10/01/2025

Nhiều hoá chất thế giới cấm, Việt Nam cho dùng

Nhiều hoá chất thế giới cấm, Việt Nam cho dùng

Hàng loạt loại mì Việt Nam bị các nước thu hồi vì chứa chất ethylen oxide (EO) gây xôn xao. Doanh nghiệp vẫn dùng chất này vì Việt Nam… chưa quy định. Tuổi Trẻ đi tìm hiểu thì còn hàng loạt chất như EO, nhiều nước cấm nhưng Việt Nam vẫn chờ.

 

Nhiều hóa chất thế giới cấm, Việt Nam cho dùng - Ảnh 1.

Các loại mặt hàng hóa chất, hương phụ liệu đựng trong các can nhựa nhếch nhác, mua bán tự do tại chợ Kim Biên (TP.HCM) – Ảnh: N.TRÍ

Phóng viên Tuổi Trẻ đã có hơn hai tuần nhập vai công nhân chế biến nông sản tại một công ty chế biến thực phẩm ở Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh, TP.HCM để tìm hiểu doanh nghiệp tận dụng triệt để hóa chất chưa được quy định để chế biến thực phẩm thế nào.

 

“Ở đây nhiều hoá chất”

Những ngày giữa tháng 7, tìm thông tin tuyển công nhân sơ chế rau củ quả trên mạng, chúng tôi tìm ra một loạt công ty tuyển dụng. Liên lạc qua điện thoại đến Công ty TNHH chế biến thực phẩm X.L (Khu công nghiệp Vĩnh Lộc) và được nhận việc luôn trong ngày.

Hai tháng học việc, lương 190.000 đồng/ngày. Công ty này chế biến thực phẩm với sản phẩm chính là tôm cuộn khoai tây, có hơn 400 công nhân. Gần căng tin là kho hóa chất khoảng 5m2, bên trong là khu chế biến thực phẩm. Chứng kiến anh T. (ngụ quận 12) đổ chất màu trắng ngâm khoai sợi, chúng tôi tò mò hỏi chất gì, anh này cười: “Muối để ngâm cho khoai trắng”.

Nhưng ở bước tiếp theo, anh H. (quê Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) cho nước vào cả ba bồn inox. Ở công đoạn này, trên các thành bồn có tới khoảng 20 hộp nhựa có nắp, chồng lên nhau, trong đó có một túi dạng bột màu trắng. Công nhân này đem ba túi bột đổ chung vào hai bồn, bồn thứ ba chỉ có nước bình thường.

Quá trình làm việc, anh H. vừa chia sẻ vừa đưa đôi tay bong tróc lên và nói: “Khoai tây sợi ngâm vào các bồn 15 phút để sợi khoai mềm, đều màu vàng. Sau đó sợi được vớt ra ngâm trong bồn nước bình thường. Trong hộp là muối, nghệ và túi nhỏ… hình như là hóa chất gì cũng không được biết. Tay của tôi bong tróc hết ra thế này”.

Lần tìm, mất một thời gian, chúng tôi đã phát hiện bao bột khoảng 10kg, tiếp cận thì bao được lộn rất kỳ công: nhãn mác bao bì bị lật ngược vào phía trong. Đối chiếu dòng chữ của nhãn bị lật ngược, đó là MgSO4.7H2O – Magnesium Sulphate, quy cách 25kg/bao; xuất xứ Trung Quốc.

Magnesium Sulphate còn gọi là muối Epsom, được dùng để điều chỉnh độ axit, chất làm rắn. Chất này không được phép ở EU và Mỹ. Còn Việt Nam cho phép dùng như chất phụ gia.

Đã có công nhân phải bỏ việc ở công ty trên vì không chịu nổi Magnesium Sulphate. Lần tìm lại, chúng tôi gặp anh N.V.T. (41 tuổi, quê Long An) có 21 năm làm ở Công ty TNHH chế biến thực phẩm X.L.. Anh cho hay đã làm ở đây từ lúc 18 tuổi. Bảo hiểm xã hội đóng được 19 năm 7 tháng, từ mức lương chỉ vài trăm nghìn đồng, đến gần 14 triệu đồng/tháng mà anh vẫn nghỉ.

“Tôi nghỉ vì chân bị giãn tĩnh mạch và môi trường tiếp xúc hằng ngày là hóa chất nên mũi bị viêm xoang”, anh T. nói.

“Bịch sunfat màu trắng, có lúc dạng cục, đập nát rồi mới cho vào nước ngâm”, anh T. kể và tỏ ra bất ngờ vì chất “Magnesium Sulfate” có trong danh mục cho phép và nói: Mùi hóa chất bốc hơi lên rất nhức đầu, đó là thực tế.

Nhiều hóa chất thế giới cấm, Việt Nam cho dùng - Ảnh 2.

