10/01/2025

Học văn qua hình thức mới

Học văn qua hình thức mới

Làm bánh trôi nước, đánh cờ chữ, tổ chức tọa đàm, dự án… là các hoạt động trải nghiệm khi học môn ngữ văn do Câu lạc bộ văn học Trường THCS Kiến Thiết (quận 3, TP.HCM) tổ chức.

Học văn qua hình thức mới - Ảnh 1.

Học sinh thuyết trình về các loại cổ phục trong khuôn khổ dự án “Ngàn năm gấm lụa” – Ảnh: THU HƯƠNG

Câu lạc bộ văn học của trường hoạt động nhiều năm nay, vừa là nơi ôn tập và rèn luyện những kiến thức văn học vừa là sân chơi thỏa sức sáng tạo cho học sinh lớp 7, 8, 9. Hè 2022 của các thành viên câu lạc bộ vừa khép lại bằng dự án “Ngàn năm gấm lụa”, với sự tham gia của những học sinh trong trường mong muốn tìm hiểu về cổ phục Việt Nam.

Trong câu lạc bộ, học sinh đóng vai trò chủ động, còn giáo viên chỉ là người định hướng và kiểm tra lại nội dung, chỉnh sửa sai sót (nếu có). Nhờ tính chủ động, chỉ mất năm ngày học sinh đã tìm kiếm thông tin, hình ảnh, làm bản trình bày, tập luyện thuyết trình để hoàn thành dự án.

Các bạn trẻ thuyết trình về các loại cổ phục mà mình bốc thăm, sau đó được những chuyên gia hiểu biết rõ về các loại cổ phục giải thích cặn kẽ thêm nhằm giúp các bạn hiểu rõ hơn.

Cô Lê Hoàng Phi Yến – giáo viên môn ngữ văn Trường THCS Kiến Thiết – là người đề xuất dự án. Vốn là người yêu thích cổ phục nên cô cũng muốn học sinh tự hào về văn hóa, nắm được kiến thức về văn hóa – lịch sử Việt Nam.

“Dạy văn, học văn nhưng mình không chỉ chú trọng về mỗi kiến thức văn học, cách viết lách. Mình liên kết thêm kiến thức về sử, địa và văn hóa, để qua đó học sinh yêu thích môn ngữ văn, yêu thích văn hóa của Việt Nam, nhờ đó duy trì được những nét đẹp văn hóa của đất nước” – cô Yến chia sẻ.

Có những bạn học sinh trước đó rất rụt rè, ngại đám đông, nhưng sau khi tham gia dự án này, các bạn đã tự tin thuyết trình và thể hiện sự sáng tạo, chủ động của mình.

“Trước khi tham gia dự án, mình gần như không biết gì về cổ phục Việt, mình cũng e ngại khi phải trình bày trước nhiều người. Nhưng bị thu hút bởi những bộ cổ phục cô Yến mặc, mình đã quyết định tham gia thuyết trình” – bạn Mỹ Linh (lớp 8) vui mừng khi đạt điểm cao nhất trong phần thuyết trình.

Cô Yến mong muốn “đưa học sinh ra ngoài nhiều hơn, có sự liên kết thế giới bên ngoài với kiến thức ở sách vở”. Khi sinh hoạt trong câu lạc bộ, học sinh không chỉ được ôn lại những kiểu văn bản từng học mà còn được tiếp cận văn học bằng những phương pháp mới, tạo hứng thú và thỏa sức sáng tạo.

Những hoạt động của câu lạc bộ bao gồm ghi nhật ký khi tham gia, chia sẻ chuyện vui trong ngày, những kỷ niệm đẹp của mùa hè để rèn luyện làm văn tự sự, chơi “đánh cờ chữ” để tăng vốn từ, chơi trò “tả vật – đoán vật” để nâng cao khả năng miêu tả, thực hiện dự án để tập thuyết trình.

THU HƯƠNG
TTO