SIM ‘rác’ bán công khai, tràn lan
SIM ‘rác’ bán công khai, tràn lan
Sau nhiều năm các nhà mạng và cơ quan quản lý tuyên bố ngăn chặn SIM “rác”, đến nay tình trạng mua bán loại SIM này vẫn diễn ra công khai.
Mua SIM nhanh chóng, không cần giấy tờ
Liên tiếp trong hai ngày vừa qua, PV Thanh Niên khảo sát tại nhiều cửa hàng bán điện thoại di động, phụ kiện… trên một số tuyến đường, quận ở TP.HCM. Kết quả, chỉ cần khoảng từ 100.000 đồng, khách hàng có thể mua được SIM điện thoại đã kích hoạt sẵn, chỉ cần gắn vào điện thoại di động là nghe, gọi bình thường mà không cần phải có giấy tờ tùy thân để đăng ký với nhà mạng như quy định.
|
SIM kích hoạt sẵn được mua bán công khai, dễ dàng NHẬT THỊNH |
Tại một cửa hàng trên đường L.V.L (Q.7), người bán cho xem đủ các loại SIM được kích hoạt sẵn của những nhà mạng phổ biến. Cụ thể, SIM Vinaphone là 120.000 đồng được giới thiệu có sẵn 30.000 đồng trong tài khoản và gọi nội mạng miễn phí một tháng. SIM của MobiFone và Viettel cùng giá 150.000 đồng cũng có sẵn trong tài khoản 30.000 đồng. Còn SIM đầu số 087 của nhà mạng iTelecom có giá 100.000 đồng nhưng tài khoản là 0 đồng. Trong khi đó, nếu mua SIM chưa được kích hoạt thì giá cao hơn, từ 200.000 – 250.000 đồng/SIM và sau đó khách hàng phải tự đăng ký bằng giấy tờ tùy thân. Trả lời thắc mắc vì sao giá SIM chênh lệch xa nhau, chủ cửa hàng cho hay do SIM chưa kích hoạt được lọc từ những số đẹp để bán cho khách có nhu cầu; trong khi đó SIM đã kích hoạt sẵn là số không đẹp, khó nhớ nên giá rẻ hơn. Tại một cửa hàng khác gần đó, giá SIM của mạng Viettel là 160.000 đồng, Vinaphone là 120.000 đồng với lời giới thiệu chỉ cần gắn vào điện thoại là gọi được ngay. Những SIM này đều được gọi nội mạng miễn phí trong một tháng, gọi ngoại mạng từ 20 – 50 phút tùy nhà mạng…
Tình trạng này cũng diễn ra công khai ở một số cửa hàng mà phóng viên đến hỏi mua SIM kích hoạt tại Q.3, Q.10… Giá bán SIM kích hoạt sẵn của các nhà mạng nói trên cũng dao động từ 120.000 – 180.000 đồng/SIM.
Hoặc không cần phải ra cửa hàng, người dùng có thể mua SIM online, trên các chợ thương mại điện tử cũng có nhiều dịch vụ sẵn sàng đáp ứng nhu cầu. Thử gõ từ khóa “SIM kích hoạt sẵn” trên trang tìm kiếm sẽ có ngay hàng triệu thông tin quảng cáo về sản phẩm này, với giá còn rẻ hơn khá nhiều so với cửa hàng bán trực tiếp. Có những dịch vụ bán SIM giá chỉ từ 70.000 đồng, thậm chí 50.000 – 60.000 đồng và được kích hoạt sẵn, nghe – gọi vô tư. Nhiều nơi bán còn chỉ cách để duy trì SIM kích hoạt sẵn không bị nhà mạng hủy số sau một thời gian hay nạp tiền lẻ từ 1.000 – 5.000 đồng vào tài khoản để “nuôi SIM”. Nếu cần số lượng lớn sẽ được giao SIM tận nhà…
Công khai thông tin vi phạm và mức xử phạt thường xuyên
Câu chuyện ngăn chặn SIM “rác” đã được Bộ TT-TT và các nhà mạng lớn thống nhất thực hiện từ năm 2018 và liên tục những năm sau đó đều được nhắc lại với nhiều giải pháp quyết liệt hơn. Chẳng hạn tháng 6.2020, 3 nhà mạng lớn gồm Viettel, Vinaphone và MobiFone công bố đưa ra những giải pháp mạnh tay chống SIM “rác” như dừng bán bộ hòa mạng tại các đại lý ủy quyền, dừng quyền đấu nối số thuê bao của đại lý ủy quyền. Thay vào đó, các doanh nghiệp sẽ tập trung vào việc bán SIM, đăng ký thông tin thuê bao tại những điểm cung cấp dịch vụ của mình. Thống kê của các nhà mạng cho thấy từ cuối năm 2021 đến hết quý 1/2022 đã có trên 1 triệu SIM không chính chủ đến đăng ký lại thông tin, nhưng SIM “rác” vẫn xuất hiện trên thị trường. Người dùng có thể dễ dàng mua được những chiếc SIM này như khảo sát ở trên.
