Xuất nhập khẩu trên đường tới mốc 800 tỉ USD
Xuất nhập khẩu trên đường tới mốc 800 tỉ USD
Tính đến hết tháng 8, kim ngạch xuất nhập khẩu của nước ta đạt gần 500 tỉ USD. Dự báo xuất nhập khẩu cả năm 2022 sẽ đạt mốc 800 tỉ USD, phá kỷ lục của năm 2021.
Nhiều ngành hàng xô đổ kỷ lục
Tháng 8 ghi nhận sự tăng tốc trở lại của ngành thủy sản, đạt kim ngạch xuất khẩu 1 tỉ USD; tăng 6% so với tháng 7 và tăng tới 68% so cùng kỳ năm 2021. Sự tăng trưởng của ngành này trong tháng 8 có một ý nghĩa lớn vì đã lấy lại phong độ sau khi sụt giảm vào tháng 6 – 7. Thực tế mấy tháng gần đây, hầu hết doanh nghiệp (DN) ngành này đều bày tỏ lo lắng về lạm phát ngày càng gia tăng ở các thị trường chính như Mỹ, EU, Nhật Bản… khiến sức mua giảm sút, hàng tồn kho tăng cao, đối tác giảm mua hàng. Thời điểm đó, lần đầu tiên ở Nhật Bản, các nhà bán lẻ điều chỉnh tăng giá bán khoảng 20%, các nhà nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam yêu cầu giảm tiến độ nhập hàng. Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở EU và Mỹ khi tồn kho tăng và sức mua yếu. Các DN Việt Nam như ngồi trên đống lửa. Tuy nhiên từ tháng 7 tới nay, ngành này đã có sự hồi phục và dự báo các thị trường nói trên cả năm vẫn tăng trưởng đến 16%. Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng tin tưởng xuất khẩu thủy sản cả năm 2022 vẫn tăng trưởng 2 con số và về đích ở mức 10 tỉ USD.
Giới thiệu sản phẩm gạo Việt tại đại siêu thị E.Leclerc Viry Châtillon, ngoại ô thủ đô Paris (Pháp) ngày 2.9.2022 do Thương vụ Đại sứ quán VN tại Pháp phối hợp nhà nhập khẩu và nhà phân phối bán lẻ tổ chức TTXVN |
Ngành dệt may cũng liên tục tự phá vỡ những kỷ lục hằng tháng của mình. Tổng cục Hải quan cho biết, trong 3 tháng gần đây, xuất khẩu dệt may tăng trưởng tốt và liên tiếp lập kỷ lục về giá trị. Đặc biệt trong tháng 8, lần đầu tiên giá trị xuất khẩu của ngành này đạt con số 4 tỉ USD, tăng 8,7% so với tháng trước. Dệt may đóng góp lớn thứ hai vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cả nước chỉ sau nhóm máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng. Dệt may kỳ vọng đạt mốc 45,7 tỉ USD trong năm 2022. Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex), nhận định: “8 tháng đầu năm nay là giai đoạn ngành dệt may tăng trưởng tốt nhờ tận dụng được cơ hội thị trường và các chính sách điều tiết vĩ mô của Chính phủ. Thời gian qua là giai đoạn đạt tốc độ tăng trưởng mà trong hơn 10 năm qua chưa từng có”. Bên cạnh đó, các mặt hàng dẫn đầu bản đồ kim ngạch xuất khẩu vẫn đang giữ được đà tăng trưởng vượt bậc trong 8 tháng như điện thoại các loại và linh kiện đạt 40 tỉ USD, tăng 13,5% so cùng kỳ năm trước…
Linh hoạt chuyển hướng
Thực tế, để đạt được kết quả này là nỗ lực rất lớn từ các DN và sự hỗ trợ của Chính phủ. Bởi từ đầu năm đến nay, thị trường lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc đã siết chặt quy định nhập khẩu để chống dịch Covid-19. Thế nhưng, các DN đã nhanh chóng chuyển hướng và tận dụng các hiệp định thương mại thế hệ mới để gia tăng xuất khẩu. Một trong những thị trường được khai thác tốt là khu vực Trung Đông. Bà Nguyễn Thùy Thuận, Giám đốc Công ty TNHH Trà Thanh Long (TP.HCM), chia sẻ: “Đầu năm 2022, thị trường tiêu thụ thanh long lớn nhất là Trung Quốc gặp ách tắc, tôi đã chủ động liên hệ các khách hàng tại Dubai, Bangladesh… để chào bán sản phẩm. Sau chuyến tàu hàng đầu tiên vào tháng 4, khách hàng bắt đầu đặt hàng nhiều hơn và hiện tôi nhận được đơn hàng liên tục, và mở rộng sang các mặt hàng khác như khoai lang Nhật, chanh không hạt… Giá bán qua Trung Đông cao hơn khá nhiều so với các nước Đông Nam Á và Trung Quốc”. Một thị trường khác có sự tăng trưởng khá tốt là Úc. Theo VASEP, từ năm 2018 đến nay, xuất khẩu tôm sang Úc liên tục tăng trưởng dương từ 115 triệu USD năm 2018 lên 188 triệu USD năm 2021. Tính tới thời điểm hiện tại thì xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt xấp xỉ 200 triệu USD, tăng 52% so với cùng kỳ năm 2021. Ông Nguyễn Ngọc Luận, Giám đốc Công ty TNHH Liên kết thương mại Toàn Cầu, khoe: “Từ khi có Hiệp định CPTPP, Úc đã nới lỏng hơn rất nhiều cho hàng hóa Việt Nam nhập khẩu. Sức tiêu thụ hàng hóa Việt Nam tại Úc rất lớn và còn có khả năng mở rộng hơn nữa”.
