10/01/2025

Xét tuyển đại học trực tuyến, nhóm ‘đỗ rồi thành chưa đỗ’ cần hướng giải quyết

Xét tuyển đại học trực tuyến, nhóm ‘đỗ rồi thành chưa đỗ’ cần hướng giải quyết

Nhiều thí sinh và phụ huynh phản ảnh việc gặp khó khăn khi nộp lệ phí tuyển sinh đại học trực tuyến, đăng ký nhầm, thậm chí không có tên trên hệ thống xét tuyển của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

 

 

 

Xét tuyển đại học trực tuyến, nhóm đỗ rồi thành chưa đỗ cần hướng giải quyết - Ảnh 1.

Thí sinh tìm hiểu nộp hồ sơ xét tuyển tại Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Thí sinh T.Q.T. (Vĩnh Long) năm nay nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển học bạ THPT vào Trường ĐH Nông lâm TP.HCM và nhận được tin nhắn “đủ điều kiện trúng tuyển ngành cảnh quan và kỹ thuật hoa viên” tại trường. Nhưng nay T. kiểm tra lại thông tin trên hệ thống xét tuyển của Bộ GD-ĐT thì… không thấy tên.

Bộ GD-ĐT nên đưa nhóm thí sinh đã đăng ký nguyện vọng nhưng chưa đóng tiền được vào xét tuyển. Có thể vì nguyên nhân chủ quan hoặc khách quan các em chưa đóng được lệ phí, để không để mất cơ hội vào đại học của các em.

Ông Trần Tiến Khoa (hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế – ĐH Quốc gia TP.HCM)

Cứ ngỡ đã trúng tuyển

T. cho hay do nhận được thông báo đã trúng tuyển sớm của trường nên không quan tâm đến việc đăng ký xét tuyển nữa. Tuy nhiên, sau khi được người thân ở TP.HCM gọi điện thoại nhắc phải đăng ký lại nguyện vọng trên hệ thống của Bộ Giáo dục và đào tạo, T. mới đăng ký.

“Khi đăng ký trên hệ thống theo các bước, đến khi thấy thông tin “Đã ghi nhận NV” nên tôi ngưng và nghĩ đã hoàn tất. Do điểm thi tốt nghiệp THPT của tôi không cao và đã trúng tuyển sớm bằng học bạ nên tôi chỉ đăng ký lại duy nhất một nguyện vọng trên hệ thống.

Nhưng giờ đăng nhập hệ thống kiểm tra lại thì không thấy thông tin gì. Tôi gọi hotline hỗ trợ thì được trả lời hệ thống đã đóng, không còn đăng ký gì được nữa. Vậy là coi như tôi rớt đại học dù đã đậu rồi”, T. nói.

Tương tự, thí sinh M.N. (Thái Nguyên) cũng đăng ký xét tuyển học bạ lại rơi vào tình huống khác. N. đăng ký xét tuyển theo phương thức học bạ kết hợp với hai nguyện vọng vào hai ngành của Trường ĐH Công nghệ giao thông và cũng đã nhận kết quả “đủ điều kiện trúng tuyển” vào ngành công nghệ kỹ thuật ô tô.

“Cứ nghĩ là mình đã trúng tuyển bên kia là yên tâm rồi. Khi đăng ký nguyện vọng trên hệ thống chung của bộ, tôi đăng ký vào ngành khác với ba nguyện vọng, nhưng không đăng ký lại nguyện vọng đã trúng tuyển sớm.

Tại vì lúc đấy tôi nghĩ hai phương thức khác nhau. Tôi tưởng mình đăng ký bên trường cũng sẽ gửi về bộ nên tôi không đăng ký nguyện vọng đã trúng tuyển nữa. Nay gọi hỏi trường mới biết đăng ký như vậy không hợp lệ, bắt buộc phải đăng ký nguyện vọng lại trên hệ thống nữa. Nên giờ trường bảo đợi đợt hai, nhưng khả năng trúng tuyển là rất ít” – N. nói.

 

Gửi đơn đến bộ trưởng

Trao đổi với Tuổi Trẻ, thí sinh K.N.V. – học sinh chuyên toán Trường THPT chuyên Lê Khiết (Quảng Ngãi) – cho biết đã hai lần gửi đơn đến bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo, vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học nhờ giúp đỡ vì đã đăng ký nhầm phương thức xét tuyển trên hệ thống của bộ.

“Dù đã nhận được phản hồi nhanh chóng từ Bộ Giáo dục và đào tạo, nhưng bộ bảo tôi đợi sau khi có điểm chuẩn rồi làm đơn gửi cho trường để được xem xét hoặc đợi xét tuyển đợt hai”, V. cho biết thêm.

Cũng theo K.N.V., trước đó thí sinh này có nguyện vọng đăng ký phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT kết hợp với chứng chỉ ngoại ngữ IELTS (mã phương thức 409). Nhưng khi thao tác trên máy tính đã chọn nhầm thành phương thức xét tuyển bằng kết quả học tập THPT và chứng chỉ quốc tế IELTS (mã phương thức 410) vào Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM).

Đến giai đoạn kiểm tra lại nguyện vọng trong những ngày kế cận trước khi đóng cổng tuyển sinh của Bộ GD-ĐT vào ngày 23-8, K.N.V. lại bị nhiễm COVID-19, sốt cao và phải tự điều trị và cách ly ở nhà ông bà nội ở huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi.

