FED lại tăng lãi suất để ‘diệt’ lạm phát
FED lại tăng lãi suất để ‘diệt’ lạm phát
Khi lạm phát ở Mỹ đã tăng lên mức cao nhất trong 40 năm, Cục Dự trữ liên bang (FED) đã phải tiếp tục tăng lãi suất để đối phó. Nhưng có lẽ đây chưa phải lần tăng lãi suất cuối cùng của họ trong năm nay.
Ngày 21-9, sau cuộc họp kéo dài 2 ngày, FED quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,75 điểm phần trăm (75 điểm cơ bản) lần thứ 3 liên tiếp, và là lần tăng lãi suất thứ 5 trong năm nay. Qua đó, biên độ lãi suất cơ bản được nâng lên trong khoảng từ 3 – 3,25%, cao nhất tính từ tháng 1-2008.
Biện pháp đau đớn
Chủ tịch FED Jerome Powell tuyên bố ông và các nhà hoạch định chính sách Mỹ sẽ tiếp tục cuộc chiến nhằm kiểm soát lạm phát. “Chúng ta phải chiến thắng lạm phát. Tôi ước có một cách nào đó không đau đớn để làm điều này. Nhưng đã không có”, ông Powell phát biểu trước báo giới, trong bối cảnh FED kỳ vọng tỉ lệ lạm phát sẽ giảm xuống quanh mức 2% vào năm 2025.
FED đã tăng lãi suất cơ bản 5 lần trong năm nay, từ mức gần 0 lên mức hơn 3% như hiện nay. Các nhà hoạch định chính sách của FED cho rằng lãi suất sẽ tăng lên mức khoảng 4,4% vào cuối năm nay và 4,6% vào cuối năm sau.
Với việc tăng lãi suất, FED sẽ khiến chi phí vay thế chấp, mua ô tô hoặc vay kinh doanh trở nên đắt đỏ hơn. Khi đó, người tiêu dùng và các doanh nghiệp có thể sẽ vay và chi tiêu ít hơn, từ đó giảm lạm phát. Nhưng điều này cũng sẽ làm chậm tăng trưởng kinh tế.
“Nếu chúng ta không giảm lạm phát, chúng ta sẽ gặp rắc rối. Vì vậy, đó là công việc số 1 cần làm”, thành viên ban điều hành FED, Thống đốc Christopher Waller, giải thích.
Hiện nay giá cả hàng hóa tăng đang gây sức ép lên các gia đình cùng doanh nghiệp Mỹ, đồng thời gây áp lực cho Tổng thống Mỹ Joe Biden khi nước Mỹ sắp bước vào cuộc bầu cử giữa kỳ vào đầu tháng 11.
Các quan chức FED cho biết họ đang tìm cách “hạ cánh mềm”, tức là sẽ xoay xở giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức đủ để kiềm chế lạm phát, nhưng không quá nhiều đến nỗi gây suy thoái.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế lo ngại việc FED tăng lãi suất mạnh theo thời gian sẽ dẫn đến tỉ lệ thất nghiệp gia tăng và suy thoái kinh tế toàn diện vào cuối năm nay hoặc đầu năm tới. Họ cũng cho rằng GDP của Mỹ sẽ phải tăng trưởng âm trong ít nhất một khoảng thời gian ngắn vào nửa đầu năm 2023 trước khi lạm phát bắt đầu giảm.
Trong phát biểu tháng trước, Chủ tịch FED Jerome Powell thừa nhận việc tăng lãi suất của FED sẽ “gây ra một số nỗi đau” cho các hộ gia đình và doanh nghiệp.
Ảnh hưởng toàn cầu
Động thái của Ngân hàng trung ương Mỹ ảnh hưởng tới phần còn lại của thế giới, tờ Financial Times nhận định ngày 22-9. Việc FED tăng lãi suất sẽ khiến đồng đô la Mỹ (USD) tăng giá so với hầu hết các đồng tiền khác, trong đó có đồng Việt Nam, tạo sức ép lớn lên tỉ giá USD/VND.
