06/01/2025

76 mã vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng Việt Nam được xuất sang Trung Quốc

76 mã vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng Việt Nam được xuất sang Trung Quốc

Sau khi kiểm tra trực tuyến, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã chấp thuận 51 mã vùng trồng và 26 cơ sở đóng gói trái sầu riêng của Việt Nam được phép xuất khẩu sang nước này.

76 mã vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng Việt Nam được xuất sang Trung Quốc - Ảnh 1.

51 mã vùng trồng và 26 cơ sở đóng gói trái sầu riêng của Việt Nam được phép xuất khẩu sang Trung Quốc – Ảnh: TTO

Sáng 8-9, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Ngô Xuân Nam – phó giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (gọi tắt là Văn phòng SPS Việt Nam) – cho biết Tổng cục Hải quan Trung Quốc vừa có thông báo 51 mã số vùng trồng và 25 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam đủ đáp ứng yêu cầu của nghị định thư, đồng thời chấp thuận để sản phẩm sầu riêng từ các cơ sở này xuất khẩu sang nước họ.

Theo ông Nam, danh sách các mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói được Hải quan Trung Quốc công bố là kết quả của việc đánh giá toàn diện bởi các chuyên gia Trung Quốc, kết hợp kiểm tra video và xem xét tài liệu trong tổng số 126 mã số vùng trồng và 44 mã số cơ sở đóng gói do Việt Nam đề xuất.

Phía Trung Quốc cũng cho biết trong nhóm chưa đáp ứng yêu cầu, 50 mã số vùng trồng và 11 mã số cơ sở đóng gói cần cung cấp thêm tài liệu xác minh. Phía bạn cam kết sẽ xem xét đánh giá những mã số này, sau khi họ hoàn thành việc rà soát, khắc phục. Đồng thời, phía bạn cũng khuyến cáo 3 vấn đề.

Thứ nhất, một số vườn trồng còn lẫn các loại cây khác ngoài sầu riêng như ngô, cà phê, ổi… không có biện pháp ngăn chặn sự lây nhiễm chéo và lây lan của sâu bệnh giữa các loài khác nhau. Một số vườn cây ăn trái chưa thực hiện giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thậm chí có tham gia dự án giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nhưng kết quả giám sát chưa rõ…

Thứ hai, trình độ quản lý của các cơ sở đóng gói còn có sự chênh lệch lớn, một số nhà xưởng đã cũ, vệ sinh môi trường tổng thể kém, khu vực nhà máy gần với khu sinh hoạt. Một số nhà máy đóng gói không vệ sinh bụi và sinh vật gây hại khi cọ rửa bề mặt sầu riêng, việc giám sát dịch hại không được thực hiện.

Thứ ba, một số vùng trồng và cơ sở đóng gói còn lơ là trong công tác phòng chống virus SARS-CoV-2 khi không có dụng cụ rửa tay.

Về tổng thể, Trung Quốc đánh giá công tác kiểm dịch, giám sát được thực hiện tốt. Hệ thống phòng ngừa và kiểm soát COVID-19 của doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn. Về cơ bản, sầu riêng Việt Nam đáp ứng được các yêu cầu về nhập khẩu, cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm của phía bạn.

“Kết quả này có được là nhờ sự vào cuộc rất tích cực và có hiệu quả của Tổng cục Hải quan Trung Quốc và về phía Việt Nam là sự chỉ đạo quyết liệt của Cục Bảo vệ thực vật, sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương, đặc biệt là sự chuẩn bị rất tốt của các nhà vườn, doanh nghiệp về các điều kiện đáp ứng quy định của thị trường Trung Quốc” – ông Nam nói thêm.

CHÍ TUỆ
TTO