10/01/2025

Đăng ký nguyện vọng 1 ‘chơi’, ai ngờ đậu thật: Học phí cao quá phải làm sao?

Đăng ký nguyện vọng 1 ‘chơi’, ai ngờ đậu thật: Học phí cao quá phải làm sao?

“Em thấy ngành luật của một trường ĐH mọi năm điểm cao nên chỉ đăng ký nguyện vọng 1 cho thoả đam mê, ai ngờ điểm chuẩn hạ gần 4 điểm nên em đậu. Bây giờ em mới tra học phí thấy nó cao ngoài sức tưởng tượng. Có cách nào để được xét các nguyện vọng sau không?”.

 

 

Đậu nguyện vọng 1, nhưng lại muốn học nguyện vọng 2

Đăng ký nguyện vọng 1 ‘chơi’, ai ngờ đậu thật: Học phí cao quá phải làm sao? - ảnh 1
Thí sinh tham gia một ngày hội tư vấn mùa thi của Báo Thanh Niên  THÚY HẰNG

Đó là câu hỏi được nêu ra trong chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến của Báo Thanh Niên với chủ đề “Điểm chuẩn cao, có xét tuyển bổ sung?” chiều 17.9.

Trong chương trình, người dẫn chương trình (MC) nêu ra một số câu hỏi đang được nhiều thí sinh, phụ huynh quan tâm. Phụ huynh Lan Phương (Lâm Đồng) hỏi: “Con tôi đã trúng tuyển nguyện vọng 1 nhưng giờ muốn nhập học nguyện vọng 2 thì có được không?”.

Trong khi một thí sinh M.H tại Bình Phước “cầu cứu”: “Mọi người ơi cứu em, em lỡ đăng ký nguyện vọng 1 vào ngành luật một trường ĐH, nhìn điểm năm ngoái cao vậy em nghĩ em cũng không đậu nên đăng ký cho thoả đam mê, thử sức mình. Nhưng em không ngờ năm nay giảm gần 4 điểm. Bây giờ em tra học phí thì nó nằm ngoài sức tưởng tượng, vượt quá khả năng kinh tế của gia đình. Đây là lỗi của em vì đã không tìm hiểu trước. Bây giờ em có cách nào để được xét các nguyện vọng sau không?”.

Đây là 2 câu hỏi được các chuyên gia trong chương trình đánh giá là vấn đề đang “nóng”, là băn khoăn của rất nhiều thí sinh hiện nay. Trong các trường hợp này, thí sinh nên giải quyết ra sao?

Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM (UEF), cho biết: “Hiện có tình trạng thí sinh trúng tuyển ngay nguyện vọng 1 nhưng lại không phải là ngành các em yêu thích thật sự. Hoặc thí sinh đã trúng tuyển, nhưng vấn đề tài chính, học phí cao khiến các bạn khó không biết xử lý như thế nào”.

Ông Nguyên lưu ý, theo quy chế tuyển sinh năm nay, thí sinh phải đăng ký xác nhận nhập học trên hệ thống của Bộ GD-ĐT, nếu sau 17 giờ ngày 30.9 không đăng ký thì xem như không trúng tuyển nguyện vọng đó. Như vậy, nếu thí sinh băn khoăn nguyện vọng 1 vì gia đình không thể trang trải học phí thì có thể tham khảo thông tin về xét tuyển bổ sung của các trường ĐH khác, theo ông Nguyên.

Đăng ký nguyện vọng 1 ‘chơi’, ai ngờ đậu thật: Học phí cao quá phải làm sao? - ảnh 2
Các khách mời tham gia chương trình chiều 17.9  LÊ THANH HẢI

Cụ thể hơn, thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung, Giám đốc Trung tâm truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, lưu ý: “Với quy chế tuyển sinh năm nay thì con của phụ huynh Lan Phương không thể từ chối nhập học ở nguyện vọng 1 để chọn trường ĐH ở nguyện vọng 2. Lý do là đã qua mốc ngày 20.8, bạn không thể thay đổi được vị trí nguyện vọng trong hệ thống của Bộ GD-ĐT. Khi thí sinh đậu nguyện vọng 1 thì các nguyện vọng sau không có hiệu lực”.

“Tuy nhiên, nếu thí sinh thật sự muốn học một trường ĐH ở nguyện vọng 2 thì có thể tìm kiếm cơ hội trong đợt xét tuyển bổ sung của trường đó theo phương thức xét tuyển bằng học bạ hoặc điểm thi tốt nghiệp THPT”, thạc sĩ Xuân Dung đưa ra lời khuyên.

 

Không xác nhận nhập học thì ‘chưa thuộc về ai’

Thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn (SIU) cũng lưu ý: “Nếu ngành học và trường ĐH ở nguyện vọng 1 đã đáp ứng sự yêu thích của thí sinh, nhưng các bạn lại băn khoăn vì gia đình không đủ khả năng tài chính trang trải học phí thì có thể tham khảo chính sách cho vay, chính sách nhà nước hỗ trợ sinh viên và học bổng của trường. Rồi học đến năm 2, các bạn có thể đi làm thêm để có thêm thu nhập”, ông Tư nói.

“Còn nếu ngành học trúng tuyển ở nguyện vọng 1 vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thí sinh thì ngay bây giờ các bạn chưa xác nhận nhập học trên hệ thống Bộ GD-ĐT, rồi chờ đợt xét tuyển bổ sung của các trường. Tuy nhiên, thí sinh hãy suy nghĩ kỹ trước khi tìm kiếm các cơ hội xét tuyển bổ sung vì vẫn có khả năng điểm chuẩn trúng tuyển trong đợt tuyển bổ sung có thể cao hơn”, thạc sĩ Cao Quảng Tư khuyên.

Các chuyên gia lưu ý thí sinh muốn xét tuyển bổ sung cần tham khảo thông tin chính thống hoặc liên hệ trực tiếp với các trường ĐH để được tư vấn vì mỗi trường sẽ có những yêu cầu, cột mốc thời gian nộp hồ sơ khác nhau.

THUÝ HẰNG

TNO