Điểm chuẩn biến động, các trường nói gì?
Điểm chuẩn biến động, các trường nói gì?
Tất cả các trường đại học trên cả nước đều đã công bố điểm chuẩn tuyển sinh đợt 1 xét kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Trong đó nhiều ngành điểm trúng tuyển rất cao, gần chạm mốc 30 điểm nhưng có những ngành chỉ 15 điểm.
Đáng chú ý, điểm chuẩn nhiều ngành ở một số trường năm nay biến động bất thường theo hướng tăng hoặc giảm trên 10 điểm.
Gần 10 điểm mỗi môn mới trúng tuyển
Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) có đến ba ngành xét tổ hợp C00 điểm chuẩn cao nhất là 29,95 (thang điểm 30) gồm: Hàn Quốc học, Đông phương học, quan hệ công chúng. Như vậy thí sinh phải đạt trung bình 9,98 điểm/môn mới trúng tuyển vào các ngành trên. Kế tiếp, ngành báo chí (tổ hợp C00) điểm chuẩn là 29,9 điểm.
Năm nay ngành khoa học máy tính (chương trình tiên tiến) Trường ĐH Khoa học tự nhiên có mức điểm chuẩn kỷ lục là 28,20 (tương tự với điểm chuẩn theo phương thức kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM). Ngành có điểm trúng tuyển cao nhất Trường ĐH Công nghệ thông tin là kỹ thuật phần mềm 28,05 điểm, kế đó là ngành trí tuệ nhân tạo 28 điểm.
Theo ThS Trần Vũ, trưởng phòng thông tin – truyền thông, Trường ĐH Khoa học tự nhiên, nếu so sánh phổ điểm thi THPT với hai năm trước, năm nay chỉ có các môn sinh, tiếng Anh, sử thay đổi nhiều. Do đó điểm chuẩn năm nay của trường cũng ảnh hưởng bởi có các tổ hợp sử dụng môn tiếng Anh và sinh.
Đối với các khối ngành thuộc lĩnh vực nhóm toán, máy tính và công nghệ thông tin là những ngành thu hút học sinh giỏi với tổ hợp phổ biến là A00, do phổ điểm này không khác nhiều so với năm ngoái nên điểm chuẩn cũng tăng nhẹ 0,2 – 0,5 điểm. Lý do tăng chính vẫn là do số lượng thí sinh cạnh tranh cao và kết quả của nhóm học sinh giỏi có phần nhỉnh hơn so với 2021.
Các lĩnh vực công nghệ và kỹ thuật công nghệ có khoảng biến động nhiều nhất so với năm 2021, vì sự xuất hiện của một số ngành công nghệ mới như công nghệ vật lý điện tử và tin học thu hút thí sinh hơn, đồng thời nhiều ngành sử dụng môn tiếng Anh trong tổ hợp xét tuyển nên điểm chuẩn năm nay dao động trong khoảng 1-1,5 điểm.
Ngành luật kinh tế của Trường ĐH Luật Hà Nội có điểm chuẩn 29,5 điểm (tổ hợp C00). Ngành Trung Quốc học của Học viện Ngoại giao và ngành truyền thông đa phương tiện của Học viện Báo chí và tuyên truyền cũng có mức cao với 29,25 điểm.
Tại Học viện Tài chính ngành tài chính doanh nghiệp điểm chuẩn lên đến 29,2 điểm (cả ba tổ hợp xét tuyển là A01, D01, D07).
Trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội) cũng có ngành công nghệ thông tin 29,15 điểm (tổ hợp A00 và A01). Ở Trường ĐH Y Hà Nội ngành y khoa có điểm chuẩn cao nhất là 28,15 điểm và ngành răng hàm mặt 27,7 điểm.
Có ngành giảm hơn 10 điểm
Trong khi đó, ở nhiều trường đại học trên cả nước điểm chuẩn chỉ bằng điểm sàn – 15 điểm (thang 30 điểm). Đáng chú ý nhất, tại Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, hầu hết các ngành đều có điểm chuẩn giảm so với năm trước.