Hóa chất trong hộp ghi “muối ngâm 15 phút” nhưng có đến ba hỗn hợp: muối, nghệ và túi bột trắng được sử dụng tại Công ty X.L. – Ảnh cắt clip: T.THƯƠNG

Nhiều chất các nước không dùng, Việt Nam vô tư

TS Huỳnh Tiến Đạt, giảng viên bộ môn hóa sinh thực phẩm và dinh dưỡng người, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho hay “magnesium sulfate heptahydrate có công thức hóa học là MgSO4.7H2O được sử dụng như một chất phụ gia với mã số INS (hệ thống đánh số quốc tế chất phụ gia) là 518 (FAO/WHO Food Standards Codex Alimentarius, 2019).

Ở Việt Nam, theo tiêu chuẩn Codex (tiếng Anh được gọi là Codex Alimentarius – hệ thống được xây dựng một cách khoa học, để ghi nhận và cập nhật những hiểu biết đã được các chuyên gia trên thế giới, bao gồm tất cả các nguy hại thực phẩm được biết đến) và thông tư 24/2019 của Bộ Y tế, chất phụ gia magnesium sulfate được sử dụng trong thực phẩm như là một tác nhân làm rắn chắc và điều vị.

Trong khi đó, ngày 2-10-2020, Văn phòng Liên bang về bảo vệ người tiêu dùng và an toàn thực phẩm (CHLB Đức) cảnh báo chống lại việc tiêu thụ đậu phụ từ nhà sản xuất Hankuk, có trụ sở tại Erlensee ở bang Hessen. Văn phòng Liên bang thông báo đậu phụ đóng gói sẵn, được đựng trong xô, có thể chứa các chất phụ gia thực phẩm không phù hợp với quy định tương ứng của Nghị viện châu Âu, chính là magnesium sulfate (muối Epsom) và axit boric.

Theo TS Lê Đức Dũng (Bệnh viện Đại học Wuerzburg, Đức, chuyên gia khoa học sức khỏe), khoai tây chiên sẵn chứa olony, một chất thay thế chất béo tổng hợp, theo một số thông tin, bị cấm ở Canada và châu Âu. Khoai tây nghiền ăn liền cũng bị cấm ở Nhật Bản và các nước châu Âu do thường sử dụng butylhydroxyanisole (BiT, A320) – một chất bảo quản có khả năng gây hại cho sức khỏe con người, theo Viện Y tế quốc gia Mỹ.

Ngoài ra, chất này cũng có thể tìm trong các sản phẩm khác như thực phẩm đông lạnh, xúp và xốt mayonnaise. Việt Nam chưa có quy định về chất này.

 

Vì sao nơi cấm, nơi không?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Trần Việt Nga, phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, cho biết Chính phủ đã có chỉ đạo Bộ Công Thương (bộ chủ quản nhóm sản phẩm mì gói gần đây bị thu hồi tại một số quốc gia, vùng lãnh thổ do tồn dư EO trong gói gia vị) xem xét, ban hành quy chế với EO tồn dư trong thực phẩm. Theo bà Nga, đến nay đã có một số quốc gia có quy chế này, nhưng một số thì chưa ban hành.

Về sản phẩm nguy cơ tồn dư EO, chuyên gia của Cục An toàn thực phẩm cho biết có một số sản phẩm sử dụng nguyên liệu nông nghiệp có nguy cơ, do sau khi thu hoạch có dùng chế phẩm bảo quản.

Lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho hay đến nay đã có một số quốc gia ban hành tiêu chuẩn với EO, nhưng Thái Lan chưa ban hành. Việt Nam áp dụng danh mục theo Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex) và Codex cũng chưa quy định tiêu chuẩn EO, nhưng Hàn Quốc, Nhật… đã có quy định. Nếu Việt Nam ban hành thì cần có nghiên cứu để đảm bảo khả thi.

Tuy nhiên không chỉ EO, hiện còn nhiều chất khác cũng đang trong tình trạng “nơi cấm, nơi không”, nguy cơ sẽ dẫn đến những vụ thu hồi tại các nước như mì gói vừa qua và gây lo ngại cho người tiêu dùng trong nước. Trả lời vấn đề này, đại diện Cục An toàn thực phẩm cho rằng việc bộ tiêu chuẩn các nước khác nhau là bình thường.

Lý do còn phụ thuộc thói quen ăn uống, lượng thực phẩm ăn vào ở mỗi quốc gia là khác nhau. Điểm khó khăn trong quản lý an toàn thực phẩm hiện nay tại Việt Nam là có tới… bốn bộ, ngành tham gia chính vào lĩnh vực này, gồm Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (mỗi bộ quản lý một số nhóm mặt hàng), Bộ Khoa học và Công nghệ (liên quan tiêu chuẩn, quy chuẩn), từ đó dẫn đến tình trạng “một miếng ăn bốn bộ quản”, nhiều mặt hàng không rõ bộ, ngành quản lý.

