05/01/2025

Nam Ô – Ngôi làng huyền sử bên chân sóng: Kỳ lạ nơi dày đặc giếng Chăm

Nam Ô – Ngôi làng huyền sử bên chân sóng: Kỳ lạ nơi dày đặc giếng Chăm

Với cách tạo tác giếng hình vuông theo kiểu của người Chăm xưa, có lẽ Nam Ô (P.Hòa Hiệp Nam, Q.Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng) là nơi thuộc hàng nhiều giếng Chăm cổ nhất cả nước.

 

 

Giếng nước ngọt sát nước biển

Chúng tôi đã từng đi qua một số tỉnh vùng Trung bộ nhưng chưa ghi nhận nơi nào có tỷ lệ giếng cổ tập trung dày đặc như ở làng cổ Nam Ô, với 4 giếng còn hiện diện, 4 giếng đã bị vùi lấp. Trong số đó, giếng Lăng nay đã được công nhận là di tích trong cụm 7 di tích cấp TP tại Nam Ô là đặc biệt nhất, dù đây không phải là giếng cổ nhất của làng. Tên gọi giếng Lăng xuất phát từ vị trí của giếng nằm ngay sát bên di tích lăng cá ông được lập từ hàng trăm năm qua.

Nam Ô - Ngôi làng huyền sử bên chân sóng: Kỳ lạ nơi dày đặc giếng Chăm - ảnh 1
Một giếng Chăm bị cải tạo một cách thô bạo trong lịch sử khiến nhiều người xót xa  HOÀNG SƠN

Theo ghi nhận, mặc dù giếng đã trải qua nhiều đợt tu bổ nhưng vẫn giữ được những thành phần cấu trúc cơ bản của giếng Chăm cổ với lòng giếng và thành giếng đều có thiết kế hình vuông, 4 trụ gắn 4 miếng đá nguyên khối. Khảo tả của nhà nghiên cứu Võ Văn Thắng (nguyên Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng) và các cộng sự cho thấy lòng giếng có kích thước 0,87 x 0,87 m, ghép bằng các phiến đá. Từ mặt phiến đá trên cùng đến đáy giếng đo được 4,45 m, gồm 11 phiến đá. Đỉnh trụ đá góc có hình chóp nhọn, cao hơn mặt phiến đá trên cùng 0,53 m.

Theo ông Đặng Dùng, một người am tường sử làng Nam Ô và thông hiểu chữ Hán, những chữ Hán trên lạc khoản ở thành giếng Lăng cho thấy giếng được tu bổ vào tháng 6, năm Bảo Đại thứ 9 (1934). “Giếng Lăng đã được người làng Nam Ô trân trọng và gìn giữ cẩn thận. Về các giếng vuông cổ bằng đá thanh, hiện vẫn chưa có một nghiên cứu, khảo sát rốt ráo của các nhà chuyên môn nhằm kết luận là của người Chăm hay người Việt. Nhưng dù thế nào thì các giếng cổ đóng vai trò hết sức quan trọng trong đời sống cư dân miền biển Nam Ô”, ông Dùng nói.

Trải qua hàng trăm năm tồn tại, nhưng mới đây khi được nạo vét, giếng Lăng lại cho mạch nước ngọt ngon, mát lành. Điều kỳ lạ, dù giếng Lăng thuộc hàng giếng gần mép biển nhất hiện nay với khoảng cách chỉ vài chục mét nhưng hoàn toàn không có vị lợ hoặc bị nhiễm phèn. Nhiều người trong làng truyền rằng, ngày xưa, người nào bị đau bụng, đầy hơi, khó tiêu… chỉ cần ra giếng múc vài ngụm nước để uống là khỏi.

Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, cho rằng với những đặc điểm lịch sử, đặc điểm kiến trúc, giếng vuông ở làng Nam Ô là do người Chăm tạo tác và có sự tiếp biến của người Việt trong diễn trình Nam tiến. “Ngày xưa, người Chăm đã chọn vị trí đào giếng cực kỳ công phu, phức tạp… Để biết chỗ nào có nước dùng được, đó là cả một công trình nghiên cứu về địa chất, thủy lợi… Những nơi có giếng Chăm đều cho nước cực kỳ ngon. Tại TP.Đà Nẵng, người làng Xuân Thiều đào giếng nào là nhiễm phèn giếng đó, riêng giếng Chăm thì lại cho vị mát lành kỳ lạ”, ông Thiện nói.

