EVN từ chối đàm phán mua điện tái tạo chuyển tiếp
EVN từ chối đàm phán mua điện tái tạo chuyển tiếp
Cho rằng việc đàm phán giá hợp đồng mua bán điện với các dự án chuyển tiếp điện mặt trời, điện gió không khả thi, Tập đoàn Điện lực VN mới đây từ chối nhận đàm phán, kiến nghị cho phép các nhà đầu tư này tham gia thị trường điện theo giá giao ngay.
Chuyển đàm phán sang đấu thầu
Lý do Tập đoàn Điện lực VN (EVN) nêu ra là do thời gian đàm phán kéo dài và các dự án chuyển tiếp đã đầu tư ở nhiều giai đoạn khác nhau, đã thực hiện với khung giá điện không hồi tố lại được các năm trước khi đàm phán với số lượng lớn. Việc xác định sản lượng điện bình quân năm của các nhà máy điện gió, điện mặt trời để có giá điện sẽ phức tạp hơn các dự án điện truyền thống. Ngoài ra, việc đàm phán theo tổng mức đầu tư do chủ đầu tư khai báo, sản lượng điện bình quân sẽ phát sinh các vấn đề khó giải trình, nằm ngoài kiểm soát của EVN.
Điện gió ở Ninh Thuận GIA HÂN |
Chẳng hạn, dự án nằm cạnh nhau nhưng có giá khác nhau, dự án vận hành thương mại trước có giá rẻ hơn dự án đưa vào vận hành sau… Không kiểm soát được thời gian đàm phán hợp đồng mua bán điện (PPA) sẽ dẫn tới không kiểm soát được tiến độ vận hành thương mại điện gió, điện mặt trời theo nhu cầu tại từng thời điểm trong tương lai. Bên cạnh đó, các nước đều chuyển sang cơ chế đấu thầu sau khi kết thúc giai đoạn giá FIT (biểu giá điện hỗ trợ được đưa ra nhằm khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, tăng sức cạnh tranh của các nguồn năng lượng này với các nguồn năng lượng truyền thống – PV) trong một giai đoạn nhất định.
Thi công lắp đặt điện năng lượng mặt trời ở Bình Định ĐỘC LẬP |
Do vậy, EVN kiến nghị trước mắt thay vì đàm phán, cho phép các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp tham gia thị trường điện, được thanh toán theo giá thị trường điện giao ngay và không vượt quá khung giá phát điện của loại hình nguồn điện tương ứng do Bộ Công thương phê duyệt. Trong dài hạn, việc mua điện nên chọn cơ chế đấu thầu. Các chủ đầu tư được lựa chọn tham gia thị trường điện hoặc tham gia đấu thầu để ký PPA và phát triển dự án. Đơn vị tổ chức đấu thầu là Bộ Công thương.
Cơ chế giá điện chính thức áp dụng cho đối tượng chuyển tiếp chưa được ban hành từ 1.11.2020 đến nay đối với điện gió, từ 1.1.2021 đến nay đối với điện mặt trời. Trước đó, cuối tháng 7.2022, Bộ Công thương đề xuất Chính phủ cho phép chủ đầu tư dự án điện tái tạo chưa kịp hưởng ưu đãi được đàm phán giá với EVN. Trong đó, có 62 dự án điện gió, tổng công suất 3.479 MW đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN nhưng do giá FIT hết hạn nên chưa có giá bán điện, 5 dự án/phần dự án điện mặt trời, tổng công suất 452,62 MW cũng đang chờ xác định giá bán điện. Để tránh lãng phí nguồn lực đầu tư, đề nghị Thủ tướng chấp thuận cơ chế các dự án chuyển tiếp đàm phán giá, hợp đồng mua bán với EVN trong khung do Bộ ban hành. Với các dự án điện gió, điện mặt trời sẽ triển khai trong tương lai, đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận áp dụng cơ chế đàm phán giá điện và hợp đồng mua bán điện, để đảm bảo tính đồng nhất của hành lang pháp lý với các dự án.
