10/01/2025

Tiếp sức nhà nông: Giấc mơ thoát nghèo ở Hồi Trám

Tiếp sức nhà nông: Giấc mơ thoát nghèo ở Hồi Trám

Trong tay không tấc đất, không vốn liếng, nhiều người nông dân xã Hùng Sơn, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình chật vật với cuộc sống.

Tiếp sức nhà nông: Giấc mơ thoát nghèo ở Hồi Trám - Ảnh 1.

Chị Bùi Thị Chung nhận đan giỏ mây với ngày công 50.000 đồng – Ảnh: VŨ TUẤN

Ước mơ thoát nghèo, ổn định cuộc sống, chăm lo con cái học hành tới nơi tới chốn đang cần sự tiếp sức.

Số hộ nông dân có hoàn cảnh khó khăn còn cao lắm, phải hơn 30%. Ở Hùng Sơn đất rộng là thế nhưng nông dân thiếu đất sản xuất. Họ thiếu cả vốn và cả kỹ thuật canh tác nữa.

Ông Bùi Ngọc Tân, chủ tịch Hội Nông dân xã Hùng Sơn

 

Nông dân không tấc đất

Căn nhà của gia đình chị Bùi Thị Chung ở xóm Hồi Trám (xã Hùng Sơn, huyện Kim Bôi) nằm ngay bên bờ suối. Căn nhà cấp bốn, chân tường vẫn in rõ ngấn bùn cao ngang ống chân. Đây là vết tích của trận lũ mới tràn vào nhà chị. Ngoài hiên, sau căn bếp tạm, chiếc chuồng heo đã bị lũ cuốn mất. Bầy gà chị nuôi thỉnh thoảng cũng bị dòng nước cướp đi một vài con.

Chị Chung chia sẻ cả gia đình chỉ có mảnh ruộng cấy chưa hết 15 bó mạ. Căn nhà cấp bốn là công sức cả chục năm làm lụng vất vả, mái tôn mới được lợp năm trước vì mái nhà cũ bị lốc cuốn bay. Bà con chòm xóm và anh em mỗi người giúp một chút, người cho vay người góp công lợp lại để mẹ con chị Chung có chỗ che mưa che nắng.

Từ ngày chồng mất, chị ở vậy làm lụng nuôi hai đứa con. Không đất, không vườn lại chẳng có vốn liếng, chị Chung nuôi hai đứa nhỏ bằng những đồng tiền công làm thuê ít ỏi.

Ngày chồng chị mất, hai đứa trẻ một đứa học lớp 5, một đứa mới lên 3 tuổi. Người dân xóm Hồi Trám ái ngại nhìn cảnh mẹ góa con côi bồng bế nhau đi làm thuê. “Những ngày mưa gió, không đi làm được, mẹ con tôi phải về nhà bà ngoại xin gạo… – chị Chung nghẹn ngào – Hôm nào gửi được cháu thì đi làm. Ai thuê gì làm nấy, miễn có tiền nuôi con”.

Từ ngày dịch COVID-19 ập về, việc làm ít, gần như chị Chung chỉ quanh quẩn ở nhà. Chị nhận sợi mây về đan giỏ. Mỗi ngày, hai mẹ con vuốt sợi mây sần cả ngón tay nhưng chỉ nhận được năm – sáu chục ngàn, đủ tiền rau qua ngày.

Niềm an ủi lớn nhất của chị Chung là kết quả học tập của bé Hương, con gái chị. Hương chăm ngoan, học giỏi, em vừa là niềm động viên sau mỗi ngày làm lụng vất vả của mẹ vừa là hy vọng cho tương lai. Chị Chung mong con gái ngoan hiền tiếp tục học giỏi để lập nghiệp, thoát khỏi cái nghèo, vất vả như cha mẹ mình.

Chị Chung mong muốn có thêm chút vốn mua một con nghé. Sau giờ đi làm hay những lúc giải lao, chị tranh thủ kiếm cỏ. Chị không có thời gian để nuôi heo mà chỉ có nuôi nghé, nuôi bò mới hợp với hoàn cảnh của chị lúc này. “Con trâu ít bệnh, hy vọng sau vài năm tôi có ít tiền để dành lo cho cháu ăn học” – chị Chung cho hay.

 

Nông dân nghèo thuê ruộng cấy lúa

Cũng ở gần nhà chị Chung, gia đình chị Bùi Thị An và anh Bùi Văn Cường cũng trầy trật lo toan cho cuộc sống. Vợ chồng chị An rơi vào hoàn cảnh trớ trêu: làm ruộng nhưng không có ruộng, chăn trâu giỏi nhưng không có trâu.

Họ mượn lại những thửa ruộng khó cấy của anh em, bạn bè để trồng lúa, chăn trâu “góp” với anh em để có thêm chút tiền công. Trong chuồng có ba con trâu, nhưng chị An cười chua chát: “Trâu họ gửi”.

Hai vợ chồng chị An chia nhau ra đi làm thuê. Anh đi thì chị ở nhà, chị đi thì anh ở nhà. Anh Cường đã theo người quen đi làm “cốp pha” (phụ hồ) ở mãi Hà Nội, Hà Nam, Vĩnh Phúc. Ngày công chẳng là bao, thêm được đồng nào hay đồng ấy để chị An ở nhà lo cho mấy đứa trẻ ăn học.