Nam Ô - Ngôi làng huyền sử bên chân sóng: Kỳ lạ nơi dày đặc giếng Chăm - ảnh 2
Giếng Lăng được khẳng định là một di tích hàng trăm năm tuổi của người Chăm, hiện vẫn cho mạch nước ngon ngọt

Bảo tồn, phục hồi giếng cổ

Khi khảo sát về giếng cổ ở Nam Ô, nhà nghiên cứu Võ Văn Thắng cũng thận trọng trong cách gọi những giếng vuông ở Đà Nẵng là “giếng cổ có nguồn gốc Chăm”. Theo ông, hiện nay, trên địa bàn TP cũng như một số địa phương khác ở miền Trung có một số giếng cổ khó xác định chính xác niên đại mặc dù người dân địa phương vẫn gọi là giếng Hời hay giếng Chăm. Để có thể phân biệt giếng cổ có nguồn gốc Chăm và giếng do người Kinh tạo tác thời kỳ sau, ông cùng các cộng sự đã so sánh các đặc điểm khác biệt của loại giếng tiêu biểu ở địa bàn người Kinh và loại giếng tìm thấy ở khu vực di tích Chăm và ở khu dân cư người Chăm Ninh Thuận.

Từ những khảo sát, ghi chép và đối chiếu, ông Thắng nhận định rằng, truyền thống khai thác nước ngầm của người Kinh ở đồng bằng Bắc bộ chủ yếu là đào và xây lòng giếng hình tròn, bằng gạch. Trong khi đó cư dân Chăm Pa khu vực ven biển Trung bộ có truyền thống đào và xây lòng giếng hình vuông, ghép bằng các phiến đá hoặc gỗ. Trong quá trình chuyển dịch cư trú, các truyền thống riêng được tiếp thu, sử dụng đan xen giữa những cộng đồng cư dân. Ở khu vực miền Trung, có những trường hợp lòng giếng “trên tròn, dưới vuông” hoặc “trên vuông, dưới tròn”. Cụ thể là do quá trình cải tạo của người Kinh xây thêm miệng giếng tròn trên phần giếng vuông, hoặc lồng bi giếng tròn vào dưới lòng giếng vuông.

Ông Đặng Dùng cho hay với cách tạo tác giếng bằng những tấm đá thanh chồng ghép lên nhau thì Nam Ô có đến 8 cái. Ngoài giếng Lăng còn có giếng Đình, được cho là cổ nhất, bởi trước đây những cụ già am hiểu chữ Hán còn đọc được nét khắc trên thành giếng “Dương Hòa nguyên niên – Ất Hợi tuế – Lục nguyệt tạo”, niên đại năm 1635. Giếng thứ 3 là giếng Thành Cung với mục đích cấp nước cho một cung ngày xưa, thành giếng ghi “Gia Long thập tứ niên, Ất Hợi tuế – Lục nguyệt tạo” (1815). Giếng thứ 4 là giếng Bà Bang ở phía tây đường Nguyễn Lương Bằng ngày nay.

Bốn giếng Chăm cổ khác đã bị vùi lấp, gồm giếng Cồn Trò, giếng Chùa, giếng Bà Tú Lâm và giếng ở bến đò Cu Đê. Trong số này, đáng tiếc nhất là giếng Đình đã bị lớp bê tông phủ bọc dù thành giếng vuông vẫn còn rất rõ. Còn dưới đáy giếng thì ngổn ngang rác thải. Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện cho biết trước thực trạng một số giếng vuông cổ bị xâm hại, bảo tàng đã hướng dẫn người dân gìn giữ và sắp tới có hướng khôi phục các giếng đưa vào sử dụng, khai thác du lịch. “Năm 2023, chúng tôi sẽ đồng loạt khảo sát và phục hồi các giếng Chăm, không riêng gì ở Nam Ô mà trên toàn TP”, ông Thiện thông tin thêm.

(còn tiếp)

HOÀNG SƠN

TNO