06/01/2025

Hà Lan dẫn đầu EU về nhập khẩu thuỷ sản của Việt Nam

Hà Lan dẫn đầu EU về nhập khẩu thủy sản của Việt Nam

Hà Lan sẵn sàng cùng Việt Nam chung tay phát triển thuỷ sản bền vững, tăng khả năng cạnh tranh trong bối cảnh nước này tiếp tục dẫn đầu EU về nhập khẩu thủy sản của Việt Nam

 

 

Thuỷ sản ĐBSCL mạnh nhưng nhiều thách thức

Ngày 7.9, tại Cần Thơ diễn ra diễn đàn giao thương phát triển thuỷ sản bền vững doanh nghiệp Việt Nam – Hà Lan năm 2022. Diễn đàn do Đại sứ quán và Tổng Lãnh sự quán Hà Lan tại Việt Nam cùng các đối tác tổ chức nhằm tăng cường xúc tiến thương mại và đầu tư, trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ phát triển thủy sản bền vững tại Việt Nam.

Theo ông Vũ Thanh Liêm, Phó vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế thuộc Bộ NN-PTNT, nuôi thuỷ sản đã trở thành ngành kinh tế đặc biệt quan trọng của ĐBSCL, khi chiếm 56% sản lượng thủy sản đánh bắt và 70% sản lượng thủy sản nuôi trồng của cả nước. Hiện ở ĐBSCL đã có nhiều mô hình nuôi thủy sản theo chiều sâu như nuôi thâm canh, công nghệ cao đang phát triển mạnh mẽ, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm thủy sản Việt Nam.

Hà Lan dẫn đầu EU về nhập khẩu thủy sản của Việt Nam - ảnh 1
Chế biến tôm xuất khẩu tại ĐBSCL  ĐÌNH TUYỂN

Hiện tại, EU là một trong năm thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Ước tính các quốc gia EU có nhu cầu nhập khẩu thủy sản hàng năm lên tới 50 tỉ USD. Trong đó, Hà Lan là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam tại EU và lớn thứ sáu trên toàn cầu. Năm 2021, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước đạt 8,373 tỉ USD, tăng 9,4% so với năm 2020.

Tuy nhiên, theo nhiều đại biểu, ĐBSCL đang đối diện nhiều thách thức, nhất là tác động của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn và thời tiết cực đoan. Cùng với đó là tình trạng xuất khẩu manh mún, nhỏ lẻ vẫn phổ biến làm hiệu quả kinh tế thấp và thiếu bền vững… Bên cạnh là các vấn đề như lạm dụng hóa chất kháng sinh, thức ăn chăn nuôi để gia tăng sản lượng thuỷ sản nuôi đang đe doạ rất lớn đến tính bền vững của môi trường.

 

Cần chú trọng môi trường

Đại diện Liên minh ngành hàng ưu tiên trong lĩnh vực nông sản thực phẩm Hà Lan đưa ra khuyến nghị, để nông dân và doanh nghiệp ngành thủy sản thu nhập ổn định, Việt Nam cần hướng đến phát triển ngành thủy sản bền vững. Trước hết là nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường thích ứng với biến đổi khí hậu, cùng với đó là không ngừng áp dụng, cải thiện và sáng tạo hơn nữa về công nghệ trong nuôi trồng, chế biến thủy sản xuất khẩu.

Chia sẻ về nuôi tôm tại diễn đàn, TS.Nguyễn Thanh Mỹ, Tập đoàn Mỹ Lan (Trà Vinh), cho rằng quan trọng nhất của nuôi tôm là nguồn nước, đặc biệt là xử lý nước thải. “Phải làm sao để nước thải từ ao tôm ra môi trường sạch hơn nguồn nước đầu vào chứ không phải bỏ ra cả ngàn tỉ đồng để kéo ống ra ngoài biển lấy nước sạch nuôi tôm rồi sau đó xả nước thải làm ô nhiễm cả đồng bằng”, ông Mỹ nói và cho rằng có thể đặt hàng ngay những công nghệ giải quyết khâu nước thải từ chính các đối tác phát triển như Hà Lan.

Hà Lan dẫn đầu EU về nhập khẩu thủy sản của Việt Nam - ảnh 2
TS. Nguyễn Thanh Mỹ giới thiệu về mô thức nuôi tôm thâm canh giàu oxy công nghệ số của Tập đoàn Mỹ Lan (Trà Vinh)  ĐÌNH TUYỂN

Trong khi đó, ông Huỳnh Văn Tấn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần chế biến thủy sản và xuất nhập khẩu Cà Mau (Camimex), cho biết từ năm 2000, đơn vị này đã kết hợp với người dân triển khai mô hình nuôi tôm sinh thái và đang gặt hái thành công. Giá trị nổi bật của mô hình này là không sử dụng thức ăn, không hóa chất, kháng sinh, tức “zero” đầu vào, nhưng vẫn đảm bảo gia tăng thu nhập và bảo vệ được môi trường. “Trước đây, người dân muốn khai thác rừng để nuôi tôm (nuôi tôm thâm canh – PV). Nhưng khi họ tham gia nuôi tôm sinh thái thì sẽ bảo vệ rừng bởi để nuôi được tôm sinh thái, diện tích rừng luôn phải đảm bảo”, ông Tấn nói.

Hà Lan dẫn đầu EU về nhập khẩu thủy sản của Việt Nam - ảnh 3
Tổng Lãnh sự Hà Lan Daniel Coenraad Stork cho rằng Hà Lan sẵn sàng hợp tác chung sức cùng Việt Nam phát triển ngành thủy sản bền vững nhằm tăng khả năng cạnh tranh của thủy sản của Việt Nam  ĐÌNH TUYỂN

Tổng Lãnh sự Hà Lan Daniel Coenraad Stork cho rằng, Việt Nam có đầy đủ tiềm năng để trở thành nhà cung cấp thủy sản bền vững trong bối cảnh thế giới đối mặt với những thách thức về an ninh lương thực khi dân số ngày càng gia tăng. Hà Lan sẵn sàng hợp tác chung sức cùng Việt Nam dưới góc độ như đổi mới bền vững, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ và phương pháp tiếp cận toàn diện.

Cũng theo Tổng Lãnh sự Hà Lan, hai nước có mối quan hệ hợp tác lâu dài và chặt chẽ, đặc biệt là trong chiến lược tiếp cận tổng hợp liên ngành nước – nông nghiệp – hậu cần nông nghiệp, cũng như phát triển chuỗi giá trị bền vững ở ĐBSCL. “Chính vì vậy, chúng ta sẽ cùng nhau hợp tác để đưa ra những giải pháp bền vững nhằm tăng khả năng cạnh tranh của ngành nuôi trồng thủy sản của Việt Nam trên thị trường toàn cầu, đồng thời quan tâm tới người dân và bảo vệ thiên nhiên của ĐBSCL”, ông Daniel Coenraad Stork nói.

ĐÌNH TUYỂN

TNO