FED tăng lãi suất sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát ở những nơi khác khi làm tăng giá cả của những hàng hóa được định giá bằng USD. Ngoài ra, những nước đang gánh nhiều khoản nợ bằng USD sẽ khó khăn hơn do nợ tăng và có thể họ cũng phải tính đến chuyện tăng lãi suất để bảo vệ đồng nội tệ.
Báo Financial Times cảnh báo một “cuộc chiến tiền tệ đảo ngược” đang diễn ra khi các nước cố gắng làm cho đồng tiền của họ mạnh hơn. Chẳng hạn trong tuần này Ngân hàng trung ương Thụy Điển đã công bố tăng lãi suất mạnh nhất trong gần ba thập niên, khi tăng thêm 100 điểm cơ bản lên mức 1,75% để kiềm chế lạm phát.
Ngày 22-9, Ngân hàng trung ương Anh cũng tăng lãi suất lên mức 2,25%, cao nhất kể từ năm 2008.
Tuần trước, Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo mặc dù rất cần đè bẹp lạm phát, nhưng việc tăng lãi suất có nguy cơ đẩy kinh tế toàn cầu vào một cuộc suy thoái tàn phá, khiến các nước nghèo nhất thế giới có nguy cơ sụp đổ.
WB mô tả tình hình hiện nay giống với đầu thập niên 1980. Vào thời điểm đó, lãi suất toàn cầu tăng vọt và thương mại thế giới sụt giảm, làm bùng phát cuộc khủng hoảng nợ ở Mỹ Latin và gây ra làn sóng vỡ nợ tại vùng Hạ Sahara châu Phi.
Chuẩn bị cho điều tệ nhất
Theo báo Guardian, phát biểu tại phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ hôm 21-9, đại diện một số ngân hàng hàng đầu của Mỹ cho rằng còn quá sớm để biết việc tăng lãi suất sẽ tác động đến nền kinh tế Mỹ ra sao.
Ông Jamie Dimon, giám đốc điều hành của Ngân hàng JPMorgan Chase, bình luận có khả năng xảy ra suy thoái nhẹ, nhưng cũng có thể xảy ra suy thoái mạnh.
“Do chiến sự Ukraine cũng như tình trạng không chắc chắn về nguồn cung lương thực và năng lượng toàn cầu, có thể tình hình sẽ tồi tệ hơn. Tôi cho rằng các nhà hoạch định chính sách nên chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất, để chúng ta có những hành động đúng đắn nếu điều đó xảy ra”, ông nói.
Thủ tướng chỉ đạo nghiên cứu tăng lãi suất điều hành
Theo thông tin trên báo Chính Phủ, sau khi FED công bố tăng lãi suất, trong phiên họp Chính phủ ngày 22-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo các giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô.
Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu tăng lãi suất điều hành, tăng lãi suất huy động nhưng cố gắng giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay. Thủ tướng cũng kêu gọi vận động các tổ chức tín dụng tiếp tục đổi mới công nghệ, tăng hiệu quả hoạt động, quản trị, tiết giảm chi phí.
Ông cũng kêu gọi các tổ chức này nghiên cứu giảm lãi suất ở một số đối tượng, lĩnh vực phục vụ sản xuất kinh doanh để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi kinh tế sau dịch.
Cũng tại cuộc họp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết trong bối cảnh đồng tiền của nhiều nước mất giá rất mạnh so với đồng USD, đồng tiền Việt Nam vẫn thuộc nhóm ít mất giá nhất so với khu vực và thế giới.
Thống đốc cho rằng thách thức lớn nhất trong điều hành kinh tế vĩ mô vẫn là kiểm soát lạm phát, dù các tổ chức quốc tế đều đánh giá năm 2022, Việt Nam có thể kiểm soát lạm phát dưới 4% như mục tiêu Quốc hội đề ra.