Lãng phí tài nguyên, tiền bạc
Thành viên Hội đồng năng lượng tái tạo thế giới, TS Trần Văn Bình cho rằng việc đàm phán mua điện không có gì khó khăn, “nói khó” là cách né tránh trách nhiệm. Nói một cách công tâm, EVN được giao nhiệm vụ ký hợp đồng mua bán điện với nhà đầu tư nên việc khai thác, huy động nguồn điện thuộc thẩm quyền của EVN trên cơ sở các thỏa thuận, hợp đồng đã ký giữa các bên và quy định của pháp luật liên quan. Trước đây, EVN đại diện nhà nước ký kết mua bán với các nhà đầu tư. Trong hợp đồng có thòng thêm câu với nội dung là bên mua sẽ tiêu thụ hết công suất của nhà đầu tư sản xuất ra với điều kiện khả năng đường truyền tải cho phép. Nay đường truyền tải không cho phép, EVN không mua nữa, nhà đầu tư phải chấp nhận. “Theo tôi đánh giá, cách làm này không công bằng bởi một hợp đồng mua bán thì quyền lợi và trách nhiệm 2 bên phải ngang nhau. Đằng này, bên mua lại có quyền cắt, không lấy hàng nữa là không tuân thủ luật mua bán. Như vậy thiếu bình đẳng rồi. Dù vậy, việc EVN kiến nghị trước mắt cho phép các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp tham gia thị trường thanh toán theo giá thị trường điện giao ngay là quá tốt. Ít nhất gỡ khó cho nhà đầu tư lúc này, đặc biệt với những nhà đầu tư đã có sản phẩm để bán. Bất luận thế nào, chính sách phải quyết nhanh, gọn, chứ càng kéo dài nhà đầu tư càng thiệt, lãng phí tài nguyên năng lượng”, ông kết luận.
Theo các chuyên gia, phương án đàm phán giá bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên cao hơn, dù EVN vẫn nắm lợi thế lớn vì đó là khách hàng mua điện duy nhất. TS Nguyễn Duy Khiêm (Trường ĐH Quy Nhơn) dẫn chứng: tại Bình Định có một dự án hiện tại đã lắp dựng 12 trụ tua-bin gió, trong đó có 6 trụ đang vận hành với giá FIT còn 6 trụ đang đứng yên vì lý do chưa kịp vận hành trước 30.10.2021. Mỗi tua-bin ước tính có giá hơn 100 tỉ đồng cả năm nay vẫn đứng đó chờ cơ chế giá, rất lãng phí. Ông nói: “Những lý do khách quan và chủ quan đều đã và đang gây ảnh hưởng lớn đến tiến trình hòa lưới của các dự án điện tái tạo đúng thời hạn. Theo tôi, những dự án chuyển tiếp nên kiểm tra xác nhận chốt công suất, 2 bên ngồi lại đàm phán sao cho lợi ích hài hòa đôi bên. Việc này cần quyết định sớm, chứ kéo dài gây lãng phí tài nguyên, tiền bạc… Bên cạnh đó, nhà đầu tư sẽ không yên tâm và ảnh hưởng đến tiến trình phát triển năng lượng xanh của đất nước”.
TS Ngô Đức Lâm, nguyên Cục trưởng Cục An toàn kỹ thuật và môi trường (Bộ Công thương), cũng băn khoăn rằng những phương án này vốn đã được bàn thảo rất nhiều trước đây. Vấn đề là doanh nghiệp đang trông chờ một chính sách hợp lý và hài hòa lợi ích 2 bên. Đặc biệt, phương án mà EVN đưa ra liệu có giúp giải tỏa nhanh được công suất điện thừa hay không, và quy trình thủ tục, hành lang pháp lý như thế nào? Đây là những điều EVN cũng cần thông tin rõ hơn.
Theo thống kê của EVN, hiện số dự án điện gió, mặt trời đã vận hành chiếm gần 27% tổng công suất lắp đặt toàn hệ thống, trong đó có 16.545 MW điện mặt trời mặt đất, mái nhà và 4.126 MW điện gió. Lũy kế 8 tháng đầu năm, sản lượng điện toàn hệ thống đạt hơn 181,92 tỉ kWh, tăng 5% so với cùng kỳ 2021. Trong đó, huy động từ năng lượng tái tạo (điện gió, mặt trời, điện sinh khối) đạt khoảng 25 tỉ kWh (khoảng 75% đến từ điện mặt trời, còn lại là điện gió). Mức sản lượng này chiếm gần 14% lượng điện toàn hệ thống.
Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) mới đây có văn bản gửi EVN liên quan đến khai thác công suất của các nhà máy điện trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Theo đó, cơ quan này cho rằng việc khai thác, huy động nguồn điện thuộc thẩm quyền của EVN trên cơ sở các thỏa thuận, hợp đồng đã ký giữa các bên và quy định của pháp luật liên quan. Nghĩa là EVN phải tự nghiên cứu và tự chịu trách nhiệm thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Ngày 21.7.2022, trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương đề xuất Thủ tướng chấp thuận cơ chế cho các dự án chuyển tiếp tiến hành đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện với EVN trong khung giá phát điện và hướng dẫn do Bộ ban hành.
NGUYÊN NGA – CHÍ NHÂN
TNO