Các nước phản ứng sau lệnh động viên của Nga
Các nước phản ứng sau lệnh động viên của Nga
Ukraine nói việc Nga ra lệnh động viên một phần là bước đi nằm trong dự liệu, trong khi Đức nói đây là hành động leo thang xung đột.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 21.9 đã ký sắc lệnh động viên một phần để huy động lực lượng dự bị tham gia chiến đấu trong cuộc xung đột đến nay đã kéo dài 7 tháng tại Ukraine. Đây là lần đầu tiên Nga phát lệnh động viên kể từ Thế chiến 2, theo Reuters.
Ông Putin cũng tuyên bố Nga sử dụng “sức mạnh của toàn bộ kho vũ khí” nếu phải đối mặt với mối đe dọa hạt nhân từ phương Tây, đánh dấu mức độ nghiêm trọng lên ngưỡng mới trong các tuyên bố của nhà lãnh đạo từ khi chiến sự bùng nổ hồi cuối tháng 2.
Tổng thống Nga Vladimir Putin REUTERS |
Bình luận về diễn biến này, ông Mykhailo Podolyak, cố vấn của tổng thống Ukraine, nói việc Nga động viên một phần là bước đi có thể đoán trước nhưng sẽ không được người dân trong nước ủng hộ, đồng thời cho thấy cuộc chiến sẽ không diễn ra theo kế hoạch của Moscow.
“Lời kêu gọi hoàn toàn có thể dự đoán được, trông giống như một nỗ lực để biện minh cho sự thất bại của chính họ”, ông Podolyak viết trong bình luận gửi cho Reuters, đưa ra phản ứng đầu tiên từ chính phủ Ukraine về động thái của Nga.
Ông Podolyak cũng cho rằng Tổng thống Putin đang cố gắng quy kết trách nhiệm cho phương Tây sau khi gây ra “một cuộc chiến vô cớ” và khiến tình hình kinh tế của Nga ngày càng tồi tệ.
Trong khi đó, Phó thủ tướng Đức Robert Habeck nói lệnh động viên một phần của Nga là hành động leo thang xung đột và chính phủ Berlin sẽ cân nhắc phản ứng thích hợp.
“Một bước đi tệ hại và sai lầm của Nga mà dĩ nhiên chúng tôi sẽ thảo luận và tham vấn để xem nên phản ứng ra sao về mặt chính trị”, ông Habeck nói, theo Reuters.
Phản ứng về tuyên bố của ông Putin, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cùng ngày kêu gọi các bên tham gia đối thoại và tham vấn, tìm ra cách giải quyết lo ngại an ninh của tất cả các bên. Theo người phát ngôn Uông Văn Bân, lập trường của Bắc Kinh về xung đột Nga – Ukraine là nhất quán và rõ ràng.
Giới chức ở Washington chưa lập tức bình luận song Đại sứ Mỹ tại Ukraine Bridget Brink viết trên Twitter: “Các cuộc trưng cầu dân ý giả hiệu và việc động viên quân đội là dấu hiệu của sự yếu kém, cho thấy sự thất bại của Nga”.
Giới chức ở Anh và Cộng hòa Czech có chung quan điểm với phó thủ tướng Đức.
Thứ trưởng Ngoại giao Anh Gillian Keegan nói với Sky News: “Rõ ràng đây là điều mà chúng ta nên xem xét rất nghiêm túc bởi vì, bạn biết đấy, chúng ta không thể kiểm soát – tôi cũng không chắc ông ấy (Tổng thống Putin) thực sự kiểm soát được. Đây rõ ràng là một sự leo thang”.
“Việc động viên một phần mà ông Putin tuyên bố là nỗ lực nhằm leo thang hơn nữa chiến sự mà Nga phát động tại Ukraine”, Thủ tướng Cộng hòa Czech Petr Fiala bình luận, theo Reuters.
Trong bài phát biểu toàn quốc ngày 21.9, Tổng thống Putin nhấn mạnh việc động viên một phần là cần thiết. Tổng thống Putin nói việc huy động quân sự lần này là nhằm bảo vệ Nga và và các vùng lãnh thổ của nước này, cáo buộc phương Tây không muốn hòa bình ở Ukraine. Ông còn lặp lại mục tiêu là “giải phóng vùng Donbass thuộc miền đông Ukraine”, theo Reuters.
Sau phát biểu của Tổng thống Putin, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu thông tin chi tiết rằng trong lần động viên này, Nga sẽ huy động 300.000 người từ lực lượng dự bị để tham gia chiến dịch quân sự tại Ukraine.
VŨ MẠNH
TNO