01/01/2025

Giá hàng hoá, vận tải bắt đầu giảm

Giá hàng hoá, vận tải bắt đầu giảm

Sau khi giá xăng dầu tiếp tục “lao dốc”, nhiều đơn vị vận tải đã bắt đầu giảm giá cước, nhiều mặt hàng cũng trên đà giảm giá theo.

Giá hàng hóa, vận tải bắt đầu giảm - Ảnh 1.

Giá hàng hóa ở chợ Bến Thành (TP.HCM) có xu hướng giảm mạnh đã thu hút nhiều khách hàng đến tham quan và mua sắm – Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Tuy mặt bằng giá cả vẫn còn cao so với kỳ vọng, nhưng việc nhiều đơn vị kinh doanh “trở bộ” giảm giá hàng hóa, dịch vụ đã phần nào giải tỏa bớt gánh nặng chi tiêu cho người dân.

 

Nhiều nơi giảm giá cước

Theo ghi nhận, nhiều doanh nghiệp chuyển phát như Viettel Post, Giao hàng nhanh, Best Express… đã có động thái tiếp tục giảm cước chuyển hàng trong tháng 9.

Chị Nguyễn Thị Vân – nhân viên bưu cục Viettel Post quận Bình Thạnh (TP.HCM) – cho hay đơn vị đã cập nhật lại bảng cước chuyển hàng mới khá cạnh tranh. Chẳng hạn gửi hàng tài liệu trong nội tỉnh chỉ 11.000 đồng/đơn hàng dưới 0,5gram, liên miền như TP.HCM – Đà Nẵng, Hà Nội – TP.HCM giá 12.000 đồng/0,5gram.

Tương tự, ông Đỗ Văn Thắng – tổng giám đốc Công ty CP Bưu chính Việt Nam (Vintrans) – cho hay mặt bằng chung giá cước đã giảm 3 – 10%, tùy theo dịch vụ chuyển hàng, so với giai đoạn từ tháng 5.

Nối tiếp đà giảm giá xăng dầu, ông Trần Văn Thành – tổng giám đốc Công ty vận chuyển Á Châu (quận 12) – cho biết công ty đang tiếp tục tính toán giảm giá cước vận chuyển cho các đối tác lẻ trong vài ngày tới.

Chuyên chở hàng Bắc – Nam với hàng chục container, ông Thành cho hay giá xăng dầu hạ nhiệt sẽ là cơ hội tính toán giảm cước, kéo giảm giá hàng hóa. Từ tháng 7 cho đến nay, công ty ít nhất hai lần giảm giá với đối tác.

Bà Lâm Thị Thanh Bông – giám đốc Karl Gross Logistics Việt Nam – cho biết cước vận tải biển đã hạ nhiệt, đặc biệt các tuyến đi Mỹ, châu Âu. Cước vận tải từ Việt Nam đi Mỹ từng lên tới 15.000 – 17.000 USD/container 40 feet, nhưng hiện nay chỉ khoảng 11.000 USD.

Thị trường vận tải nội địa giảm thấp hơn, khoảng 15 – 20%, chẳng hạn tuyến TP.HCM – Hải Phòng đang dao động khoảng 9,2 – 9,5 triệu đồng/container 20 feet và khoảng 12 triệu đồng/container 40 feet. Mức giá này đã giảm khoảng 1 – 2 triệu đồng/chiều so với thời điểm các doanh nghiệp niêm yết giá cước hồi tháng 4-2022.

 

Nhiều mặt hàng giảm giá

Giá xăng dầu đồng loạt giảm trong kỳ điều hành ngày 21-9 đã góp phần hạ nhiệt áp lực tăng giá lên mặt bằng chung của thị trường, đặc biệt đây là thời điểm các doanh nghiệp cao điểm sản xuất, chuẩn bị hàng hóa tiêu dùng dịp Tết.

Ông Bùi Thanh Tùng – tổng giám đốc điều hành Công ty dầu thực vật Tường An – cho biết giá xăng dầu giảm đã giúp giá nguyên liệu dầu ăn thế giới cũng có xu hướng giảm nhẹ. Đến nay một số mặt hàng dầu ăn của đơn vị này đã giảm 2 – 6% tùy nhóm hàng. Trên thị trường, dầu ăn là mặt hàng có điều chỉnh rõ rệt nhất sau các đợt giảm giá xăng dầu.

