Sau đại dịch COVID-19, bệnh sốt xuất huyết bùng phát trên diện rộng
Sau đại dịch COVID-19, bệnh sốt xuất huyết bùng phát trên diện rộng
Sốt xuất huyết ở trẻ em đang có dấu hiệu bùng phát, tăng nhanh và diễn biến phức tạp. Trong đó, có nhiều ca bệnh diễn biến nặng, thậm chí dẫn đến tử vong.
Trong giai đoạn diễn biến căng thẳng của đại dịch COVID-19 và việc dành nhiều nguồn lực cho đại dịch này, công tác phòng chống các bệnh truyền nhiễm khác, đặc biệt là bệnh sốt xuất huyết, gặp rất nhiều khó khăn.
Thời gian qua, bệnh sốt xuất huyết bùng phát trên diện rộng ở nhiều tỉnh thành trên cả nước, tốc độ lây lan nhanh và tỉ lệ tái nhiễm cao.
Ông Nguyễn Vũ Trung, viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, cho biết như vậy tại hội thảo “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết dengue vì sức khỏe cộng đồng”, tổ chức vào ngày 23-9, tại TP.HCM.
Từ đầu năm đến nay, Việt Nam ghi nhận 211.388 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 87 trường hợp tử vong. Số ca mắc sốt xuất huyết và số ca tử vong đều tăng so với cùng kỳ năm 2021.
Tỉ lệ lớn các trường hợp mắc sốt xuất huyết xảy ra ở các tỉnh thành phía Nam, bao gồm cả TP.HCM. Đồng thời số lượng các ca mắc ở Hà Nội và một số tỉnh, thành phía Bắc cũng đang liên tục tăng lên.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết năm 2020 – 2021, tình hình dịch sốt xuất huyết giảm hơn so với những năm trước đó, do thực hiện giãn cách xã hội và các công tác phòng chống dịch COVID-19 như tuyên truyền 5K, chích ngừa…
Tuy nhiên, năm 2022 ghi nhận số ca mắc mới tăng cao so với hai năm trước, trong đó số ca sốt xuất huyết nhập viện và số ca nặng cũng tăng cao.
Ông Nguyễn Vũ Trung khuyến cáo: “Sốt xuất huyết dengue do bốn tuýp huyết thanh của virus dengue gây ra. Nhiễm vi rút dengue thứ phát có thể làm tăng nguy cơ sốt xuất huyết nghiêm trọng hơn.
Nói cách khác, những lần nhiễm vi rút về sau sẽ khiến người bệnh có thể diễn biến nặng hơn so với lần nhiễm trước đó.
Tuy nhiên, việc sốt xuất huyết có diễn biến nặng hơn hay không còn phụ thuộc nhiều vào việc phát hiện, chẩn đoán, điều trị có kịp thời và đúng phác đồ hay không.
Vì vậy, công tác phòng chống sốt xuất huyết cần thường xuyên, lâu dài và rất cần sự chung tay góp sức của người dân, cộng đồng và xã hội”.