Quần đảo Solomon bác bỏ chỉ trích thân Trung Quốc
Quần đảo Solomon bác bỏ chỉ trích thân Trung Quốc
Phát biểu tại phiên họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Damukana Sogavare khẳng định nước này muốn làm bạn, hợp tác với tất cả các bên.
Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Damukana Sogavare phát biểu tại Liên Hiệp Quốc AFP |
Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Damukana Sogavare trách móc rằng đảo quốc này phải đối mặt “làn sóng những chỉ trích, thông tin sai lệch, dọa dẫm không có lý do xác đáng và đặt sai chỗ”, sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc vào năm 2019.
Phát biểu tại phiên họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York ngày 23.9, ông cho rằng Quần đảo Solomon “bị nhắm đến một cách bất công” và “bị nói xấu” trên truyền thông. Ông cho rằng việc bị đối xử như thế “đe dọa nền dân chủ và chủ quyền của chúng tôi”, theo Reuters.
Quần đảo Solomon từng có quan hệ ngoại giao với Đài Loan, nhưng chuyển sang thiết lập quan hệ với Bắc Kinh vào năm 2019. Kể từ đó, quần đảo này củng cố quan hệ nhiều mặt với Trung Quốc, khiến Mỹ và nhiều nước phương Tây lo ngại về ý đồ an ninh của Bắc Kinh ở Thái Bình Dương.
“Quyết định này đạt được thông qua tiến trình ngoại giao bởi một chính phủ được bầu một cách dân chủ. Tôi nhắc lại lời kêu gọi tất cả nên tôn trọng chủ quyền và nền dân chủ của chúng tôi”, ông Sogavare phát biểu.
Nhà lãnh đạo cho biết Quần đảo Solomon theo chính sách ngoại giao kết bạn với tất cả và không kết thù với bên nào.
“Để áp dụng chính sách này, chúng tôi sẽ không đi theo bất cứ thế lực hay cấu trúc an ninh bên ngoài nào nhằm vào chúng tôi, một quốc gia có chủ quyền khác hoặc đe dọa hòa bình khu vực, thế giới. Quần đảo Solomon sẽ không bị cưỡng ép để chọn bên”, ông nhấn mạnh.
Thủ tướng Sogavare cho biết trong công cuộc phấn đấu vì sự phát triển của đất nước, Quần đảo Solomon “chìa bàn tay hữu nghị” và tìm kiếm hợp tác thực sự, chân thành với tất cả.
Giới quan sát cho rằng đảo quốc này đã trở thành nơi cạnh tranh địa chính trị giữa Trung Quốc với Mỹ và đồng minh. Sự cạnh tranh này gia tăng vào năm nay sau khi Trung Quốc ký thỏa thuận an ninh với Quần đảo Solomon, dẫn đến cảnh báo về quân sự hóa khu vực.
Thủ tướng Sogavare được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh vào tuần tới giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden với lãnh đạo các đảo quốc Thái Bình Dương.
Điều phối viên chính sách về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Kurt Campbell của Tổng thống Biden cho hay ông trông chờ cuộc đàm thoại với Thủ tướng Sogavare và cho biết Quần đảo Solomons sẽ có lợi từ nhiều sáng kiến trong kế hoạch.
Tuy nhiên, ông Campbell nói thêm rằng: “Chúng tôi cũng đã thể hiện rõ những quan ngại và không muốn thấy một năng lực vươn xa [của Trung Quốc]”.
Trung Quốc và Quần đảo Solomon đều khẳng định rằng sẽ không có căn cứ quân sự của Trung Quốc ở quần đảo này theo thỏa thuận an ninh, dù một dự thảo rò rỉ đề cập các tàu hải quân Trung Quốc có thể tiếp tế tại đây.
KHÁNH AN
TNO