01/01/2025

Chủ động bỏ đại học, chọn trường nghề

Chủ động bỏ đại học, chọn trường nghề

Trong hơn 320.000 thí sinh không xét tuyển đại học năm nay, rất nhiều bạn trẻ đã chủ động chọn học các trường nghề (cao đẳng, trung cấp) thay vì xem đại học là “con đường duy nhất”.

Chủ động bỏ đại học, chọn trường nghề - Ảnh 1.

Sinh viên nghề học thực hành tại Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng – Ảnh: TRỌNG NHÂN

Mình nghĩ không nên cố vào được một trường đại học nào đó nhưng lại học một ngành bản thân không thật sự thích, không thật sự có tố chất. Ngược lại nếu học được ngành đúng với định hướng của mình thì mình thấy sẽ có nhiều cơ hội thành công hơn nếu mình biết cố gắng.

Nguyễn Ngọc Tố Quyên (cựu học sinh Trường THPT Thủ Đức với điểm xét tốt nghiệp 8,46, tân sinh viên Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức)

Đặc biệt, không ít trong số những thí sinh này là học sinh giỏi, có điểm thi tốt nghiệp THPT hay điểm học bạ “dư sức” trúng tuyển đại học nhưng vẫn chọn một con đường khác.

 

Đi ngược số đông?

Lê Việt Khanh (18 tuổi) là cựu học sinh giỏi trong cả ba năm học tại Trường THPT Sông Ray, Đồng Nai. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, Khanh đạt 25,05 điểm cho khối A1 (toán – vật lý – Anh văn), mức điểm có thể trúng tuyển vào nhiều đại học, kể cả các trường tốp trên.

Dù vậy, Khanh lại khiến gia đình và bạn bè bất ngờ khi quyết định chọn cao đẳng – bậc học trước nay không ít người thường nghĩ chỉ là “vé vớt” cho những thí sinh rớt đại học.

Khanh tâm sự ba mẹ nghe người này người kia chia sẻ đủ thứ, rồi cũng về khuyên Khanh nên đi học đại học sẽ tốt hơn. Nhưng Khanh lượng sức thấy điểm số dù khá ổn nhưng rất khó đậu vào ngành công nghệ thông tin ở các trường top. Nếu vẫn muốn vào những trường này, Khanh sẽ phải chọn một ngành khác có điểm “nhẹ” hơn nhưng sẽ không đúng nguyện vọng của ban đầu.

“Còn nếu vẫn muốn học công nghệ thông tin, mình thấy thay vì học đại học tầm trung, đại học tư thì có thể học cao đẳng. Sau khi tham khảo nhiều nơi, mình thấy hệ cao đẳng học nhanh hơn, thực hành nhiều hơn và có thêm thời gian thực tập tại các công ty, vì vậy mình chọn học” – Khanh, tân sinh viên Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức, cho biết.

Trong khi đó, Nguyễn Bảo Ngọc – cựu học sinh Trường THPT Diệp Minh Châu (Bến Tre) – là một trong hơn 30 vạn thí sinh không nhập nguyện vọng xét tuyển đại học năm nay. Với điểm trung bình lớp 12 đạt 8,4 và điểm trung bình cả ba năm phổ thông đạt 9,04, Ngọc có nhiều lựa chọn xét học bạ vào đại học nhưng đã từ bỏ “thẳng thừng”.

Thích đi đây đi đó, Ngọc “chốt” từ đầu lớp 10 sẽ theo ngành du lịch lữ hành và lên chiến lược tìm trường từ sớm.

“Năm nay, mình thấy các trường đại học tăng học phí mạnh quá. Hiện tại mình thấy các trường đại học lấy tiền học ít nhất cũng trên 20 triệu đồng/năm, phổ biến ở mức khoảng 30-40 triệu đồng/năm. Còn các trường cao đẳng mới có mức dưới 20 triệu đồng/năm. Học phí cũng là một trong những lý do chính mình chọn học cao đẳng” – cô tân sinh viên Trường CĐ Du lịch Sài Gòn cho biết.

