10/01/2025

Phó thủ tướng Singapore hiến kế cho Việt Nam: Giáo dục, y tế là mấu chốt

Phó thủ tướng Singapore hiến kế cho Việt Nam: Giáo dục, y tế là mấu chốt

Chia sẻ với lãnh đạo TP.HCM hôm 15-9, Phó thủ tướng Singapore Vương Thụy Kiệt nhấn mạnh giáo dục và y tế là mấu chốt để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước, và đó cũng là điều người dân mong đợi từ Chính phủ.

Phó thủ tướng Singapore hiến kế cho Việt Nam: Giáo dục, y tế là mấu chốt - Ảnh 1.

Singapore tin tưởng giáo dục và y tế sẽ tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao – Ảnh: REUTERS

“Làm sao để giáo dục tạo ra cơ hội nghề nghiệp là điều cần quan tâm. Bên cạnh đó, đưa kiến thức công nghệ vào giáo dục cũng là yếu tố quan trọng trong phát triển kinh tế” – Phó thủ tướng Singapore nói với Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi.

Một nguồn dân số khỏe mạnh và có tay nghề cao sẽ là động lực rất lớn cho nền kinh tế.

Phó thủ tướng Singapore Vương Thụy Kiệt

 

Tập trung dạy kỹ năng

Ông Vương cho biết sau khi Singapore phát triển thành nước công nghiệp, cố thủ tướng Lý Quang Diệu và các quan chức đã quyết định phải chú trọng hơn nữa việc dạy nghề và các trường đại học cũng dạy thiên về kỹ thuật.

Phó thủ tướng Singapore cho biết khi ông còn làm trong Bộ Giáo dục, đây là một vấn đề rất áp lực, một phần vì tất cả các phụ huynh đều muốn con mình học đại học. Khi đó ông và các quan chức Bộ Giáo dục Singapore đã đi rất nhiều nước tham khảo để quyết định nền giáo dục của đảo quốc sư tử sẽ đi theo hướng nào: 100% người dân học đại học như tại Mỹ hay đào tạo đại học và nghề song song.

“Chúng tôi đã quyết định trình lên thủ tướng rằng Singapore nên có thêm hai trường đại học nữa, nhưng sẽ không đi theo hướng 100% dân số học đại học mà sẽ có khoảng 60% người dân theo học các trường nghề, đào tạo kỹ thuật”, ông nói.

Ông Vương cho biết nhiều nước có tỉ lệ người dân học đại học cao nhưng vẫn có một bộ phận rất lớn nguồn nhân lực không có việc làm hoặc phải làm việc không đúng chuyên ngành.

Với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục, ông Vương chia sẻ quan điểm rằng không nên áp đặt nền giáo dục chung cho tất cả mọi người. Mọi người đều có những khả năng khác nhau, có người năng khiếu âm nhạc, những người giỏi nghiên cứu hoặc thiên về kỹ thuật. Nếu áp mọi người vào một khuôn khổ giáo dục chung thì cuối cùng nguồn nhân lực sẽ đi xuống chứ không phát triển.

“Điều đó không đơn giản trong văn hóa của châu Á vì phụ huynh luôn muốn con mình học cao, thành đạt”, ông chỉ ra.

Dù vậy, ông Vương cho biết Singapore đang đổi mới giáo dục tập trung vào kỹ năng của học sinh và các phương pháp dạy kỹ năng đó.

“Điều này không đơn giản, chúng tôi cũng vừa học vừa làm”, Phó thủ tướng Vương Thụy Kiệt thừa nhận, nhưng khẳng định đây là điều phải làm để giúp những người trẻ Singapore phát triển bản thân, làm công việc mình yêu thích và từ đó đóng góp cho nền kinh tế.

Sức khỏe người mẹ rất quan trọng

Phó thủ tướng Singapore kể lại ông rất ấn tượng với nghiên cứu của một giáo sư Singapore về việc sức khỏe của phụ nữ mang thai trong số các dự án về y tế mà chính phủ hợp tác với các trường đại học.

Kết quả nghiên cứu cho thấy phụ nữ có sức khỏe tốt, tinh thần khỏe mạnh thì sẽ sinh con khỏe mạnh hơn, ngược lại nếu người mẹ không khỏe sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của con trong những năm đầu.

“Những phát hiện như vậy sẽ giúp chúng tôi tìm cách phát triển những công dân tương lai của đất nước khỏe mạnh hơn”, ông chia sẻ.

Ở hướng ngược lại, Singapore cũng đang đối mặt với vấn đề chung của nhiều nước là lão hóa dân số. Ông Vương cho biết các trường đại học Singapore đã hợp tác với các nước để nghiên cứu về vấn đề này và phát hiện ra rằng tuổi thọ của con người hiện đã tăng lên đáng kể.

Nhưng bệnh tật thường tập trung vào khoảng 10 năm cuối cùng của cuộc đời một người và điều này gây thiệt hại rất lớn cho y tế công.

“Singapore đang tìm cách để người dân rút ngắn 10 năm bệnh tật này của người dân xuống và có thêm thời gian khỏe mạnh. Điều này sẽ giảm áp lực lên ngân sách quốc gia và tăng chất lượng cuộc sống của người dân”, ông Vương nói.

Và cũng như nhiều nền văn hóa châu Á khác, trong đó nhiều thế hệ thường chung sống trong một nhà, Phó thủ tướng Singapore cũng cho rằng giá trị của gia đình là rất lớn trong cuộc sống của người dân. Tuy nhiên việc giữ gìn giá trị này là một vấn đề tại các thành phố lớn, nơi quy mô các gia đình ngày càng nhỏ.

Ông Vương đưa ra một số giải pháp thú vị mà Singapore đã áp dụng như giảm giá cho những người mua nhà gần với gia đình. “Như vậy các gia đình sẽ gần gũi hơn, ông bà có thể giúp trông cháu để con đi làm và con cháu cũng sẽ chăm sóc ông bà”, ông nói.

 

Chuyển đổi số là tương lai

Phó thủ tướng Singapore Vương Thụy Kiệt thăm chính thức Việt Nam từ ngày 11 đến 15-9. Tại Hà Nội, ông Vương gặp các lãnh đạo Việt Nam gồm Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó thủ tướng Lê Minh Khái, và tại TP.HCM gặp Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên và Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi.

Chuyến thăm diễn ra trước thềm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Singapore vào năm 2023. Trong dịp này, ông Vương cho biết Thủ tướng Singapore dự kiến sẽ đến Việt Nam và Singapore cũng mời Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Singapore.

Chia sẻ với các lãnh đạo Việt Nam, Phó thủ tướng Singapore nhấn mạnh sự phát triển trong tương lai phụ thuộc vào chuyển đổi số và phát triển bền vững. Nơi nào cũng muốn mình phát triển, năng động, thông minh, đáng sống hơn, nhưng xây dựng thành phố thông minh cần gắn với nhiều yếu tố, đặc biệt là phát triển xanh.

TRẦN PHƯƠNG
TTO