Cường quốc đối đầu tại Liên Hiệp Quốc
Cường quốc đối đầu tại Liên Hiệp Quốc
Phiên họp thường niên lần thứ 77 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc diễn ra trong bối cảnh thế giới đang phải vật lộn với nhiều cuộc khủng hoảng, do đó vai trò thể chế đa phương toàn cầu của tổ chức này càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Nhưng đáng tiếc, các bài phát biểu quan trọng tại kỳ họp này trong tuần qua vẫn mang đầy màu sắc của sự cạnh tranh của các cường quốc và sự chia rẽ sâu sắc giữa các quan điểm khác nhau về hòa bình thế giới.
Niềm tin giữa nước lớn xuống thấp
Có thể nói, niềm tin giữa các cường quốc trên thế giới hiện đang ở mức thấp nhất kể từ thời chiến tranh lạnh, trong đó có bất đồng sâu sắc về vấn đề Đài Loan và xung đột Nga – Ukraine.
Trong bài phát biểu hôm 24-9, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov chỉ trích các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga về cuộc chiến ở Ukraine, đồng thời lên tiếng ủng hộ Trung Quốc bằng cách chỉ trích lập trường Đài Loan của Washington.
Ông Lavrov cho rằng Mỹ đang “đùa với lửa” trong vấn đề Đài Loan, trong khi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nhấn mạnh Bắc Kinh sẽ thúc đẩy hoạt động để “thống nhất hòa bình” với Đài Loan và cam kết thực hiện các bước mạnh mẽ để phản đối bất kỳ sự can thiệp nào từ bên ngoài (ám chỉ Mỹ).
Ông Vương Nghị cũng cho biết Bắc Kinh ủng hộ mọi nỗ lực có lợi cho việc giải quyết “cuộc khủng hoảng” ở Ukraine một cách hòa bình, nhưng thận trọng trước nguy cơ bùng phát chiến tranh.
Lo ngại của ông Vương có cơ sở khi trước đó Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh động viên một phần để huy động thêm 300.000 quân dự bị cho chiến trường Ukraine. Đây là lần tổng động viên quân đội quy mô lớn đầu tiên của Nga kể từ sau Thế chiến 2, và gấp đôi số lượng lực lượng Nga đã được điều động để tấn công Ukraine bảy tháng trước, báo hiệu khả năng cuộc xung đột Ukraine kết thúc nhanh chóng hầu như là không có.
Trái ngược với Trung Quốc, Nga và Ấn Độ khi chỉ gửi cấp ngoại trưởng tới tham dự kỳ họp LHQ lần này, hầu hết các nhà lãnh đạo cao cấp nhất của các quốc gia phương Tây đều phát biểu ở thể chế đa phương lần này. Có lẽ bởi vì các nước phương Tây thực sự tin rằng nó phục vụ lợi ích của họ.
Tổng thống Mỹ Joe Biden không từ bỏ cơ hội chỉ trích “chiến dịch quân sự” của Nga ở Ukraine vi phạm Hiến chương LHQ. Ông gọi kế hoạch bỏ phiếu nhanh ở các vùng Ukraine bị chiếm đóng để gia nhập Nga là “giả tạo” khi chúng được thiết kế để cố gắng thôn tính thêm lãnh thổ của Ukraine.
Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gọi cuộc xung đột ở Ukraine là “quay trở về chủ nghĩa đế quốc” của Nga.
LHQ cần mạnh dạn hơn
Vai trò của LHQ đang đứng trước những thách thức toàn cầu hơn bao giờ hết để giữ sự liên quan của mình trước những vấn đề khủng hoảng trên thế giới.
Tại kỳ họp lần này, những yêu cầu xưa cũ về cải cách LHQ xuất hiện trở lại. Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết cần phải điều chỉnh các thể chế đa phương phù hợp với thực tế của thế kỷ 21, bao gồm việc trao cho Đức một ghế thường trực trong Hội đồng Bảo an LHQ bởi vì Berlin “sẵn sàng đảm nhận trách nhiệm lớn hơn”.
Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio kêu gọi các nhà lãnh đạo khác tận dụng Hội nghị thượng đỉnh LHQ về tương lai được lên kế hoạch cho năm 2024 để bắt đầu các cuộc đàm phán chính thức về cải cách LHQ.
Tokyo cũng từ lâu bày tỏ mong muốn trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ. Quốc gia này đã giành được một ghế không thường trực trong hội đồng 15 thành viên vào tháng 6 vừa qua.
Mặc dù LHQ không đóng nhiều vai trò trong việc làm giảm căng thẳng cuộc xung đột Ukraine nhưng không vì vậy mà hoạt động liên quan đến an ninh toàn cầu của LHQ bị ngưng trệ. LHQ đã cố gắng để tiếp tục thông qua các nghị quyết liên quan đến các cuộc khủng hoảng Ukraine mà gần đây nhất là nghị quyết cho phép Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky được phép phát biểu tại Đại hội đồng LHQ qua video, cũng như các nghị quyết cho các vấn đề khác liên quan đến Taliban và Somalia.
Không ai dám chắc rằng LHQ có thể tiếp tục duy trì vai trò của một thể chế đa phương một cách hiệu quả trong thời đại cạnh tranh ngày càng căng thẳng giữa các cường quốc và giữa các cuộc khủng hoảng xuyên quốc gia như đại dịch, biến đổi khí hậu và khan hiếm lương thực.
Dù vậy, cũng phải cần công nhận rằng thể chế đa phương LHQ cũng linh hoạt trong một số vấn đề, điển hình như chiến sự Ukraine. Tuy nhiên, để bảo đảm LHQ vẫn còn liên quan trong các vấn đề quốc tế thì nó cần phải mạnh dạn hơn trong thay đổi hiến chương cùng với việc cải cách các cơ quan của mình.
Nếu không, các thể chế đa phương khác như NATO, SCO (Tổ chức Hợp tác Thượng Hải) hay G20 sẽ sẵn sàng thay thế LHQ trong việc giải quyết các cuộc khủng hoảng lớn của thế giới.
Việt Nam kêu gọi thay đối đầu bằng hợp tác
Trong bài phát biểu tại Đại hội đồng LHQ ngày 24-9, Phó thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh nhấn mạnh những thách thức hiện tại đang đặt nhân loại trước “bước ngoặt lịch sử”, kêu gọi các bên từ bỏ cách tiếp cận đối đầu và tư duy “được – mất” mà thay vào đó cần thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và hợp tác quốc tế một cách cởi mở, bao trùm, công bằng và cùng có lợi.
“Việt Nam tin tưởng sâu sắc rằng thượng tôn pháp luật quốc tế, đặc biệt là các nguyên tắc tôn trọng bình đẳng chủ quyền, độc lập chính trị và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia cũng như giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, là biện pháp hiệu quả và khả thi nhất để ngăn ngừa xung đột và thúc đẩy hòa bình, an ninh bền vững.
Đối thoại mang tính xây dựng và tôn trọng các quyền và lợi ích chính đáng của các bên liên quan trên cơ sở luật pháp quốc tế là “chìa khóa” để giải quyết tranh chấp và giảm căng thẳng” – Phó thủ tướng Việt Nam nhấn mạnh.
Phó thủ tướng cũng khẳng định Việt Nam kêu gọi chấm dứt chiến sự ở Ukraine và sẵn sàng đóng góp vào tiến trình ngoại giao, phục hồi và tái thiết ở Ukraine.
DUY LINH