10/01/2025

Không thiếu xăng dầu, sao nhiều cửa hàng ngưng bán?

Không thiếu xăng dầu, sao nhiều cửa hàng ngưng bán?

Chiết khấu thấp khiến nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu không mặn mà nhập hàng về bán đẩy tình trạng thiếu hàng cục bộ tại vài địa phương.

 

 

Nếu “ngon ăn”, không ai xin nghỉ bán cả!

Ngày 16.9, bạn đọc ở tận vùng đất mũi Cà Mau; các huyện Cờ Đỏ, Thới Lai (Cần Thơ)… phản ánh tình trạng thiếu xăng hoặc dầu tại một số cây xăng vẫn xảy ra.

Bà Nguyễn Thị Hạnh (ngụ H.Cờ Đỏ) cho biết một số cửa hàng ở địa phương đã báo còn dầu, hết xăng, hoặc có nơi chỉ bán xăng RON95, xăng E5 RON92 lại hết mấy ngày qua; một số cây xăng có bán đủ nhưng không bán lượng lớn cho khách mang can đến mua mang về… Trước đó, những ngày sau kỳ điều chỉnh giá xăng dầu giảm ngày 12.9, có ít nhất 10 cửa hàng xăng dầu ở các huyện Ngọc Hiển và Đầm Dơi (Cà Mau) tạm ngưng hoạt động do thiếu hụt nguồn cung, khiến người dân chật vật trong việc mua xăng dầu phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Ngay tại TP.HCM, trong các ngày 13 và 14.9 vẫn có cửa hàng xăng tại các quận Gò Vấp, Tân Phú, Bình Tân… hết xăng, còn dầu hoặc ngược lại. Tại một số địa phương khu vực phía nam, tình trạng xăng dầu vẫn thiếu rải rác, cục bộ tại một vài nơi. Đại diện Sở Công thương TP.HCM cho hay thời gian qua, Sở có nhận đơn đề nghị tạm ngưng kinh doanh của một số đơn vị với lý do sửa chữa, nâng cấp… Sở Công thương tỉnh Hậu Giang cũng cho biết các đầu mối cung ứng xăng dầu lớn như Petrolimex, PVOil, Nam Sông Hậu… đều có nguồn cung dồi dào, chỉ vài đơn vị đầu mối tư nhân quy mô nhỏ bị hụt hàng, thiếu cục bộ hoặc bán cầm chừng. Tại Đồng Tháp, thời gian qua cũng có gần 10 cửa hàng xăng dầu gửi thông báo xin nghỉ bán; Hậu Giang có 2 cửa hàng; Vĩnh Long khoảng 10 địa điểm… Thậm chí, qua phản ánh của các sở công thương, có cửa hàng xăng dầu xin nghỉ sửa chữa đến… 3 tháng.

Không thiếu xăng dầu, sao nhiều cửa hàng ngưng bán? - ảnh 1
Việc cắt giảm sâu chiết khấu đang từ mức hơn 1.000 đồng/lít về vài trăm đồng, thậm chí là 0 đồng khiến doanh nghiệp kinh doanh lỗ chồng lỗ

Trả lời Thanh Niên, ông P.K, giám đốc một công ty phân phối xăng dầu phía nam, cho biết các đại lý phân phối tổng cũng không dám nhập hàng về bán hoặc nhập giới hạn vì càng nhập càng lỗ. Ngay lượng xăng dầu của công ty ông nhập về giảm hơn 30%. Một cửa hàng bán lẻ của công ty tại Tiền Giang rao sang nhượng từ tháng 5 đến nay vẫn “chưa có người hỏi”.

Ông P.K kể: “Tôi cũng đã xin tạm ngưng hoạt động lần đầu, lý do theo cơ quan quản lý báo là “không chính đáng” nên buộc phải duy trì lay lắt từ đó đến nay trong thời gian tìm chủ mới để sang nhượng. Nếu việc kinh doanh “ngon ăn”, không ai lại xin nghỉ kinh doanh hết cả quý. Chiết khấu quá thấp, kinh doanh không hiệu quả và bù lỗ thường xuyên khiến doanh nghiệp bán lẻ không còn mặn mà nữa. Bây giờ, đầu mối cung cấp hàng đủ nhất chỉ còn các công ty xăng dầu của nhà nước. Chúng tôi lo ngại trong thời gian tới, các cửa hàng xăng dầu khối tư nhân đầu tư có thể sẽ bị thu hẹp lại, đóng cửa, sang nhượng nhiều do “gồng” lỗ quá lâu. Hơn nữa, trong kinh doanh phải có lãi có lỗ. Đằng này càng bán càng lỗ, lãi vay ngân hàng vẫn phải trả, sau một thời gian, vốn teo tóp dần dẫn đến phá sản thôi”.

Nếu việc kinh doanh “ngon ăn”, không ai lại xin nghỉ kinh doanh hết cả quý. Chiết khấu quá thấp, kinh doanh không hiệu quả và bù lỗ thường xuyên khiến doanh nghiệp bán lẻ không còn mặn mà nữa. Bây giờ, đầu mối cung cấp hàng đủ nhất chỉ còn các công ty xăng dầu của nhà nước.

