26/11/2024

EU cứng rắn với Hungary bằng biện pháp cắt tiền hỗ trợ

EU cứng rắn với Hungary bằng biện pháp cắt tiền hỗ trợ

Ngày 18-9, Uỷ ban Ngân sách của Liên minh châu Âu (EU) khuyến nghị đình chỉ khoảng 7,5 tỉ euro tài trợ cho Hungary vì lo ngại tham nhũng, theo một lệnh trừng phạt mới nhằm bảo vệ tốt hơn mô hình nhà nước pháp quyền.

EU cứng rắn với Hungary bằng biện pháp cắt tiền hỗ trợ - Ảnh 1.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban – Ảnh: REUTERS

EU đã đưa ra lệnh trừng phạt tài chính trên cách đây hai năm, với mục tiêu đáp trả những gì họ xem là sự phá hoại nền dân chủ ở Ba Lan và Hungary.

Theo Hãng tin Reuters, Hungary là trường hợp đầu tiên đối diện với nguy cơ bị đình chỉ tài trợ vì lý do này trong khối 27 quốc gia EU.

Trước đó, EU cáo buộc Thủ tướng Hungary Viktor Orban giới hạn quyền lực của tòa án, kiểm soát truyền thông, các tổ chức phi chính phủ và học viện, cũng như hạn chế quyền của người di cư, người đồng tính và phụ nữ trong hơn 10 năm cầm quyền.

Ủy viên Ủy ban Ngân sách EU Johannes Hahn xem tình hình ở Hungary là điển hình cho thấy “sự vi phạm nguyên tắc pháp quyền sẽ ảnh hưởng đến việc sử dụng và quản lý các nguồn quỹ của EU”. “Chúng tôi không thể chắc chắn rằng ngân sách của EU được bảo toàn”, ông Hahn nói.

Ông Hahn nêu rõ những vấn đề Hungary đang đối mặt như những bất thường mang tính hệ thống trong luật mua sắm công, sự thiếu vắng các biện pháp chống lại xung đột lợi ích, yếu kém trong việc truy tố hiệu quả và thiếu sót trong các biện pháp chống tham nhũng khác.

Theo ông Hahn, Ủy ban Ngân sách EU khuyến nghị đình chỉ khoảng 1/3 quỹ liên kết dự kiến ​​dành cho Hungary. Nguồn quỹ này được trích từ ngân sách chung 1.100 tỉ euro của EU cho giai đoạn 2021 – 2027.

Số quỹ 7,5 tỉ euro dành cho Hungary tương đương 5% GDP quốc gia này ước tính đạt được trong năm 2022. Các nước EU hiện có ba tháng để đưa ra quyết định về đề xuất của Ủy ban Ngân sách.

Chính phủ của Thủ tướng Orban đã đề xuất thành lập một cơ quan chống tham nhũng mới trong những tuần gần đây. Ông Orban phủ nhận cáo buộc Hungary đang đối mặt với tham nhũng nghiêm trọng hơn các quốc gia khác trong EU.

Ủy viên Hahn cho biết lời hứa mới nhất của Hungary trong việc giải quyết các chỉ trích của EU là một bước tiến đáng kể, nhưng vẫn phải được chuyển hóa thành luật mới và các hành động thực tế để EU có thể yên tâm.

Ủy ban Ngân sách EU đã phong tỏa một khoản quỹ trị giá 6 tỉ euro khác cũng vì các lo ngại tương tự. Đây là quỹ dự trù dành cho Hungary để phục hồi kinh tế hậu COVID-19.

Ngày 14-9, các nghị sĩ EU bỏ phiếu về nghị quyết cho rằng Hungary đã “vi phạm nghiêm trọng” các chuẩn mực dân chủ của EU, với 433 phiếu ủng hộ và 123 phiếu phản đối.

Một ngày sau đó, Hungary đã phản ứng giận dữ với cuộc bỏ phiếu tại Nghị viện châu Âu, khi các nghị sĩ EU nhất trí rằng quốc gia này không còn là một “nền dân chủ toàn diện” và EU cần phải hành động.

Nhưng đến ngày 17-9, Chính phủ Hungary thông báo trong tuần tới Quốc hội nước này sẽ bỏ phiếu về một loạt đạo luật nhằm xoa dịu căng thẳng hiện nay. Chánh Văn phòng Thủ tướng Gergely Gulyas cho biết dự kiến các luật này sẽ có hiệu lực vào tháng 11, trong đó có việc thành lập cơ quan độc lập giám sát việc sử dụng các khoản trợ cấp do EU cấp cho nước này.

NGUYÊN HẠNH
TTO