04/01/2025

Dấu ấn người Việt ở đảo Réunion: Những dấu vết vô hình nhưng bền vững

Dấu ấn người Việt ở đảo Réunion: Những dấu vết vô hình nhưng bền vững

Hàng trăm người Việt lưu đày trên mảnh đất sỏi đá núi lửa giữa Ấn Độ Dương cách nay hơn 150 năm không hề biết mình là đối tượng của một cuộc thử nghiệm.

 

 

Xã Salazie, ở bờ đông của đảo, nằm giữa một hõm chảo cùng tên. Để đến được đây, phải đi qua một con đường nhỏ ngoằn ngoèo xuôi theo dòng sông, dưới bóng những đỉnh núi đá nhọn. Phong cảnh gợi nhớ miền bắc Việt Nam, gần biên giới với Trung Quốc, đặc biệt giống đường số 4 giữa Lạng Sơn và Cao Bằng: Những vách đá hăm dọa, thảm thực vật dày đặc tầng lớp sẵn sàng rơi xuống không báo trước. Đây chính là nơi nhiều người nô lệ da đen chạy trốn khỏi các đồn điền tìm đến ẩn náu, trước khi thực dân da trắng cũng đến định cư giữa thế kỷ 19. Daniel Varga đã tìm thấy ở Salazie dấu vết của một số người phu Việt: Họ được gửi gắm cho chính quyền xã quản lý để xây dựng đường sá. Hãy hình dung họ kéo những chiếc xe chở đầy đá nặng trên những con đường hiểm trở này.

Dấu ấn người Việt ở đảo Réunion: Những dấu vết vô hình nhưng bền vững - ảnh 1
Nhà lưu trú của khu cách ly La Grande Chaloupe, nơi những người thợ bị cách ly khi mới đến  LOUIS RAYMOND

Giống như phần đông những người thợ, phu mộ Việt cũng nổi dậy chống lại số phận áp đặt lên họ. “Năm 1871, khi có những tin đồn từ Nam kỳ về việc quân Pháp bị nhà vua đẩy lùi, những người thợ Việt thấy một cơ hội để đòi được hồi hương”, Daniel Varga viết. Đầu tháng 1 năm đó, hàng trăm người Việt tham gia vào các vụ cướp phá dưới sự chỉ huy của một cựu thủ lĩnh quân sự Nam kỳ tên gọi là “Pam”. Người Pháp phải huy động rất nhiều lực lượng để dẹp cuộc nổi dậy này, đặc biệt là sử dụng một đơn vị lính thủy đánh bộ. “Họ là những người có ý thức chính trị, là người yêu nước, cho dù người Pháp gọi họ là đạo tặc. Người ta có thể hình dung rằng cuộc nổi dậy liên quan đến việc họ bảo vệ quyền lợi của mình, tuy nhiên tôi không tìm thấy dấu vết gì chứng minh chuyện đó trong tư liệu lưu trữ”, nhà sử học nêu rõ.

 

Gieo rắc những hạt mầm kháng cự

Phần lớn các cuộc hồi hương của người Việt diễn ra trong những năm 1870, nhưng còn kéo dài đến 1883. Tiếp sau đó lại có một làn sóng người lao động Việt Nam thứ hai. Trong bối cảnh nhiều người Việt đã được đưa đến Tân Calédonie trong thập niên trước đó, các công ty thương mại Pháp bắt đầu tìm cách tuyển mộ lao động từ Bắc kỳ. Mặc dù giới chức Pháp ở Đông Dương và cá nhân toàn quyền Paul Doumer nhìn chuyện này một cách ít thiện cảm, cũng có tới 175 người Việt ra đi đến Réunion năm 1901. Phần đông trong số họ hồi hương năm 1907.

Sự hiện diện của những người Việt Nam ở Réunion đến nay đã bị quên lãng, hoặc gần như vậy. “Nói chung đó là một cuộc di cư khá hạn chế, và số lượng người liên quan ít ỏi càng khiến người ta ít nhớ đến. Ngoài ra, người Việt thường bị đánh đồng với người Hoa. Trong các văn bản hành chính thời đó, người ta gọi chung là người An Nam và Trung Hoa di cư. Ở đảo Réunion, sự ghi nhận ký ức về chế độ mộ phu vẫn còn khá mới mẻ, chỉ trong vòng 20 năm trở lại. Khi hậu duệ những người phu đồn điền Ấn Độ làm việc này, không có một cộng đồng người Việt ở đây để tham gia cùng”, Giáo sư Daniel Varga phân tích.

Dấu ấn người Việt ở đảo Réunion: Những dấu vết vô hình nhưng bền vững - ảnh 2
Thác nước trong hõm chảo Salazie, phía đông đảo Réunion. Đây là khu vực mà những người phu Việt Nam đã xây dựng đường sá trong thế kỷ 19  ADÈLE FRASLIN

Một số người Việt còn ở lại đảo đã trở thành “người créole”, nghĩa là trở thành người Réunion, tức là người Pháp, thông qua kết hôn hoặc qua việc nhập quốc tịch. Ví dụ như Joseph Say, một nhân vật có cuộc đời phi thường mà Jany Damien Cardia, nhà nghiên cứu gia phả học người Réunion, tìm thấy dấu vết. Sinh năm 1843 ở Sài Gòn, Joseph Say (tên trong tiếng Pháp của ông ta) tới Réunion năm 1864 dưới thân phận tù binh chiến tranh. Ban đầu ông ký hợp đồng lao động, sau đó là có thẻ định cư lâu dài. Khi kết hôn với một nữ công nhân Ấn Độ năm 1873, ông làm nghề bán thịt và chính quyền liệt kê ông vào loại mù chữ. Nhưng từ năm 1877, ông thăng tiến nhanh vùn vụt. Ông chuyển đến sống ở khu vực bắc đảo và được bầu làm xã trưởng các năm 1903 – 1904 sau khi nhập tịch Pháp. Con cháu ông hiện vẫn sinh sống ở Réunion: Vợ của Jany Damien Cardia chính là cháu đời thứ ba của ông.

Nhưng dấu ấn lâu dài nhất mà chế độ mộ phu Việt ở Réunion để lại không phải câu chuyện trên. Nhà nghiên cứu Hồ Hải Quang, người am hiểu lịch sử kinh tế đảo Réunion lẫn sự ra đời của chủ nghĩa tư bản ở Nam kỳ đã giải thích trong luận án tiến sĩ bảo vệ năm 1982 của mình: “Ít người biết rằng khuôn khổ pháp lý cho chế độ mộ phu ở Réunion cũng được sử dụng y hệt để tuyển mộ lao động Bắc kỳ cho các đồn điền cao su Nam kỳ trong thời thực dân Pháp”. Hàng trăm người Việt lưu đày trên mảnh đất sỏi đá núi lửa giữa Ấn Độ Dương cách nay hơn 150 năm không hề biết điều đó. Trong khi nai lưng trên cánh đồng mía, họ cũng chẳng quan tâm rằng mình đang là đối tượng của một cuộc thử nghiệm. Khắp nơi trong đế chế thực dân Pháp, suốt gần một thế kỷ, chủ nghĩa tư bản đã tìm mọi phương cách để mua rẻ rúng sức lao động của người dân bản xứ. Trong quá trình bóc lột ấy, những chủ đồn điền mía, cao su, những nhà cai trị bị mua chuộc, hay những viên hiến binh và binh sĩ được giao nhiệm vụ cai ngục, tất cả đều gieo rắc sau họ những hạt mầm kháng cự.

(còn tiếp)

 

TNO