Xét tuyển rối ren, vì đâu?
Xét tuyển rối ren, vì đâu?
Bộ GD-ĐT nhận định năm 2022, nhiều trường có quá nhiều phương án tuyển sinh phức tạp, phân bố chỉ tiêu chưa hợp lý gây khó khăn cho thí sinh. Trong khi các trường cho rằng việc bộ điều chỉnh về kỹ thuật khiến họ bị động…
Trong hội nghị tổng kết và triển khai nhiệm vụ năm học mới ở bậc đại học và cao đẳng giáo dục mầm non vừa diễn ra, Bộ GD-ĐT nhận định năm 2022 nhiều trường có quá nhiều phương án tuyển sinh phức tạp, phân bố chỉ tiêu chưa hợp lý gây khó khăn cho thí sinh.
Trong khi đó, phía các trường lại cho rằng họ bị động sau khi bộ điều chỉnh về kỹ thuật và tới thời điểm này, các trường chưa thể dự đoán sát được nguồn tuyển tương ứng với chỉ tiêu khiến cho vấn đề tuyển sinh có thể sẽ bị kéo dài hơn.
Phản ánh từ thí sinh và từ phía các trường cho thấy có nhiều trường hợp sai sót khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống của Bộ GD-ĐT, nhiều thí sinh chưa nộp được lệ phí xét tuyển trực tuyến mặc dù Bộ GD-ĐT đã gia hạn. Có thí sinh đã có giấy báo trúng tuyển có điều kiện theo phương thức xét tuyển sớm do các trường cung cấp nhưng lại không thấy tên trên hệ thống của bộ!
Trước tình trạng này, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã đồng ý về mặt nguyên tắc cho phép các trường làm việc trực tiếp với thí sinh để sửa chữa sai sót khi đăng ký nguyện vọng, đảm bảo tối đa quyền xét tuyển cho thí sinh. Đồng thời vẫn để những thí sinh chưa nộp lệ phí xét tuyển được tham gia xét tuyển và sẽ nộp lệ phí bổ sung sau.
Rõ ràng thực tế rối ren này cần được phân tích cụ thể, khách quan để điều chỉnh phương án xét tuyển cho năm sau, đặc biệt là giai đoạn sau năm 2025 khi thế hệ học sinh đầu tiên học chương trình giáo dục phổ thông mới tốt nghiệp và xét tuyển đại học.
Một mùa tuyển sinh có đến 20 phương thức xét tuyển, trong đó có những phương thức kết hợp khá rắc rối và dễ nhầm lẫn thì đúng là khó khăn cho thí sinh và cho việc quy về một mối để lọc ảo. Nhưng bộ mới chỉ ra “lỗi” từ phía các trường mà chưa làm rõ những bất cập từ phía bộ: xây dựng phần mềm và vận hành hệ thống xét tuyển thế nào mà thí sinh khi thao tác khó khăn và nhiêu khê đến thế?
Từ phản ánh của thí sinh và các trường cho thấy phần mềm xét tuyển chưa thân thiện, dễ gây nhầm lẫn cho thí sinh. Sự kết hợp giữa bộ và các trường chưa chặt chẽ trong việc cập nhật dữ liệu xét tuyển lên hệ thống. Vấn đề này sẽ phải xử lý, chấn chỉnh như thế nào vào năm sau? Trách nhiệm của bộ, của trường ra sao trong vụ rối ren này cần phải được làm rõ.
Phần mềm và quy trình thì có thể điều chỉnh, khắc phục. Nhưng rối ren của năm nay cũng đặt ra câu hỏi lớn hơn: Bộ GD-ĐT có nhất thiết phải “ôm” trách nhiệm về xét tuyển không?
Trong lộ trình tự chủ ở bậc đại học, việc các trường tự chủ hoàn toàn việc xét tuyển, đảm bảo công bằng cho người học và chất lượng đầu vào là việc phải làm. Kể cả vấn đề “lọc ảo” các nhóm trường cũng có thể tổ chức, vận hành mà không cần đến Bộ GD-ĐT phải ra tay.
Khi đã xác định là “việc phải làm được” thì việc tiếp theo chỉ còn bàn về giải pháp, về hậu kiểm và xử lý vi phạm. Với cách làm hiện nay, rõ ràng các trường “tự chủ” mà vẫn đang vướng đủ thứ. Nhiều trường “yếu” lại càng “sợ ra gió”, thích những gì “có sẵn” hơn là chủ động. Bộ thì không dám buông vì lo tính khách quan, công bằng không đảm bảo, trong khi khâu tuyển sinh chỉ là câu chuyện nhỏ trong tự chủ và quản trị đại học.