Tương tự, tại hệ thống Vissan, giá nhiều mặt hàng thịt tươi sống và thịt chế biến cũng đang được giảm giá.

Ông Phan Văn Dũng – phó tổng giám đốc Vissan – cho biết: “Với vai trò đảm bảo lương thực thiết yếu cho người tiêu dùng thành phố và bình ổn giá hàng hóa thị trường, chúng tôi đã rà soát tất cả các chi phí để cắt giảm, đồng thời chủ động giảm lợi nhuận, chia sẻ với người dùng. Ngay khi giá xăng dầu điều chỉnh công ty cũng có những chương trình khuyến mãi cuốn chiếu phối hợp với các nhà bán lẻ giảm 15 – 30% tùy mặt hàng, kích cầu sức mua”.

Theo ông Dũng, những diễn biến tích cực của điều hành xăng dầu gần đây là nền tảng để doanh nghiệp tiếp tục duy trì các chương trình khuyến mãi, giảm giá trong những tháng cuối năm, đặc biệt trong cao điểm chuẩn bị hàng hóa Tết.

Tại các hệ thống bán lẻ, siêu thị, bộ phận thu mua hàng hóa đều cho biết áp lực tăng giá từ nhà cung cấp đã giảm rất nhiều so với vài tháng trước.

Giám đốc kinh doanh một doanh nghiệp cho biết sau chuỗi áp lực tăng giá hồi đầu năm, các siêu thị đang cùng các nhà cung cấp thực hiện hàng loạt khuyến mãi để kích cầu sức mua khi áp lực tăng giá đầu vào giãn ra nhờ các đợt điều chỉnh giảm giá xăng dầu.

Theo bà Đỗ Thị Dậu – trưởng ban quản lý hệ thống bán lẻ Satra, thời gian qua hệ thống có liên kết với các vùng trồng nguyên liệu do vậy giá cả ít biến động. Tuy vậy, khi giá xăng dầu giảm nhiều, hệ thống tiếp tục làm việc với nhà cung cấp để làm sao hàng hóa đến người tiêu dùng có giá tốt nhất, giữ sức mua cho thị trường.

“Với giá điều chỉnh mới của mặt hàng xăng dầu, chúng tôi tiếp tục làm việc với nhà cung cấp. Không chỉ những mặt hàng tươi sống mà hàng thực phẩm công nghệ cũng được thực hiện các chương trình khuyến mãi với mức giảm 10%”, bà Dậu cho biết.

Giá hàng hóa, vận tải bắt đầu giảm - Ảnh 2.

Vận chuyển hàng hóa tại bến xe Miền Đông, quận Bình Thạnh, TP.HCM sáng 22-9 – Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Cước taxi giảm, xe công nghệ đứng im

Đại diện Vinasun cho hay giá nhiên liệu giảm, sau khi cân đối chi phí, hãng sẽ giảm cước taxi loại xe Wigo & 110 và loại xe 5 – 8 chỗ kể từ 26-9. Hãng sẽ lập trình lại giá cước trên taxi meter phù hợp theo từng loại xe.

Chẳng hạn giá cước xe Wigo &110 giảm từ 18.200 đồng/km xuống còn 17.400 đồng/km. Loại xe 8 chỗ Inova G&J mới giá từ 20.200 đồng/km giảm còn 19.200 đồng/km. Như vậy so với mức giá cũ áp dụng vào tháng 6, Vinasun sẽ giảm 800 – 1.000/km.

Vinasun là hãng tiên phong điều chỉnh giá trong đợt này, các hãng taxi khác chưa thông tin về mức giảm giá cước.

Trong khi đó, các hãng xe công nghệ cho đến thời điểm này vẫn chưa có động thái giảm giá cước theo giá xăng dầu, chưa kể giá cả nhảy loạn xạ vào những thời điểm khác nhau trong ngày. Nhiều khách hàng cho rằng giá cước taxi truyền thống và xe công nghệ vẫn ở mức rất cao trong bối cảnh giá xăng dầu giảm mạnh là không sòng phẳng với người tiêu dùng.

Đại diện Gojek cho biết từ tháng 3 đến nay hãng mới điều chỉnh giá một lần, cước phí tối thiểu cho 2km đầu tiên của dịch vụ xe ôm công nghệ GoRide tại TP.HCM điều chỉnh lên 11.000 – 13.000 đồng và tăng 500 – 900 đồng cho mỗi km tiếp theo.