Làm lụng vất vả nhưng cái nghèo, cái khó không chịu buông tha gia đình. Năm bé Bùi Thị Gái – con lớn của anh chị – học lớp 3 thì đổ bệnh. Bé không còn nhận thức được, nhiều lúc không kiểm soát được hành vi nên phải bỏ học. Từ ngày ấy đến giờ đã gần chục năm, hai vợ chồng anh Cường tìm thầy, tìm thuốc khắp nơi nhưng không chữa được bệnh cho con.

Bé Gái nay đã 17 tuổi nhưng nhỏ thó như học sinh lớp 5, sợ người lạ, mỗi ngày có vài lần bị kích động, la hét, quậy phá. Chị An chỉ biết ôm con cho đến khi bé ngủ thiếp đi.

“Buồn lắm mà chẳng biết làm thế nào – chị An tâm sự – Vừa lo cái ăn, vừa lo cho con cái đi học. Mà ước gì có thuốc để chữa cho đứa Gái đỡ khổ…”. Anh Cường thực tế hơn: chỉ mong vay được vốn sẽ mua thêm con trâu chăn cùng đàn trâu “góp”. Cùng một công chăn, một công kiếm cỏ phù hợp hơn với tình cảnh của gia đình mình.

 

Trao vốn để nông dân gắn bó với quê hương

Anh Bùi Ngọc Tân, chủ tịch Hội Nông dân xã Hùng Sơn, chia sẻ xã Hùng Sơn được sáp nhập từ ba xã Hùng Tiến, Nật Sơn và Bắc Sơn. Diện tích rất rộng, số hộ nông dân cũng có hơn 1.500.

Phần lớn những gia đình nông dân có hoàn cảnh khó khăn phải đi làm ăn xa. Từ năm 2020, nhiều người phải về quê vì dịch bệnh.

Thất nghiệp, không thu nhập, nông sản của bà con cũng khó bán, người nông dân khó đủ đường. Mặc dù có rất nhiều chương trình, dự án để hỗ trợ hội viên nông dân vượt khó, phát triển kinh tế, thế nhưng cái khó của người nông dân ở địa phương này vẫn là vốn và hướng đi phù hợp.

Đã thiếu vốn, thiếu đất lại thiếu cả kinh nghiệm, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Bỏ xứ đi lao động nhưng cũng bấp bênh. Nhiều người đi làm cả chục năm không để dành được chút vốn để trở lại quê hương.

Ngay khi nhận được đề nghị của báo Tuổi Trẻ và đơn vị tài trợ GREENFEED Việt Nam, Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình lựa chọn ngay Hùng Sơn để hỗ trợ vốn theo chương trình Tiếp sức nhà nông.

Hội nông dân xã lựa chọn 40 hộ nông dân có hoàn cảnh khó khăn, có con em nỗ lực cố gắng vươn lên trong học tập để trao vốn.

Mỗi hộ sẽ được hỗ trợ vay 20 triệu đồng không lãi suất trong vòng hai năm. Họ còn được tặng phiếu thức ăn gia súc trị giá 3 triệu đồng/hộ. Sau hai năm, nếu trả đúng hạn thì sẽ được thưởng 20%. Con em họ có kết quả học tập tốt cũng được nhận học bổng.

 

Hướng dẫn nông dân chăn nuôi hiệu quả

Ảnh 3

Chương trình Tiếp sức nhà nông đã cải thiện sinh kế cho 2.420 hộ nông dân – Ảnh: VŨ TUẤN

Ông Vũ Bá Tuấn, trưởng phòng marketing cấp cao miền Bắc – miền Trung Công ty GREENFEED Việt Nam, cho hay sau hai năm suy thoái kinh tế do đại dịch COVID-19, nguồn kinh phí dành cho các hoạt động vì cộng đồng eo hẹp hơn thời gian trước. Tuy nhiên, phía nhà tài trợ nỗ lực cùng báo Tuổi Trẻ tiếp tục hỗ trợ, đồng hành với nông dân.

Giai đoạn 2022 – 2024 này, ngoài hỗ trợ vốn cho 40 hộ nông dân ở Kim Bôi (Hòa Bình), chương trình còn hỗ trợ cho nhiều hộ nông dân khác ở Gia Lai. “Sau khi trao vốn, chúng tôi tiếp tục phối hợp với Hội Nông dân đồng hành với nông dân.

Đội ngũ kỹ thuật của chúng tôi sẽ tiếp tục nắm bắt, hướng dẫn nông dân chăn nuôi hiệu quả. Ít nhất là phát hiện nhanh ra bệnh dịch – ông Tuấn nói – Ngoài ra chúng tôi sẽ cố gắng bám sát với họ.

Khi chăn nuôi có vấn đề gì phải làm ngay từ việc xử lý chuồng trại đến chế độ ăn, cách phòng dịch… làm sao để họ có lãi nhất. Khi người dân đã có kinh nghiệm rồi, có vốn để quay vòng chăn nuôi rồi thì việc mở rộng quy mô, phát triển chăn nuôi của họ không còn khó nữa”.

VŨ TUẤN
TTO