu như ít người quan tâm khi chênh lệch giữa vàng trong nước với thế giới quá xa. Đồng thời xu hướng giảm giá của vàng cũng đã và có thể còn tiếp tục diễn ra.

“Với việc tăng lãi suất tiền gửi của nhiều NH thương mại thì tôi nghĩ rằng dòng vốn sẽ chảy vào NH nhiều hơn. Trước đây có thể nhiều NĐT còn để tiền ở tài khoản chứng khoán vì LS kỳ hạn ngắn của các nhà băng thấp. Nhưng nay kỳ hạn dưới 6 tháng đã tăng lên 5%/năm thì nhiều người sẽ chuyển sang gửi tiết kiệm nhiều hơn. Ngân hàng Nhà nước công bố số liệu tiền gửi của hệ thống NH thương mại đến hết tháng 6 đã gia tăng và tôi nghĩ số liệu này trong quý 3/2022 vẫn tiếp tục đi lên”, ông Phan Dũng Khánh nói.

 

Tiền mặt là “vua”?

Trên thực tế, tiết kiệm đang được nhiều người lựa chọn. Chị Ngọc An (Q.3, TP.HCM) chia sẻ từ đầu tháng 9, chị định bỏ thêm một ít vốn vào tài khoản chứng khoán để mua cổ phiếu khi nhiều mã giảm mạnh và dự báo sẽ có cơ hội tăng trở lại. Dù vậy chị vẫn chưa thực hiện.

Hôm qua khi hay tin LS của các NH tiếp tục đi lên, chị đổi ý và cho hay sẽ tiếp tục tăng tiền gửi ở NH với lựa chọn kỳ hạn 6 tháng. Bởi theo chị, sau khi tìm hiểu và thấy có nhiều thông tin các kênh đầu tư như chứng khoán, BĐS hay vàng đều gặp khó khăn khi LS tăng nên gửi tiết kiệm vẫn là ưu tiên hàng đầu. “Đưa tiền vào NH lúc này là đỡ đau đầu nhất, nếu gửi LS trên 7% thì cũng ổn. Nhưng mình vẫn lựa chọn kỳ hạn 6 tháng vì dễ dàng thay đổi hơn kỳ hạn dài”, chị Ngọc An chia sẻ.

Tiền mặt là 'vua', có tiền bỏ vào đâu lúc này? - ảnh 2
Gửi tiết kiệm lúc này được cho là giải pháp hiệu quả hơn các kênh đầu tư ĐÀO NGỌC THẠCH

Đồng tình, ông Trần Thanh Hải – Chủ tịch HĐQT Công ty CP vàng bạc đá quý SJC Phú Thọ – cũng cho rằng vàng đang bị “ế”. Theo lý thuyết, thông thường khi lạm phát tăng cao thì dòng vốn sẽ chảy vào vàng. Nhưng hiện nay, lạm phát thế giới cao lại đi kèm với việc Ngân hàng Trung ương nhiều nước tăng mạnh LS để hút tiền ra khỏi thị trường thì vàng liên tục đi xuống, mất luôn ngưỡng hỗ trợ quan trọng là 1.700 USD/ounce.

Động thái tăng LS của Ngân hàng Nhà nước VN và sau đó là LS tiết kiệm của các NH thương mại đi lên chắc chắn sẽ hút tiền vào hệ thống nhiều hơn. Đây cũng là mục tiêu nhằm kiềm chế lạm phát, giảm bớt áp lực lên tỉ giá hối đoái. Khi LS đi lên, kênh chứng khoán sẽ “chịu đau”. Thực tế là sau khi Mỹ tăng LS thì các chỉ số chính tại Phố Wall hay chứng khoán châu Âu, châu Á đều đi xuống nhiều phiên liên tiếp. Thị trường VN cũng sẽ không ngoại lệ.

Đối với thị trường BĐS, từ nay đến cuối năm cũng chỉ đi ngang, lình xình là chính vì không còn nhiều dòng vốn rẻ trên thị trường. Song song đó, Quốc hội họp sắp tới mới bắt đầu bàn sửa đổi Luật Đất đai sẽ theo hướng siết chặt hơn. Hay với thị trường trái phiếu, quy định mới siết chặt về điều kiện NĐT chuyên nghiệp thì ít NĐT cá nhân đáp ứng được nên cũng không thể tự ý rót tiền vào trái phiếu doanh nghiệp như trước.

Chính vì vậy, ông Trần Thanh Hải dự báo rằng dòng tiền sẽ tiếp tục chảy vào NH nhiều hơn. Nếu như trước đây, LS kỳ hạn dưới 6 tháng của các nhà băng chỉ dao động từ 3,2 – 3,8% thì nay đồng loạt tăng lên từ 4,8 – 5%/năm. Mức LS này sẽ hút lượng tiền gửi trước đây để ở tài khoản vãng lai, không kỳ hạn chuyển sang tiết kiệm. Thông thường đây cũng là dòng vốn lớn từ các tổ chức, doanh nghiệp. Khi đó, các NH cũng chủ động hơn trong sử dụng nguồn vốn. Tất nhiên không loại trừ vẫn có những NĐT chuyên nghiệp trên thị trường chứng khoán, BĐS… vì họ vẫn duy trì hoạt động nhưng cũng sẽ không dồn hết tất cả vào “một rổ”. “Theo tôi tiền mặt hiện nay là vua. Giống như năm 2008 khi LS của các NH đang ở mức cao thì người dân sẽ để gửi tiết kiệm nhiều hơn, không chuyển vào các kênh đầu tư khác vì rủi ro đang gia tăng”, ông Trần Thanh Hải cho biết thêm.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước về tiền gửi của các tổ chức tín dụng tính đến cuối tháng 6, số dư tiền gửi của dân cư đạt hơn 5,61 triệu tỉ đồng, tăng 6,02% so với cuối năm 2021. Đáng chú ý, tốc độ tăng của tiền gửi dân cư gần gấp đôi so với tiền gửi của các tổ chức kinh tế (tăng 3,61% so với cuối năm 2021, đạt 5,84 triệu tỉ đồng). So với tháng 5, lượng tiền gửi của cư dân vào hệ thống NH tăng thêm hơn 50.400 tỉ đồng. Tổng cộng trong 6 tháng đầu năm 2022, dòng tiền nhàn rỗi từ dân cư chảy vào hệ thống NH thêm hơn 318.000 tỉ đồng.

MAI PHƯƠNG

TNO