 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng dự thảo

Ông Nguyễn Như Tiệp, cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết thực hiện chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng dự thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc dự thảo quy định về mức giới hạn an toàn thực phẩm đối với các nhóm sản phẩm thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của bộ.

Sau khi hoàn thành, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chuyển Bộ Y tế để ban hành.

Về vấn đề quy định giới hạn an toàn thực phẩm thuộc ngành nông nghiệp quản lý hiện nay có đảm bảo trong khi nhiều quốc gia đang làm theo hướng nâng cao hơn và tới đây bộ có rà soát để đưa ra quy định mới, ông Tiệp cho biết bộ rà soát, cập nhật thường xuyên theo chuẩn mực thông lệ quốc tế.

“Theo hướng dẫn của Codex và Luật an toàn thực phẩm thì quy định của mỗi quốc gia phải hài hòa với chuẩn mực quốc tế và đáp ứng yêu cầu nước nhập khẩu. Việt Nam đã và đang thực hiện theo quan điểm, nguyên tắc này”, ông Tiệp nói.

CHÍ TUỆ

* TS Lê Đức Dũng (Bệnh viện Đại học Wuerzburg, Đức, chuyên gia khoa học sức khỏe):

 

Nên học hỏi quy định các nước phát triển

Mỗi quốc gia đều có các bảng quy định khác nhau và hướng dẫn về sử dụng chất phụ gia trong thực phẩm. Những quy định đó thường được đưa ra bởi các hội đồng chuyên môn.

Các nhà sản xuất thực phẩm đều phải sản xuất dựa theo các quy định của nước mà họ muốn bán. Với các nước hay khu vực phát triển như Mỹ, EU thường các chất phụ gia được nghiên cứu và đánh giá một cách kỹ càng, phức tạp và đòi hỏi phải có một nền khoa học phát triển.

Do vậy các quy định về chất phụ gia thường ở Mỹ, EU, Nhật Bản được đánh giá rất cao và cũng rất khắt khe. Các nước kém phát triển hơn hoàn toàn có thể học hỏi và cập nhật các quy định của mình dựa trên các quy định của các nước phát triển.

 

Dự kiến hết năm 2022 mới có dự thảo quản lý chất EO

QD_MiTom_8 4(Read-Only)

Nhiều sản phẩm mì gói khá nổi tiếng của Việt Nam bị một số nước thu hồi vì có chứa chất EO – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) cho hay hiện nay Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch và phân loại nhóm sản phẩm.

Điều này để làm cơ sở phân công cho các bộ quản lý chuyên ngành xây dựng chỉ tiêu sử dụng hợp chất trong sản xuất thực phẩm. Theo đó, bộ nào quản lý lĩnh vực nào sẽ chịu trách nhiệm xây dựng chỉ tiêu với từng sản phẩm và hiện các bộ đang xây dựng.

“Kế hoạch này đã được ban hành rồi và dự kiến đến hết năm 2022 các bộ, ngành mới có được dự thảo. Chỉ tiêu và mức giới hạn với hợp chất này sẽ do Bộ Y tế công bố, còn việc xây dựng thì sẽ do các bộ quản lý chuyên ngành như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Y tế thực hiện”, vị này cho hay.

Đại diện vụ này cũng cho biết để có dự thảo quản lý, hiện các đơn vị chuyên môn đang nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn làm cơ sở để xây dựng. Hiện cũng chưa có sơ kết đánh giá giai đoạn nên chưa thể thông tin được cụ thể những thuận lợi, khó khăn trong việc xây dựng các quy định về chỉ tiêu, cũng như chưa thể thông tin việc sẽ áp dụng theo quy định của quốc gia nào do Việt Nam cũng là một trong những thành viên tham gia Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm Codex quốc tế.

Theo quy trình, các bộ liên quan sẽ xây dựng dự thảo gắn với các ngành được phân công quản lý, sau đó gửi cho Bộ Y tế để tổng hợp.

Theo nghị định 15, Bộ Y tế sẽ quản lý các mặt hàng nước uống đóng chai, nước khoáng, thực phẩm chức năng, vi chất bổ sung…; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ quản lý các sản phẩm như ngũ cốc, thịt và các sản phẩm từ thịt, thủy sản, rau củ quả, trứng, sữa tươi nguyên liệu, thực phẩm biến đổi gene, gia vị, đường, trà, cà phê…; Bộ Công Thương sẽ quản lý các nhóm sản phẩm như bia, rượu, cồn, nước giải khát, sữa chế biến, dầu thực vật, bột và tinh bột (gồm mì ăn liền, bún, phở), bánh, mứt, kẹo…

N.AN

THẢO THƯƠNG – L.ANH
TTO