10/01/2025

Rải 26 nguyện vọng tài chính tới… ngôn ngữ, kinh doanh: Đậu rồi không biết học không!

Rải 26 nguyện vọng tài chính tới… ngôn ngữ, kinh doanh: Đậu rồi không biết học không!

Chuyên gia ở các trường ĐH “choáng” với hiện tượng “rải” nguyện vọng thí sinh, chẳng hạn có trường hợp đăng ký 26 nguyện vọng từ ngành tài chính, ngôn ngữ cho đến luật và kinh doanh, rồi đến lúc trúng tuyển thì lại băn khoăn.

 

 

 

Rải 26 nguyện vọng tài chính tới… ngôn ngữ, kinh doanh: Đậu rồi không biết học không! - ảnh 1
Thí sinh thi tốt nghiệp THPT 2022. Nhiều thí sinh tới nay đã biết mình đậu nguyện vọng 1  LÃ NGHĨA HIẾU

Câu chuyện này được thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM (UEF), chia sẻ trong chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến của Báo Thanh Niên với chủ đề “Điểm chuẩn cao, có xét tuyển bổ sung?” chiều 17.9.

 

Đã trúng tuyển, thí sinh lưu ý gì khi xác nhận nhập học?

Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên cho hay nhiều em háo hức vì đã trúng tuyển đợt 1, nhưng cần lưu ý về mốc thời gian và thao tác xác nhận nhập học trên hệ thống của Bộ GD-ĐT.

“Theo quy chế Bộ GD-ĐT năm nay, thời gian xác nhận nhập học từ 17.9 tới trước 17 giờ ngày 30.9. Thí sinh phải xác nhận nhập học trên hệ thống của Bộ GD-ĐT rồi tới trường làm thủ tục. Sau khi hoàn tất xác nhận nhập học trên hệ thống, thí sinh nên đăng xuất rồi đăng nhập lại một lần nữa để kiểm tra nhằm đảm bảo thủ tục đã hoàn tất và hệ thống đã lưu. Nếu muốn từ chối, hủy việc xác nhận nhập học thì các em cần liên hệ nhà trường để thực hiện, chứ không tự làm được”, thạc sĩ Nguyên nói.

Sau khi hoàn tất xác nhận nhập học trên hệ thống của Bộ GD-ĐT, thí sinh có thể tới trường làm thủ tục, nộp hồ sơ nhập học. “Nếu thí sinh lo ngại trước nguy cơ thực hiện các bước xác nhận nhập học không đúng thì nên đến trường, chúng tôi có bộ phận đón tiếp và hỗ trợ”, thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung Giám đốc Trung tâm truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH), cho hay.

Rải 26 nguyện vọng tài chính tới… ngôn ngữ, kinh doanh: Đậu rồi không biết học không! - ảnh 2
Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên  LÊ THANH HẢI

Bên cạnh việc nhiều thí sinh háo hức nhập học, thạc sĩ Nguyên cho hay vẫn còn nhiều thí sinh dù trúng tuyển nhưng vẫn chần chừ, băn khoăn không biết nên xác nhận nhập học hay không vì nguyện vọng 1 chưa phải là ngành học thật sự yêu thích.

Ông Nguyên kể, có thí sinh đăng ký đến 26 nguyện vọng, trong đó 13 chuyên ngành trải dài từ ngôn ngữ, tài chính cho đến luật và kinh doanh… “Cuối cùng tôi không rõ thí sinh thật sự yêu thích ngành nào nhất, bởi không ai có thể cùng lúc có thế mạnh, sở trường, đam mê nhiều ngành như thế. Đến lúc trúng tuyển nguyện vọng 1 thì thí sinh này cũng không biết nên xác nhận nhập học hay không”, ông Nguyên chia sẻ.

Từ đó, thạc sĩ Nguyên lưu ý thí sinh cần suy nghĩ nghiêm túc về ngành học. “Sinh viên tốt nghiệp ra trường có thể vận dụng những kiến thức đã học để thành công với ngành khác, điều này cũng rất phổ biến. Vì thế, các em vẫn có thể học chuyên ngành trúng tuyển nguyện vọng 1 và sau khi nhập học có thể học thêm ngành khác song song. Chẳng hạn, các bạn có thể học song bằng tại UEF để có thể thỏa đam mê”, thạc sĩ Nguyên lưu ý.