Nếu nhìn vào thống kê xuất khẩu hàng hóa 8 tháng qua từ ngành hải quan, chúng ta có thể vui vì vẫn tăng trưởng mạnh. Ngược lại, nhập khẩu 8 tháng đạt 247 tỉ USD, tăng 13,7% giúp chúng ta có thể tạm yên tâm là hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn ổn, đơn hàng vẫn có. Tuy nhiên trên thực tế, cũng có nhiều DN ở một số lĩnh vực đang gặp khó khăn và bắt đầu sụt giảm. Đây là điều mà các cơ quan quản lý cần hết sức lưu ý trong điều hành chính sách vĩ mô.
Tận dụng các hiệp định thương mại thế hệ mới là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2022. Năm năm gần đây, Việt Nam đã ký một loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) như CPTPP, EVFTA… Đánh giá về mức độ tận dụng Hiệp định CPTPP, bà Võ Hồng Anh, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công thương), cho biết: “Kể từ khi CPTPP có hiệu lực đối với Việt Nam từ tháng 1.2019, chúng ta chứng kiến tăng trưởng nhảy vọt hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang các nước thành viên CPTPP, đặc biệt ở khu vực châu Mỹ đã tăng trưởng mạnh mẽ. Xét về cơ cấu mặt hàng, dẫn đầu là điện thoại và linh kiện chiếm 20%; tiếp theo là máy vi tính, thiết bị, sản phẩm điện tử chiếm 16% và máy móc thiết bị phụ tùng 9%; hàng dệt may chiếm 10% và da giày chiếm 7%. Riêng 2 mặt hàng dệt may và da giày, nhờ CPTPP, các DN Việt Nam đã có lợi thế về thuế quan từ 10 – 20% so với các đối thủ cạnh tranh trực tiếp của chúng ta”.
Xuất khẩu thủy sản trên đà tăng trưởng tốt, đạt kim ngạch 1 tỉ USD trong tháng 8.2022 CÔNG HÂN |
Tạo đà cho năm 2023
Nhận xét về khả năng đạt kim ngạch xuất nhập khẩu 800 tỉ USD trong năm nay, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cấp cao Học viện Tài chính, phân tích: “Tại Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng trưởng cao chứng tỏ hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn tốt. Điều này cho thấy sự năng động và linh hoạt của chính các DN. Có được kết quả này là do DN đã tận dụng tốt các FTA mang lại. Bên cạnh đó là sự điều hành chính sách vĩ mô của nhà nước đã hỗ trợ rất tốt cho hoạt động của DN. Năm nay, Bộ Công thương đã chỉ đạo các cơ quan tham tán thương mại ở nước ngoài liên tục tổ chức các hoạt động giao lưu, xúc tiến thương mại ở hầu hết các thị trường. Chưa khi nào mà các hoạt động này được tổ chức thường xuyên và rộng khắp như vậy. Việc này cũng góp phần tích cực vào sự tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam”.
TS Lê Đăng Doanh nhận định: “Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam tương đương với 236% GDP. Con số này cho thấy độ mở của nền kinh tế Việt Nam rất cao. Ưu điểm là chúng ta dễ dàng hội nhập với thế giới, nhưng ngược lại rủi ro cũng lớn vì chúng ta xuất khẩu nhưng phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu nhiều. Thứ nữa là phần lớn giá trị xuất khẩu đến từ các DN đầu tư nước ngoài (FDI). Chính vì vậy, để phát triển ổn định hơn, Việt Nam cần phát triển lực lượng DN trong nước lớn mạnh; hỗ trợ DN Việt Nam khai thác tốt hơn nữa các FTA, đặc biệt là EVFTA (giữa EU và Việt Nam) và CPTPP. Các gói hỗ trợ cần phải thiết thực hơn bớt thủ tục phiền hà chồng chéo… Đặc biệt chú ý đến thị trường Ấn Độ, nền kinh tế sẽ đạt quy mô lên tới 5.000 tỉ USD vào năm 2027. Đây là thị trường đầy tiềm năng và có nhiều tương đồng với Việt Nam mà chúng ta có thể hợp tác để cùng phát triển”.
Đẩy mạnh ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước
Chiều tối 19.9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến với các trưởng cơ quan đại diện VN ở nước ngoài về đẩy mạnh triển khai công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng giao Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan tiếp thu các ý kiến xác đáng của các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện cũng như góp ý của các bộ ngành, DN, sớm xây dựng và trình ban hành văn bản phù hợp để triển khai Chỉ thị số 15 của Ban Bí thư.
Thủ tướng cũng yêu cầu các cơ quan đại diện VN ở nước ngoài tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến quảng bá, thu hút du lịch, chú trọng tạo điều kiện về thị thực cho khách quốc tế; triển khai tốt công tác bảo hộ công dân. Tập trung thúc đẩy đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm để bù đắp khó khăn tại các thị trường truyền thống như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN; phát huy tiềm năng các thị trường đối tác FTA; mở rộng thị trường sang khu vực Đông Âu, Trung Đông, Nam Mỹ, Nam Á, châu Phi, Úc; tham gia vào các chuỗi sản xuất và cung ứng, tiến tới xác lập vị trí cao hơn của VN trong chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.
Mai Hà
QUANG THUẦN – CHÍ NHÂN
TNO