“Tại đây, tôi không có phương tiện truy cập mạng để kiểm tra lại thông tin đã đăng ký nên chỉ xác nhận với Bộ GD-ĐT bởi tin nhắn vì nghĩ mình đã đăng ký đúng phương thức xét tuyển. Đến ngày 29-8, tôi chỉ được biết phương thức xét tuyển của mình không hợp lệ khi nộp lệ phí xét tuyển.

Với phản hồi của bộ, hiện tôi càng hoang mang và lo lắng hơn, không thể nào bình tĩnh chờ kết quả điểm chuẩn tuyển sinh từ các trường. Mặc dù nhầm lẫn giữa hai mã của phương thức xét tuyển, nhưng không thể nào thông tin xét tuyển của tôi là ảo, không có trên hệ thống.

Nếu hệ thống đã loại bỏ phương thức xét tuyển nào thì sao vẫn còn hiện diện trên hệ thống để tôi vẫn nhầm lẫn khi vào chọn? Để giờ đây, mặc dù tôi đã hoàn thành chương trình THPT nhưng nay chỉ là một thí sinh ảo, không được xét các thủ tục tiếp theo để bước vào ngưỡng cửa đại học” – V. nói.

 

Cần có hướng giải quyết cho thí sinh

Lý giải về các trường hợp trên, ông Hứa Minh Tuấn – chuyên gia tuyển sinh đại học – cho rằng có thể thí sinh nộp hồ sơ đăng ký nguyện vọng xét tuyển bằng học bạ nhưng không nắm rõ quy định hoàn toàn mới mẻ của Bộ GD-ĐT năm nay, dẫn đến thực hiện không đúng và giờ phát hiện thấy không có tên trên hệ thống.

Bên cạnh đó, rất có thể nhiều thí sinh có đăng ký và đã biết sự thay đổi nhưng không rà soát lại lần cuối trước khi hệ thống đóng cổng. Hệ thống đăng ký có thể chưa phủ đều khắp toàn quốc, đường truyền nghẽn mạch gây khó khăn cho thí sinh khi đăng ký cũng như nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến.

“Theo tôi, Bộ GD-ĐT nên tổ chức bộ phận tiếp nhận thông tin từ các sở GD-DT (như đường dây nóng) để tiếp nhận thông tin và báo cáo, như vậy sẽ tránh thiệt thòi cho thí sinh” – ông Tuấn kiến nghị.

Ông Trần Tiến Khoa – hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) – đề nghị: “Bộ GD-ĐT nên đưa nhóm thí sinh đã đăng ký nguyện vọng nhưng chưa đóng tiền được vào xét tuyển. Có thể vì nguyên nhân chủ quan hoặc khách quan các em chưa đóng được lệ phí. Nhưng không để mất cơ hội vào đại học của các em.

Còn trường hợp thứ hai là đăng ký rồi mà không có tên thì thực sự không biết phải làm sao. Bộ phận phụ trách tuyển sinh nên phân tích tìm nguyên nhân, xem lại có phải lỗi của thí sinh không? Nếu lỗi không do thí sinh thì phải đưa thông tin các em vô để kịp xét tuyển”.

Ông Đỗ Văn Dũng – nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM – cho rằng đa số các trường đại học mấy năm qua tuyển sinh bằng nhiều phương thức.

Những thí sinh đã trúng tuyển bằng các phương thức ngoài điểm thi THPT chỉ cần gửi giấy chứng nhận kết quả thi THPT về trường để xác nhận việc học là đủ. Các trường chỉ cần quét mã và hệ thống sẽ không xét tiếp các em đã xác nhận.

“Quy trình này rất tốt và cần phải được duy trì. Những ai làm tuyển sinh lâu năm sẽ thấy rõ tuyển sinh là bài toán phức hợp, không thể quản lý theo kiểu hành chính.

Đối với thí sinh, việc lựa chọn các ngành trong một trường đã khó huống hồ chi lại bắt các em đi vào “mê hồn trận” với các phương thức khác nhau của tất cả các trường trên hệ thống; phải ghi mã ngành, mã trường, mã phương thức xét tuyển, mã tổ hợp xét tuyển… Cho nên đừng trách các em vì làm sai quy trình.

Với một dữ liệu khổng lồ và phức tạp về các phương thức và các ngành cũng gây ra những lỗi không đáng có, làm ảnh hưởng đến quyền lợi thí sinh như trường hợp có em đã đăng ký mà không thấy tên” – ông Dũng nhấn mạnh.

 

Bộ Giáo dục và đào tạo tiếp nhận thông tin để có hướng xử lý

Đại diện Bộ Giáo dục và đào tạo cho biết hiện nay đã hết thời gian thí sinh điều chỉnh thông tin và đang giai đoạn lọc ảo trên hệ thống. Do vậy với các trường hợp phản ảnh cụ thể, phải chờ cả hệ thống chạy hoàn tất mới có thể xem xét giải quyết.

Bộ hiện vẫn đang tiếp nhận thông tin phản ảnh từ thí sinh và phụ huynh về việc đăng ký xét tuyển, nộp lệ phí… Các trường đại học cũng sẽ tiếp nhận thông tin của thí sinh. Sau đó, bộ sẽ thống nhất cùng các trường để có hướng xử lý cho phù hợp.

TRẦN HUỲNH
TTO