Theo Bộ TT-TT, để ngăn chặn cuộc gọi “rác”, cần sự chung tay của cả xã hội. Người dùng di động cần phản hồi trả lời về cuộc gọi “rác” được gửi tới dưới dạng tin nhắn nhanh ngay sau các cuộc gọi có dấu hiệu phát tán cuộc gọi “rác”. Việc trả lời của người dùng sẽ giúp các nhà mạng sàng lọc, xử lý chính xác các cuộc gọi vi phạm cũng như giúp cơ quan quản lý có thông tin để đưa ra các chế tài quản lý phù hợp. Ngoài ra, khi phát hiện cuộc gọi “rác”, người dân có thể phản ánh qua đầu số tin nhắn 5656 và cổng thông tin https://thongbaorac.ais.gov.vn/https://thongbaorac.ais.gov.vn/ của Cục An toàn thông tin.
Cơ quan quản lý cũng nhận định SIM “rác” tồn tại là một nguyên nhân khiến tình trạng tin nhắc “rác”, cuộc gọi “rác” vẫn diễn ra. Thống kê từ Bộ TT-TT cho thấy trong 6 tháng đầu năm nay, số cuộc gọi từ thuê báo “rác” là hơn 74 triệu, tăng 53% so với cùng kỳ năm 2021. Không chỉ là quảng cáo, mời chào dịch vụ, mà cuộc gọi mạo danh, lừa đảo cũng nở rộ. Mới nhất, vào cuối tháng 8, 7 nhà mạng đang hoạt động tại VN gồm Viettel, Vinaphone, MobiFone, Vietnamobile, Gmobile và 2 mạng di động “ảo” Local, iTelecom đã cùng ký kết thỏa thuận về ngăn chặn và xử lý cuộc gọi rác và kế hoạch quản lý thông tin thuê bao di động, ngăn chặn, xử lý SIM có dấu hiệu tồn kênh. Việc ký cam kết được coi là quyết tâm chung tay, thống nhất giữa các nhà mạng trong xử lý cuộc gọi “rác”, bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng. Tại lễ cam kết, Thứ trưởng Bộ TT-TT Phạm Đức Long nhận định hầu hết cuộc gọi “rác” gây phiền nhiễu đến người dùng, thậm chí là lừa đảo, đa phần xuất phát từ SIM thuê bao chưa được định danh. Nếu các cuộc gọi được định danh, đó sẽ không còn là cuộc gọi “rác”. Bộ TT-TT sẽ kiên quyết thanh tra và xử phạt công khai những nhà mạng không nghiêm túc thực hiện việc xử lý SIM “rác”, phải “làm sạch” thông tin thuê bao để tránh gây hệ lụy cho xã hội, không thể để người dân phải chịu gánh nặng này.
Theo chuyên gia công nghệ, an toàn mạng Võ Đỗ Thắng, SIM “rác” dễ mua, dễ sử dụng là nguyên nhân chính phát sinh cuộc gọi “rác”. Bởi với nhiều cá nhân khi có mục đích quảng cáo hay thậm chí lừa đảo, chỉ cần mua một SIM bất kỳ và sử dụng trong vòng 1 – 2 tháng rồi bỏ đi. Khi đó, họ không lo bị truy vết phát tán cuộc gọi “rác” hay lừa đảo, không sợ bị xử phạt hành chính hay thậm chí tránh sự truy tìm của cơ quan điều tra. Do đó, ông Thắng cho rằng thông qua việc phản ánh của người dân, cơ quan quản lý nhà nước cần thống kê, công bố công khai thường xuyên danh sách cá nhân, tổ chức đang phát tán cuộc gọi rác cũng như hình thức xử lý. Song song đó, nếu thống kê cuộc gọi “rác”, tin nhắn “rác” xuất phát từ nhà mạng nào quá nhiều thì phải có sự nhắc nhở và thậm chí có chế tài với nhà mạng cụ thể. Đồng thời hướng đến yêu cầu cá nhân vi phạm lẫn nhà mạng phải bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng do bị ảnh hưởng từ vấn nạn này. Bởi nếu các nhà mạng thực sự mạnh tay siết chặt hoạt động đăng ký SIM, hạn chế SIM “rác” thì tình trạng này sẽ ngày càng giảm chứ không thể tăng như thời gian vừa qua.
MAI PHƯƠNG
TNO