Ông Nguyễn Việt Linh – giám đốc truyền thông của Be – cho biết tiếp tục theo dõi giá nhiên liệu, tuy nhiên vẫn chưa điều chỉnh cước. Bù lại hãng tăng khuyến mãi hằng tuần với khách hàng từ 50.000 đồng/chuyến xe, nếu thanh toán không tiền mặt sẽ áp dụng ưu đãi 20 – 50% cước phí.

Riêng Grab vẫn chưa thông tin về giảm giá cước dù hãng đã đặt ra nhiều loại phụ phí khác trên mỗi chuyến xe. Hiện giá cước Grab vẫn neo ở mức khá cao so với các đối thủ cùng lĩnh vực. Và dù giá xăng dầu giảm sâu, giá cước tối thiểu 2km đầu tiên vẫn ở mức 29.000 đồng cùng với hàng loạt phụ phí bủa vây người dùng như phí thay đổi lộ trình, phụ phí ban đêm…

Ông Nguyễn Văn Quyền – chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô – cho rằng giá cước vận tải vận hành theo cơ chế thị trường, doanh nghiệp xây dựng mức cước trên cơ sở các chi phí đầu vào của giá thành vận tải.

Theo ông Quyền, giá cước phụ thuộc nhiều yếu tố chứ không chỉ xăng dầu. Tuy nhiên, khi đã hoạt động theo cơ chế thị trường, doanh nghiệp cũng cần điều chỉnh theo thị trường cho hợp lý, thể hiện sự sòng phẳng và tôn trọng khách hàng.

 

Dự báo lạm phát của Việt Nam cả năm dưới 4%

Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB tại Việt Nam Nguyễn Minh Cường cho rằng trong bối cảnh áp lực giá cả toàn cầu liên tục gia tăng, Việt Nam vẫn giữ được sự ổn định của thị trường tiêu dùng nhờ việc cung ứng lương thực thực phẩm đủ đáp ứng nhu cầu, chuỗi cung ứng trong nước được phục hồi và việc kiểm soát hiệu quả giá của một số hàng hóa, dịch vụ chủ chốt như xăng dầu, điện, y tế và giáo dục.

Các yếu tố này đã kiềm chế lạm phát bình quân ở mức 2,6% trong tám tháng đầu năm. Với những lạc quan này, ADB dự đoán lạm phát của Việt Nam đạt 3,8% năm 2022 và 4% năm 2023, không thay đổi so với dự báo đã đưa ra trước đó.

HSBC cũng đã hạ mức dự báo lạm phát của Việt Nam về mức 3,5%, thay vì mức 3,7% trong dự báo trước đó, do giá thực phẩm trong nước ổn định nhiều khả năng sẽ giúp kiềm chế lạm phát toàn phần.

 

Chương trình bình ổn giá phát huy tác dụng

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ – giám đốc Sở Công Thương TP.HCM – cho biết thời gian qua, chương trình bình ổn thị trường của TP.HCM đã phát huy một cách hiệu quả trong giai đoạn thị trường chịu nhiều áp lực đầu vào.

Ngay thời điểm giá xăng dầu cũng như nhiều yếu tố đầu vào khác tăng cao thì mức điều chỉnh ở một vài nhóm hàng thuộc chương trình bình ổn thị trường cũng rất thấp, điều này góp phần bình ổn giá thị trường của TP trong một giai đoạn.

“Với xu hướng tích cực trong điều hành xăng dầu của Chính phủ, hy vọng CPI của TP sẽ tiếp tục giảm trong tháng 9 này. Hiện nay, các doanh nghiệp đang vào cao điểm chuẩn bị hàng hóa Tết. TP sẽ tiếp tục triển khai chương trình Khuyến mãi tập trung mua sắm xuân 2022 từ ngày 15-11 đến 31-12, hội nghị kết nối cung cầu với 35 tỉnh thành để chuẩn bị cho lượng hàng hóa trong mùa mua sắm Tết. Riêng chương trình bình ổn thị trường sẽ tiếp tục với những thay đổi phù hợp hơn”, ông Vũ nói.

