18/01/2025

Doanh nghiệp vận tải đường bộ than khó vì giá dầu đã tăng mà còn thiếu hàng

Doanh nghiệp vận tải đường bộ than khó vì giá dầu đã tăng mà còn thiếu hàng

Mức tăng giá dầu từ ngày 5-9 vẫn nằm trong biên độ giá cước mà doanh nghiệp vận tải đã tính toán, nên chưa tác động đến việc tăng giá cước vận tải. Tuy nhiên, giá dầu tăng khiến doanh nghiệp vận tải vốn “đói hàng” lên biên giới càng lao đao.

 

Doanh nghiệp vận tải đường bộ than khó vì giá dầu đã tăng mà còn thiếu hàng - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp có nhiều xe tải loại lớn đang thêm chi phí hơn 19 triệu đồng tiền dầu nếu chạy một vòng từ TP.HCM đến Lạng Sơn và ngược lại – Ảnh: TUẤN PHÙNG

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Hà Xuân Quỳnh – giám đốc Công ty TNHH Thống Nhất (Bắc Giang) – cho biết giá dầu diesel tăng 1.430 đồng từ ngày 5-9 gây áp lực lớn lên doanh nghiệp vận tải, trong bối cảnh nhu cầu chở hàng xuất nhập khẩu qua biên giới phía Bắc giảm sút.

Theo ông Quỳnh, doanh nghiệp của ông chủ yếu chở hàng bằng xe tải loại lớn từ phía Nam ra biên giới phía Bắc. Nhưng mấy tháng nay phía Trung Quốc hạn chế xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới để phòng, chống dịch COVID-19 khiến nguồn hàng trở nên khan hiếm.

“Một xe chạy từ TP.HCM ra Lạng Sơn và ngược lại có hành trình khoảng 3.400km. Một xe tốn 40 lít dầu cho 100km thì với quãng đường 3.400km mỗi xe tốn thêm hơn 19 triệu đồng khi giá dầu tăng 1.430 đồng/lít.

Do thiếu hàng, các nhà xe cũng nhìn nhau về giá cước, nên nếu có hàng để chở một chiều thì cũng thiệt hại nặng khi giá dầu tăng. Vì vậy, nhiều xe chạy trên tuyến Bắc – Nam đến biên giới phía Bắc phải nằm bãi” – ông Quỳnh cho biết.

Theo ông Quỳnh, trong bối cảnh vận tải đường bộ khó khăn vì giá dầu tăng, cảnh sát giao thông cần duy trì liên tục và xử lý triệt để xe chở quá tải, cơi nới thùng xe. Bởi vì, nhà xe nào chở quá tải sẽ tính giá cước thấp dẫn tới cạnh tranh thiếu lành mạnh, làm khổ doanh nghiệp làm ăn chân chính, chở đúng tải.

“Thứ hai, xe chở quá tải phá hỏng hết cầu đường. Tôi là chủ doanh nghiệp vận tải nhưng đề nghị cảnh sát giao thông làm triệt để và duy trì liên tục chống xe quá tải, chứ không làm theo chiến dịch. Xử lý nghiêm những ai bảo kê cho xe quá tải hoạt động” – ông Quỳnh nói.

Ông cho rằng, chống xe quá tải để không cạnh tranh méo mó về giá cước cũng giúp doanh nghiệp vận tải bớt khó khăn khi giá dầu tăng.

Đại diện một doanh nghiệp có hơn 20 đầu xe giường nằm chạy tuyến Vinh – Hà Nội cho biết giá dầu tăng khiến các doanh nghiệp có xe khách chạy bằng dầu tăng thêm chi phí. Nhưng trong bối cảnh giá vé đã tăng trước đó, các nhà xe vẫn đang chịu đựng và hy vọng giá dầu giảm trong kỳ điều chỉnh tới.

Theo ông Nguyễn Văn Quyền – chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, thông thường khi tính giá cước dựa trên các yếu tố đầu vào, doanh nghiệp vận tải thường tính trên cơ sở dự báo chu kỳ tăng giá nhiên liệu trong 1 – 2 tháng tới để có biên độ dao động phù hợp.

Do vậy, mức tăng giá dầu từ ngày 5-9 vẫn nằm trong biên độ giá cước mà doanh nghiệp vận tải đã tính toán nên chưa tác động đến việc tăng giá cước vận tải.

“Giá cước bao gồm nhiều chi phí đầu vào, ngoài xăng dầu tác động trực tiếp còn có các yếu tố cung – cầu, sự cân đối hàng hóa chiều đi, chiều về. Nếu cả hai chiều đều có hàng thì giá cước sẽ rẻ hơn chỉ chở hàng một chiều, chiều có nhiều hàng thường có giá cước cao hơn chiều ít hàng.

Thị trường có thể điều chỉnh nhỏ lẻ nhưng xu hướng chung là tính toán theo biên độ chứ không phải tăng giảm giá nhiên liệu một chút là điều chỉnh giá cước ngay.

Vận tải đường bộ có nhiều đặc thù so với lĩnh vực khác nên mức tăng giá dầu 1.430 đồng thì cá nhân tôi nhận định là giá cước vẫn nằm trong biên độ tính toán trong một chu kỳ nào đó của doanh nghiệp nên chưa tính đến việc tăng giá cước. Vì mỗi lần tăng giá cước có nhiều vấn đề, trong đó có việc thương thảo với chủ hàng” – ông Quyền nhận định.

TUẤN PHÙNG
TTO