Trong đó nhiều ngành giảm hơn 10 điểm: ngành khai thác vận tải 15 điểm (giảm 10,9 điểm); khai thác vận tải (chuyên ngành quản trị logistics và vận tải đa phương thức – chất lượng cao) 15 điểm (giảm 10,7 điểm); kinh tế vận tải biển 15 điểm (giảm 10,5 điểm), kỹ thuật điều khiển và tự động hóa 15 điểm (giảm 10,4 điểm)… Nhiều ngành khác của trường cũng giảm mạnh từ 6,3 đến 10 điểm.
PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cho hay nhà trường xác định điểm chuẩn dựa trên kết quả lọc ảo cuối cùng của Bộ GD-ĐT.
“Trường xét điểm từ cao xuống đến khi đủ chỉ tiêu. Ngay cả ở những ngành điểm chuẩn thấp phần lớn điểm của thí sinh không quá thấp. Ví dụ ngành có 100 chỉ tiêu khi xét phần lớn thí sinh từ 23-24 điểm nhưng chưa đủ chỉ tiêu, trường phải tiếp tục lấy thí sinh điểm thấp hơn nên dù điểm chuẩn 15 nhưng chỉ có một vài thí sinh có mức điểm này” – ông Tuấn nói.
Trong khi đó, theo nhận định của các chuyên gia khác, sở dĩ điểm chuẩn của trường này biến động, giảm sốc so với năm trước là do năm nay chỉ tiêu tuyển sinh của trường tăng cao.
Năm 2021, trường tuyển 1.610 chỉ tiêu. Nhưng năm 2022, tổng chỉ tiêu của trường là 5.050, trường tuyển theo các phương thức: xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ, tuyển thẳng. Trong đó xét học bạ: 1.515 chỉ tiêu, xét tuyển theo kết quả thi THPT: 3.535 chỉ tiêu với 18 ngành/39 chuyên ngành. Ở phương thức xét học bạ, điểm trúng tuyển các ngành đều có mức cao hơn so với phương thức xét điểm thi THPT (từ 18 – 28,5 điểm).
Nhóm ngành y dược “hạ nhiệt”
Năm 2022, khối ngành y dược vẫn thuộc các ngành có điểm trúng tuyển cao tuy nhiên mức điểm đã giảm so với năm ngoái. Tại Trường ĐH Y Hà Nội, ngành y khoa có điểm chuẩn cao nhất là 28,15 điểm, ngành răng hàm mặt 27,7 điểm. Điểm chuẩn của trường năm nay từ 19 – 28,15 điểm, trong khi năm trước là 23,2 – 28,85 điểm. Điểm chuẩn các ngành Trường ĐH Y dược TP.HCM năm 2022 có mức từ 19,1 điểm (ngành y tế công cộng) đến 27,55 điểm (ngành y khoa). Riêng ngành dược học xét tuyển theo hai tổ hợp (B00 và A00) cùng mức điểm trúng tuyển 25,5 điểm.
Đối với phương thức xét tuyển kết hợp sơ tuyển chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, mức điểm trúng tuyển thấp hơn ở các ngành “hot”: ngành y khoa 26,6 điểm, ngành dược học 23,85 điểm, ngành răng – hàm – mặt 26,25 điểm. So với năm ngoái, điểm chuẩn của trường giảm nhẹ.
Ngang điểm sàn
Điểm chuẩn Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng năm nay dao động từ 15 đến 22 điểm, trong đó có đến 24/35 ngành đào tạo điểm chuẩn 15 điểm. Trường ĐH Gia Định cũng có tới 16/17 ngành đào tạo theo chương trình đại trà điểm chuẩn 15 điểm và chỉ duy nhất một ngành là ngành công nghệ thông tin có điểm chuẩn 15,5 điểm.