 

Giá thịt heo tại chợ giảm mạnh, ở siêu thị vẫn cao

NP_choTanDinh_10a 1(Read-Only)

Người dân mua thực phẩm tại chợ Tân Định, quận 1, TP.HCM sáng 22-9 – Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Ông Lê Xuân Huy – phó tổng giám đốc Công ty chăn nuôi C.P Việt Nam – cho biết hiện đơn vị xuất bán khoảng 15.000 con heo hơi/ngày, với giá bình quân 59.000 đồng/kg. Mức giá trên đã giảm khoảng 3.000 – 4.000 đồng so với đầu tháng 9. “Giá heo có thể sẽ tăng lên trong các tháng tới nhưng mức tăng sẽ không nhiều do nguồn cung heo từ các công ty chăn nuôi lớn đang khá dồi dào”, ông Huy nhận định.

Theo ông Nguyễn Kim Đoán – phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, sau thời gian giảm liên tục, giá heo hơi phía Nam đang ở mức 55.000 – 63.000 đồng/kg tùy loại và khu vực, giảm bình quân 15.000 đồng so với mức đỉnh của hai tháng trước.

Tương tự, giá gà công nghiệp (lông trắng) ở phía Nam hiện ở mức 29.000 – 31.000 đồng/kg, giảm 10.000 đồng/kg so với mức đỉnh hơn một tháng trước đó.

Giá gà giảm được dự báo trước do vòng đời chăn nuôi gà công nghiệp ngắn (khoảng 40 ngày) nên sản lượng dễ biến động, kéo theo giá bán thay đổi nhanh. Với mức giá trên, hầu hết người nuôi gà chỉ có mức lãi khiêm tốn.

Tại chợ đầu mối Hóc Môn, nhiều mặt hàng bán ra tại chợ đã hạ nhiệt so với tuần trước đó. Do giá heo hơi giảm nên giá heo mảnh (đã mổ, không đầu) bán ra tại chợ hiện còn 68.000 – 74.000 đồng/kg tùy loại, giảm trung bình khoảng 13.000 đồng so với mức cao của hơn một tháng rưỡi trước.

Thịt heo pha lóc giá cũng giảm với đùi rọ hiện 68.000 đồng/kg, giò trước và cốt lết 65.000 – 70.000 đồng/kg, sườn non 130.000 đồng/kg.

Trong khi đó, dù giá heo hơi giảm mạnh hiện còn 55.000 – 63.000 đồng/kg nhưng giá thịt heo bán lẻ tại nhiều siêu thị ở TP.HCM vẫn không giảm, thậm chí neo cao sau khi được điều chỉnh tăng trước đó với thịt đùi phổ biến 145.000 đồng/kg, ba rọi 195.000 đồng/kg, sườn non 255.000 đồng/kg…

Tương tự, trừ sản phẩm tham gia bình ổn, giá trứng gia cầm bán ra tại thị trường TP.HCM vẫn đang ở mức cao kỷ lục với trứng gà 36.000 đồng/chục, trứng vịt 41.000 đồng/chục.

Bà Phạm Thị Huân – chủ doanh nghiệp Ba Huân – cho biết giá thức ăn đang neo cao nhưng hiện đơn vị không tăng thêm giá bán trứng mà vẫn giữ giá bình ổn ở mức 31.500 đồng/chục với trứng gà và 37.000 đồng/chục với trứng vịt.

Theo bà Huân, trừ trường hợp giá thức ăn tiếp tục tăng cao, còn lại phương châm đơn vị vẫn cố gắng giữ giá trứng ổn định để phục vụ thị trường cao điểm cuối năm, thậm chí giảm giá nếu có thể. Về sản lượng, so với các tháng thường, Ba Huân đã có kế hoạch để tăng khoảng 20% lượng trứng vào thời điểm cuối năm.

Theo Sở Tài chính TP.HCM, hiện mặt hàng trứng gia cầm và thịt heo trong diện bình ổn vẫn áp dụng mức giá được điều chỉnh tăng trước đó. Tuy nhiên, dựa vào diễn biến giá thị trường, giá nguyên vật liệu, đơn vị sẽ yêu cầu các doanh nghiệp điều chỉnh giá cho hợp lý, đảm bảo thấp hơn giá ngoài chương trình 5 – 10%.

“Một số mặt hàng bình ổn, mặt hàng phải kê khai giá đã được doanh nghiệp giảm giá bán từ cuối tháng 8. Tuy nhiên sở vẫn tiếp tục đề nghị các doanh nghiệp tính toán tiết giảm chi phí đầu vào để giảm giá bán hàng hóa về mức hợp lý, giúp ổn định thị trường cuối năm”, đại diện sở cho biết.

CÔNG TRUNG – NHƯ BÌNH – NGUYỄN TRÍ
TTO