09/01/2025

Thế giới bấp bênh trước nguy cơ suy thoái

Thế giới bấp bênh trước nguy cơ suy thoái

Giới phân tích và đầu tư dự báo những tháng tới sẽ là khoảng thời gian căng thẳng nhất trong năm khi các ngân hàng trung ương dự kiến tăng lãi suất dồn dập hơn. Điều này cho thấy nhiều nước vẫn ưu tiên chống lạm phát hơn là giữ tăng trưởng.

Thế giới bấp bênh trước nguy cơ suy thoái - Ảnh 1.

Người tiêu dùng mua sắm bên trong một siêu thị tại Mỹ – Ảnh: AFP

Khoảng 90 ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã tăng lãi suất trong năm nay. Một nửa trong đó đã tăng ít nhất 75 điểm cơ bản (0,75%) trong một lần. Giới chuyên gia thường nói đùa dường như đó là “cuộc đua xem ai tăng giá nhanh hơn”. Các phân tích về chi phí vay ở Mỹ, Anh và khu vực đồng euro (eurozone), cho thấy các thị trường lo ngại nhiều nước sẽ siết lãi suất mạnh hơn trong quý cuối cùng của năm nay.

Các ngân hàng trung ương đang phải đối mặt với việc khó có thể đưa lạm phát trở lại mức mong muốn.

Ethan Harris (một nhà kinh tế tại Tập đoàn Bank of America, nhận định)

 

Cuộc chiến kéo dài

Trong năm nay, thế giới đã tạm biệt kỷ nguyên của lãi suất thấp kéo dài từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Tập đoàn JPMorgan dự báo các ngân hàng trung ương lớn sẽ tung ra những đợt tăng lãi suất lớn nhất trong quý 4-2022 và sẽ không dừng ở đó. Trong tuần này, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), ngân hàng trung ương tại Anh, Na Uy, Thụy Điển, Thụy Sĩ sẽ có cuộc họp quan trọng về chính sách tiền tệ trong bối cảnh lạm phát ngày càng nan giải, theo báo Financial Times.

Bất chấp tăng trưởng kinh tế đã có dấu hiệu chững lại, các nước sẽ vẫn đẩy mạnh tăng lãi suất. Theo Hãng tin Bloomberg, Mỹ dự kiến tăng lãi suất thêm 0,75% lần thứ ba sau khi lạm phát lại tăng thêm 8% trong tháng 8-2022, trong khi lãi suất ở Anh có thể tăng 0,5%. Tương tự, các nước như Na Uy, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Philippines, Indonesia… cũng sẽ tăng lãi suất.

“Các ngân hàng trung ương sẽ hy sinh kinh tế để đảm bảo lạm phát nhanh chóng trở lại mục tiêu. Họ hiểu rằng nếu không làm vậy và lạm phát ngày càng tăng, rốt cuộc sẽ dẫn đến suy thoái trầm trọng hơn”, ông Mark Zandi, chuyên gia kinh tế trưởng của Moody’s Analytics, giải thích. Giới phân tích cho rằng các nước đang tránh sai lầm của những năm 1970 khi nới lỏng lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng mà không kiềm chế lạm phát.

“Tín nhiệm là tất cả đối với các ngân hàng trung ương, và nó đã bị sứt mẻ khi họ sai lầm cho rằng lạm phát là nhất thời. Lấy lại uy tín là ưu tiên hàng đầu của họ ngay cả khi điều đó có nghĩa là tiến đến suy thoái”, Hãng tin Bloomberg dẫn lời ông Rob Subbaraman, nhà kinh tế trưởng của Công ty Nomura, nhắc lại bài học của lạm phát kéo dài ở những năm 1970. Theo dự báo của giới phân tích, các nước dự kiến sẽ duy trì lãi suất cao trong năm 2023.

Thế giới bấp bênh trước nguy cơ suy thoái - Ảnh 3.

Nguồn (FT, UBS) – Dữ liệu: Trần Phương – Đồ họa: TẤN ĐẠT

Hậu quả của “thuốc đắng”

Các nhà làm chính sách cũng hiểu rằng khi “đạp thắng” nền kinh tế sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng và việc làm. Chủ tịch FED Jerome Powell mới đây thừa nhận việc kiềm chế giá cả sẽ “mang lại một số khó khăn cho các hộ gia đình và doanh nghiệp”.

Nhưng liều thuốc này sẽ đắng thế nào? Các nhà phân tích tại Công ty đầu tư BlackRock cho rằng việc đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2% của FED sẽ đồng nghĩa với một cuộc suy thoái sâu và thêm 3 triệu người thất nghiệp. Và chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu, dự kiến sẽ tăng lãi suất từ 0,75% hiện nay lên 2% vào cuối năm, sẽ còn gây ảnh hưởng nặng hơn.

Chống lạm phát không hề dễ dàng, và lạm phát dự kiến sẽ duy trì ở mức cao, trong đó giá cả tại eurozone được dự báo sẽ tăng ở mức hai con số trong những tháng tới. Chính sách chống lạm phát cũng thường có độ trễ, có nghĩa thị trường sẽ phải chờ lâu hơn để thấy được hiệu quả.

Ngoài ra, còn nhiều yếu tố góp phần vào lạm phát mà các ngân hàng trung ương không thể kiểm soát như khủng hoảng năng lượng, cung ứng. Theo nhà kinh tế Maurice Obstfeld từng làm việc tại Quỹ Tiền tệ quốc tế, việc các ngân hàng chỉ tập trung kéo lãi suất sẽ khiến rủi ro suy thoái càng lớn hơn. Trong cảnh báo mới đây về nguy cơ suy thoái toàn cầu, Ngân hàng Thế giới cũng kêu gọi ngoài việc đối phó lạm phát, giới làm chính sách cũng cần có các công cụ hỗ trợ tài chính, thúc đẩy chuỗi cung ứng, mạng lưới thương mại toàn cầu…

 

Dấu hiệu suy thoái

Một dấu hiệu hé lộ nguy cơ suy thoái ở Mỹ là lợi suất chứng khoán Kho bạc Mỹ ngắn hạn đã tăng mạnh, khiến một số ý kiến cho rằng FED sẽ phải nới lỏng chính sách trong giai đoạn sau của năm 2023. Trong khi đó, chỉ số S&P 500 đang đối mặt mức giảm hằng năm lớn nhất kể từ năm 2008.

Tại châu Âu, cuộc khảo sát của Ngân hàng Trung ương đối với các nhà quản lý quỹ trong tháng 9-2022 cho thấy kỳ vọng tăng trưởng toàn cầu gần mức thấp nhất mọi thời đại. Ngân hàng Berenberg dự đoán GDP của Mỹ sẽ giảm 0,4% và GDP của eurozone giảm 0,8% trong năm 2023, theo kênh CNBC.

TRẦN PHƯƠNG
TTO