10/01/2025

Cần giữ ổn định tỉ giá và giá trị tiền đồng Việt Nam

Cần giữ ổn định tỉ giá và giá trị tiền đồng Việt Nam

Việt Nam cần tiếp tục kiên định sự ổn định của tỉ giá, nếu không cho đồng Việt Nam tăng giá thì thôi chứ không để cho đồng Việt Nam giảm giá, bởi kết quả kiềm chế lạm phát có sự “đóng góp thầm lặng” của chính sách tỉ giá.

 

Cần giữ ổn định tỉ giá và giá trị tiền đồng Việt Nam - Ảnh 1.

TS Trương Văn Phước nêu quan điểm về điều hành chính sách tiền tệ – Ảnh: VGP

Phát biểu tại cuộc họp ngày 12-9 do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình hiện nay, TS Trương Văn Phước – nguyên quyền chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia – cho hay có thể tin tưởng rằng tăng trưởng của Việt Nam trên 6,5%, thậm chí 7%; lạm phát có thể kiểm soát được.

 

Cần giữ ổn định tỉ giá, giá trị đồng tiền

Tỉ lệ lạm phát của Việt Nam kiểm soát được ở mức 3,6% so với đầu năm bắt nguồn từ hai kinh nghiệm là quản lý giá rất tốt và quản lý lãi suất. Đặc biệt là sự đóng góp rất thầm lặng của chính sách tỉ giá của Ngân hàng Nhà nước. Việc ổn định tỉ giá cũng ngăn ngừa sự tác động của lạm phát trên thế giới tới Việt Nam.

“Có rất nhiều ý kiến xung quanh câu chuyện này. Chắc chắn là ngày 21-9 tới, Mỹ tiếp tục tăng lãi suất, mà suy cho cùng phục vụ cho việc tăng tỉ giá. Tôi có ý kiến riêng là Việt Nam cần tiếp tục kiên định sự ổn định của tỉ giá. Nếu không cho đồng Việt Nam tăng giá thì thôi chứ không để cho đồng Việt Nam giảm giá” – ông Phước đề nghị.

GS Hoàng Văn Cường – phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế quốc dân – khuyến nghị cần thực hiện đúng chính sách điều hành tiền tệ linh hoạt nhưng không phải thắt chặt. Vì vậy cần bổ sung các công cụ để kiểm soát tăng trưởng tín dụng.

Nêu quan điểm từ nay đến cuối năm, áp lực về lạm phát không phải lớn, nhưng lớn nhất có lẽ là áp lực về kiểm soát tỉ giá, ông Cường đồng tình với ý kiến là không nên phá vỡ tỉ giá đồng tiền. Tức là phải kiên định giữ tỉ giá nhưng không có nghĩa là cứng nhắc mà phải linh hoạt với thị trường.

 

Cần có lộ trình bỏ room tín dụng

Đối với vấn đề cung ứng tiền và chính sách tiền tệ, ông Phước cho biết các quốc gia đều phải sử dụng chính sách tiền tệ trong tăng lãi suất và cung ứng tiền để kiểm soát lạm phát.

Ở Việt Nam, việc cung ứng tiền thể hiện qua room tín dụng là kênh chủ yếu cung ứng vốn cho nền kinh tế. Vì vậy, ông Phước cho rằng việc Ngân hàng Nhà nước thông báo bổ sung tăng trưởng tín dụng là rất thích hợp.

Tuy vậy, ông lưu ý cần theo dõi chặt chẽ để có lộ trình trong tương lai bỏ room tín dụng, tạo ra thanh khoản của thị trường thông qua nhiệm vụ bơm rút tiền thông qua buôn bán ngoại tệ cũng như các công cụ của thị trường mở để tạo mặt bằng lãi suất ổn định.

Cần giữ ổn định tỉ giá và giá trị tiền đồng Việt Nam - Ảnh 2.

Khách hàng giao dịch tiền đồng VN tại một ngân hàng ở TP.HCM – Ảnh: TỰ TRUNG

Chính sách tiền tệ cần phải định hướng dòng chảy tín dụng qua các hệ số rủi ro. Thí điểm cơ chế trái phiếu gắn với tài sản đảm bảo, tránh tình trạng trái phiếu phát hành ra không có tài sản đảm bảo gây nên rủi ro khi hoàn trả.

Trong khi đó, ông Trần Du Lịch – thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia – cho rằng đã đến lúc chúng ta chuẩn bị kịch bản cho năm 2023 trên tất cả các lĩnh vực.

Đặc biệt lưu ý nền kinh tế Việt Nam hiện nay cần vốn, nhưng cái cần hơn, cấp thiết hơn là hấp thụ vốn. Vì vậy, chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ phải phối hợp tốt.

“Một vấn đề đặt ra hiện nay là có cần nới tín dụng hay không, trong đó có vốn cho thị trường bất động sản? Tôi nghĩ là không cần, vấn đề quan trọng là nguồn vốn ưu tiên cho lĩnh vực bất động sản nào, tín dụng bất động sản phải ưu tiên cho các dự án nhà ở xã hội, hạ tầng công nghiệp…” – ông Lịch khuyến nghị cần phát triển cân đối thị trường chứng khoán, trái phiếu và thị trường tiền tệ.

N.AN
TTO