 

Cơ hội xét tuyển nguyện vọng bổ sung như thế nào?

Thực tế trong vài ngày qua, Báo Thanh Niên nhận được băn khoăn của thí sinh về việc chưa trúng tuyển nguyện vọng như mong muốn. Vậy thí sinh chưa trúng tuyển còn những cơ hội nào? Kế hoạch xét tuyển bổ sung của các trường ra sao?

Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên cho biết năm nay đối với phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp thì chỉ tiêu của Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM là khoảng 15%, phương thức xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực 5%, còn lại là học bạ. Mức điểm trúng tuyển năm nay của trường ở một số ngành bằng hoặc thấp hơn các năm trước, không có ảo quá nhiều như các năm trước, theo ông Nguyên.

“Thông thường sau khi trúng tuyển, một số bạn sẽ không nhập học, chứ không phải là tất cả đều sẽ nhập học, nên các trường sẽ không đạt 100% chỉ tiêu tuyển sinh. Căn cứ vào đó, các trường sẽ có chỉ tiêu xét tuyển bổ sung. Riêng Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM chỉ nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung bằng phương thức xét tuyển dựa vào học bạ”, ông Nguyên nói.

Rải 26 nguyện vọng tài chính tới… ngôn ngữ, kinh doanh: Đậu rồi không biết học không! - ảnh 3
Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung  L.T.H

Còn thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn (SIU), cho hay trường có 4 phương thức tuyển sinh, nhưng chỉ xét tuyển bổ sung cho dùng kết quả thi tốt nghiệp THPT và học bạ.

“Nếu xét tuyển bổ sung bằng điểm thi tốt nghiệp THPT thì khối ngành khoa học máy tính có mức điểm từ 18 điểm, luật kinh tế quốc tế từ 18 điểm, logistics từ 17 điểm. Còn dùng học bạ thì từ 18 điểm cho tất cả các khối ngành. Các bạn có thể nộp hồ xét tuyển bổ sung tới 17 giờ 10.10.2022”, ông Tư cho biết.

Rải 26 nguyện vọng tài chính tới… ngôn ngữ, kinh doanh: Đậu rồi không biết học không! - ảnh 4
Thạc sĩ Cao Quảng Tư  LÊ THANH HẢI

Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung thì thông tin HUTECH dự định không xét tuyển bổ sung ở phương thức sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm kỳ thi đánh giá năng lực, và chỉ xét tuyển bổ sung dùng kết quả học bạ từ nay cho đến ngày 3.10. Thí sinh có thể đăng ký xét tuyển bổ sung cho 59 ngành ở trường, nộp hồ sơ trực tiếp hoặc trực tuyến

“Ở đợt xét tuyển bổ sung thì Bộ GD-ĐT sẽ giao cho các trường tự chủ, tự quyết định thời gian và điểm xét tuyển, miễn sao không thấp hơn điểm chuẩn đợt 1. Do đó, thí sinh muốn xét tuyển bổ sung cần tham khảo thông tin chính thống hoặc liên hệ trực tiếp với các trường ĐH để được tư vấn vì mỗi trường sẽ có những yêu cầu, cột mốc thời gian nộp hồ sơ khác nhau”, thạc sĩ Xuân Dung lưu ý.

Cuối cùng, thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên khuyên thí sinh: “Trong giai đoạn nhập học, các bạn nên truy cập vào website chính thức của trường cập nhật thông tin, tìm hiểu những số điện thoại uy tín để được hỗ trợ về thủ tục nhập học, thuê nhà trọ, tuyến xe buýt phù hợp… Có những trường hợp liên hệ không đúng địa chỉ, dễ bị lợi dụng và mất tiền oan. Do đó, tân sinh viên nên cảnh giác những đối tượng lừa đảo”.

THUÝ HẰNG

TNO