10/01/2025

Mỗi môn 9,5 điểm vẫn rớt đại học, vì sao?

Mỗi môn 9,5 điểm vẫn rớt đại học, vì sao?

Năm nay, nhiều ngành đại học gần như thí sinh phải đạt điểm tuyệt đối cả 3 môn mới trúng tuyển, nhất là các ngành tuyển tổ hợp văn – sử – địa.

Mỗi môn 9,5 điểm vẫn rớt đại học, vì sao? - Ảnh 1.

Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh năm 2022 tại Trường đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP.HCM – Ảnh: B.K.

29,95 là mức điểm chuẩn cao nhất của kỳ tuyển sinh năm nay, tính theo thang điểm 30. Đây là điểm chuẩn tổ hợp văn – sử – địa của ngành Hàn Quốc học, quan hệ công chúng và Đông phương học Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội). Thí sinh không có điểm ưu tiên phải đạt hơn 9,98 điểm mỗi môn mới trúng tuyển.

 

Nhiều ngành trên 29 điểm

Đây không phải là trường hợp cá biệt. Nhiều ngành khác cũng có điểm chuẩn từ 29 trở lên. Như vậy thí sinh đạt 9,5 điểm mỗi môn thi vẫn rớt.

Ở Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), ngoài các ngành điểm chuẩn 29,95 còn có năm ngành khác có điểm chuẩn 29, bốn ngành 27,75, nhiều ngành trên 27. Như vậy, ở nhiều ngành dù thí sinh đạt 9 hoặc 9,5 điểm mỗi môn vẫn rớt.

Tương tự, ở nhiều trường khác như Trường đại học Giáo dục, Trường đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội), Học viện Ngoại giao, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Trường đại học Luật Hà Nội, Trường đại học Hồng Đức… cũng có nhiều ngành có điểm chuẩn trên 29.

Riêng tại Học viện Ngoại giao, có hai ngành có điểm chuẩn từ 29 trở lên, nhiều ngành có điểm chuẩn trên 27.

Trong khi đó, số ngành có điểm chuẩn trên 27 điểm ở các trường nhiều không kể hết. Trong khi các ngành có điểm chuẩn trên 29 thường rơi vào tổ hợp văn – sử – địa, các ngành có điểm chuẩn trên 27 rải đều ở các tổ hợp và trường khác nhau, từ kinh tế, công nghệ đến kỹ thuật, xã hội.

 

Nguyên nhân do đâu? 

Phát biểu trên báo chí, đại diện Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng điểm chuẩn ngành báo chí 29,9 không có gì bất thường. Theo đó, trong 55 chỉ tiêu hệ đại trà, có 25 chỉ tiêu dành cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp với sáu tổ hợp, trung bình ở mỗi một tổ hợp có gần 5 chỉ tiêu. Riêng tổ hợp văn – sử – địa có 9 thí sinh đạt mức điểm 29,9.

Đại diện trường cũng cho rằng đề thi tốt nghiệp dễ nên năm nay điểm thi của thí sinh rất cao, điểm 9, 10 nhiều.

Phổ điểm thi tốt nghiệp tổ hợp C00 năm nay “nhích hơn” những năm trước, nhiều thí sinh đạt điểm giỏi môn văn, sử. Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy cả nước có 24.154 thí sinh đạt điểm 9 môn văn trở lên, 29.423 thí sinh đạt điểm từ 9 -10 môn sử.

Qua nhiều năm làm công tác tuyển sinh, ông Đỗ Văn Dũng – nguyên hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM – cho rằng việc có nhiều ngành có điểm chuẩn rất cao, thí sinh đạt trên 9 điểm mỗi môn vẫn rớt là điều bình thường trong tuyển sinh. Rất nhiều thí sinh trong số này có điểm ưu tiên nên mới đạt mức điểm đó.

Ông Dũng phân tích, năm ngoái điểm chuẩn tổ hợp A1, D1 rất cao vì đề thi môn tiếng Anh dễ. Năm nay đề tiếng Anh khó hơn nên điểm chuẩn các tổ hợp này giảm. Năm nay đề sử dễ nên điểm thi tăng rất mạnh khiến điểm chuẩn tổ hợp văn – sử – địa ở nhiều trường tăng.

“Nhiều năm trước hầu như không có mức điểm chuẩn khủng như vài năm gần đây. Ngoài yếu tố đề thi hằng năm khác nhau, một yếu tố khác đẩy điểm chuẩn phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT tăng đó là vài năm gần đây các trường tuyển sinh rất nhiều phương thức nên chỉ tiêu còn lại cho phương thức xét điểm tốt nghiệp không nhiều. Đề dễ, điểm thí sinh cao, chỉ tiêu ít khiến cho điểm chuẩn bị đẩy lên gần như tuyệt đối. Đó là việc bình thường trong tuyển sinh” – ông Dũng lý giải thêm.

Tuy nhiên ông Dũng cũng cho rằng mặc dù các trường tự chủ tuyển sinh nhưng cần xét đến mặt bằng chung để cơ hội vào đại học bình đẳng với mọi thí sinh. Thí sinh ở vùng sâu vùng xa sẽ khó cạnh tranh lại thí sinh ở thành phố trong các phương thức xét kết hợp chứng chỉ tiếng Anh, thi đánh giá năng lực. Các em chỉ còn dựa vào xét điểm thi tốt nghiệp. Tuy nhiên vì chỉ tiêu còn ít nên cơ hội vào đại học của các bạn cũng rất mong manh.

 

Phụ huynh rối vì phương thức tuyển sinh

Một phụ huynh cho biết con mình đăng ký xét tuyển phương thức 5 (kết hợp điểm thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TP.HCM, điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm học bạ THPT) vào Trường đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP.HCM. Kết quả, thí sinh đạt 27 điểm thi tốt nghiệp THPT, thi đánh giá năng lực 640 (chưa đủ điểm sàn 650 của đại học này).

Vì biết chưa đủ điểm sàn đánh giá năng lực nhưng trong thông tin của trường, trong trường hợp thí sinh không thi đánh giá năng lực có thể chuyển điểm thi tốt nghiệp THPT sang để quy đổi. Phụ huynh gọi điện hỏi trường và được tư vấn cứ đăng ký nguyện vọng để trường xem xét. Kết quả thí sinh không trúng tuyển.

“Nếu chuyển điểm thi tốt nghiệp THPT sang quy đổi thì con tôi có điểm cao hơn điểm chuẩn rất nhiều. Phương thức tuyển sinh khá rối rắm” – phụ huynh này nói.

Trao đổi với phụ huynh, ông Bùi Hoài Thắng – trưởng phòng đào tạo Trường đại học Bách khoa – cho biết thí sinh đã dự thi và không đạt điểm sàn điểm thi đánh giá năng lực.

Trường chỉ thực hiện chuyển đổi điểm thi tốt nghiệp THPT sang quy đổi cho những thí sinh vì các lý do bất khả kháng không thể tham gia kỳ thi đánh giá năng lực được như đau ốm, gặp sự cố khiến không thể dự thi.

MINH GIẢNG
TTO