Ukraine yêu cầu Mỹ cung cấp tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm xa
Ukraine yêu cầu Mỹ cung cấp tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm xa
Giới chức Ukraine kêu gọi Mỹ cung cấp cho nước này các hệ thống vũ khí tầm xa, trong bối cảnh quân đội Ukraine đang củng cố quyền kiểm soát vùng lãnh thổ đông bắc rộng lớn mà họ vừa giành lại từ Nga.
Danh sách vũ khí mà phía Ukraine yêu cầu Mỹ cung cấp bao gồm tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm xa, theo Đài Russia Today (Nga) ngày 13-9.
Washington trước đó đã từ chối gửi các loại vũ khí như vậy vì lo ngại xung đột với Matxcơva leo thang.
Hiện Mỹ đang sở hữu hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS), có thể được bắn bằng hệ thống pháo phản lực HIMARS và hệ thống phóng rocket đa nòng MLRS, có tầm bắn xa hơn đáng kể (khoảng 300km) so với các loại đạn pháo thông thường.
Tên lửa ATACMS nằm trong danh sách 29 loại hệ thống vũ khí và đạn dược mà Ukraine đang tìm cách nhận được từ Mỹ để chống lại Nga trong năm 2023, theo báo Wall Street Journal.
Ngoài ra, danh sách còn bao gồm xe tăng, máy bay không người lái, hệ thống pháo binh, tên lửa chống hạm Harpoon và 2.000 tên lửa thường dùng cho hệ thống HIMARS/MLRS.
Ngày 12-9, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết các lực lượng Ukraine đã đạt “tiến bộ đáng kể” với sự hỗ trợ của phương Tây, theo Hãng tin Reuters.
“Những gì họ đã làm được lên kế hoạch bài bản và dĩ nhiên nhờ sự hỗ trợ đáng kể từ Mỹ và nhiều quốc gia khác trong việc đảm bảo Ukraine có trong tay các thiết bị cần thiết để thực hiện cuộc phản công này”, ông Blinken nói.
Tuần trước, Washington đã công bố chương trình vũ khí mới nhất cho Ukraine, gồm đạn dược cho hệ thống chống tên lửa HIMARS. Trước đó, Washington từng gửi cho Kiev hệ thống tên lửa đất đối không NASAMS có khả năng bắn hạ máy bay.
Nga tuyên bố không rút quân khỏi Nhà máy Zaporizhzhia
Trong một diễn biến khác, ngày 12-9 giờ địa phương, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga không có kế hoạch rút quân khỏi Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở Ukraine, hiện do Matxcơva kiểm soát.
“Hiện tại không có cuộc thảo luận nào về việc rút quân khỏi Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Chỉ có thảo luận về việc buộc phía Ukraine ngừng pháo kích vào các cơ sở trong khu đất thuộc nhà máy, vốn có thể gây ra những hậu quả thảm khốc và đáng buồn”, ông Peskov nói.
Tuyên bố của Điện Kremlin được đưa ra sau khi Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) thông báo họ đã bắt đầu các cuộc tham vấn với Nga và Ukraine để thiết lập khu vực an toàn quanh Nhà máy Zaporizhzhia, theo Đài Russia Today.
Ông Peskov nói Nga một lần nữa kêu gọi “các quốc gia có ảnh hưởng đối với phía Ukraine” sử dụng ảnh hưởng đó “để ngăn chặn việc pháo kích diễn ra hằng ngày này”.
Zaporizhzhia – nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu – đã được Nga kiểm soát kể từ tháng 3-2022 song vẫn do các nhân viên người Ukraine điều hành.