Ông P.K (Giám đốc một công ty phân phối xăng dầu phía nam)

Bà Đ., chủ một cây xăng tại Q.Tân Phú, cho hay hoa hồng đến hôm qua (16.9) đã về 0 đồng, hoặc 50 – 90 đồng/lít thì “mua bán làm gì được”. Trong khi cước vận tải mỗi lít xăng mua từ kho Nhà Bè về đến cây xăng là 300 đồng, tiền lương nhân viên, quản lý, hao hụt… càng bán càng lỗ nên bà hạn chế nguồn hàng nhập lại, chờ chiết khấu lên mới dám mua nhiều. “Oái ăm thay là khi chiết khấu tăng, giá nhập cũng tăng, vòng luẩn quẩn đó đã khiến tháng nào cửa hàng cũng bù lỗ, hoặc huề vốn. Kinh doanh vậy làm sao bền?” bà Đ. nói.

 

Đại phẫu cơ chế điều hành giá

Bộ Công thương sau khi tính toán, cân đong đo đếm số liệu áp cho các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu lẫn số liệu 2 nhà máy lọc dầu trong nước, đã khẳng định, nguồn cung không thiếu. Tuy nhiên, đến nay, Bộ này vẫn chưa có báo cáo cụ thể lượng xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối được áp sản lượng nhập khẩu thế nào.

Theo Hiệp hội Xăng dầu VN, khó khăn của các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ xăng dầu trước biến động liên tục của giá thế giới rất khó đoán định, đã ảnh hưởng đến chi phí đầu vào của doanh nghiệp. Việc cắt giảm sâu chiết khấu đang từ mức hơn 1.000 đồng/lít về vài trăm đồng, thậm chí là 0 đồng khiến doanh nghiệp kinh doanh lỗ chồng lỗ. Trong khi đó, đây là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, lời ăn, lỗ bỏ, nên tâm lý “nghe ngóng, mua bán cầm chừng” của doanh nghiệp là có thật. Việc điều chỉnh giá theo chu kỳ 10 ngày trong bối cảnh giá thế giới lại biến động từng ngày trở nên “lạc hậu”, bên cạnh đó, cũng vì ngành hàng kinh doanh có điều kiện, các phụ phí kinh doanh được xác định mức cố định trong khi lạm phát tăng, mọi chi phí đều tăng.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế tài chính, phân tích các doanh nghiệp xăng dầu thường mua hàng theo kỳ hạn 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng hoặc giao ngay. Trong bối cảnh giá biến động, nhiều doanh nghiệp chọn hình thức mua giao ngay, nhưng “giao ngay cũng không trở tay kịp với mức biến động liên tục của giá nhiên liệu toàn cầu”. Ví dụ, cuối tháng 8 vừa qua, giá dầu diesel bán buôn theo giá Singapore đắt hơn giá bán trong nước đến 2.000 đồng/lít. Nếu mua hàng theo hợp đồng giao ngay, đầu mối nhập khẩu bị lỗ 2.000 đồng/lít, nên họ nhập cầm chừng hoặc tạm ngưng nhập là điều dễ hiểu. Thế nhưng, nếu không có hàng bán, đóng cửa hàng, đóng công ty thì bị phạt, mức phạt cao nhất là thu hồi giấy phép kinh doanh. Tình huống này đã buộc các doanh nghiệp chọn cách găm hàng lại và tìm cách đẩy lượng xăng dầu đã mua giá thấp trước đây sang nguồn hàng dự trữ. Thường chiết khấu cho bán lẻ 1.000 đồng/lít là hợp lý, nhưng vì đầu mối lo lỗ 2.000 đồng/lít nói trên, nên họ hạ chiết khấu xuống 0 đồng, nhà bán lẻ tuy mua chiết khấu 0 đồng, nhưng không thể tăng giá bán, phải bán theo giá quy định của nhà nước. Như vậy, thị trường giá xăng dầu có vấn đề ở đây. Chiếc áo cơ chế điều hành giá xăng dầu đến nay quá chật, cần cuộc đại phẫu.

Cuộc đại phẫu đó, theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, là xây dựng thị trường cạnh tranh giữa các cây xăng bán lẻ hay còn gọi là hệ thống phân phối cuối cùng. “Hãy để các chủ cây xăng có quyền lựa chọn và mua hàng từ nhiều nguồn cung đi, tại sao cứ phải buộc họ ký với “ông” nào ôm “ông” đó, mà không có sự lựa chọn nào khác khi nguồn cung đầu mối này thiếu, đầu mối kia thừa?

Thị trường xăng dầu sớm thiết lập lại từ khâu bán buôn lẫn bán lẻ, lấy mục đích cạnh tranh lành mạnh, công khai minh bạch làm tiêu chí hàng dầu. Cơ chế giá theo sự quản lý của nhà nước chỉ thành công khi nó được điều hành linh hoạt, cắt giảm các khoản thu thuế, phí… vô lý, giảm tối đa việc áp một mức lãi, mức chi phí cố định…

Chuyên gia Vũ Đình Ánh

NGUYÊN NGA

TNO