Bao giờ hết “sính” đại học?

TS Trần Thanh Hải – hiệu trưởng Trường CĐ Viễn Đông – cho rằng việc ngày càng nhiều thí sinh nhận ra được những giá trị riêng của hệ cao đẳng, trung cấp là một tín hiệu đáng mừng cho những nỗ lực của giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam trong thời gian qua. Sự chuyển biến này có sự “góp sức” không nhỏ của dịch COVID-19.

Theo ông Hải, sau giai đoạn cao điểm dịch bệnh, nhận thức của người dân ở nhiều nơi, không chỉ ở trong nước, đã thay đổi rất nhiều. Không ít bạn trẻ có xu hướng thích “tự lập” nhanh chóng về chuyện nghề nghiệp, để sớm tham gia thị trường lao động, từ đó tự chủ được cuộc sống của mình và có khả năng chống chịu trước các bất trắc như đại dịch.

ThS Ngô Thị Quỳnh Xuân – hiệu trưởng Trường CĐ Du lịch Sài Gòn – cho rằng theo quan sát, hiện tại nhiều gia đình vẫn chưa thật sự hồi phục kinh tế hoàn toàn sau đại dịch, chưa kể thêm những biến động về giá cả trên thị trường. Vì vậy, trong những chuyến tư vấn tuyển sinh, cô Xuân nhận thấy nhiều thí sinh cảm nhận được trách nhiệm của mình với gia đình.

“Trách nhiệm” ở đây không hẳn là chọn trường có học phí rẻ, mà là chọn trường đúng với mục đích năng lực, định hướng của bản thân để ra trường dễ kiếm việc làm và giúp đỡ lại cho gia đình. Tâm lý học gì cũng được, miễn là “có tiếng” học đại học, đã có chiều hướng giảm nhiều.

Tuy nhiên, theo ông Lê Vũ Hùng – hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ thông tin TP.HCM, dù đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng tư duy bằng mọi giá phải vào đại học vẫn còn phổ biến ở nhiều địa phương.

Tâm lý “sính” bằng đại học trước hết từ phía các phụ huynh sau đó tác động ngược trở lại học sinh. Câu nói “cửa miệng” vẫn thường nghe thấy ở nhiều bậc cha mẹ là “nghèo thì nghèo vẫn cho con vào đại học”.

“Các trường nghề cần có lộ trình để tiếp tục nâng cao chất lượng, bắt đầu ở việc có được những giảng viên giỏi, kế đó tận dụng những kết nối sẵn có với các doanh nghiệp để cải thiện chương trình và cơ sở vật chất. Từ đó, sức hấp dẫn của trường cao đẳng, trung cấp trong mắt người học sẽ là một mô hình đào tạo trong thời gian ngắn (không quá ba năm) nhưng chất lượng và đi liền với doanh nghiệp” – ông Hùng nói.

 

Xu hướng có thể lan rộng

TS Trần Thanh Hải cho rằng xét về mặt vĩ mô, việc thực hiện chương trình phổ thông mới cho lớp 10 từ năm 2022 – 2023 và việc phân luồng cho học sinh theo học hệ giáo dục nghề nghiệp nhìn chung có những “mẫu số chung”. Đó là chuyện hướng học sinh tới những con đường sẽ “vào đời” khác nhau nhưng thích hợp nhất với thiên hướng và năng lực của mỗi bạn trẻ.

Ông Hải cho biết thêm hiện tại Chính phủ đang tạo nhiều điều kiện cho những bạn học nghề sau THCS.

Cuối tháng 8 vừa qua, Văn phòng Thủ tướng Chính phủ cũng đã phát đi kết luận của Thủ tướng yêu cầu tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ trì dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông, theo hướng vừa đẩy mạnh phân luồng, vừa đảm bảo chuyện học nghề và học văn hóa ngay tại cơ sở của các em.

“Đây cũng là một trong nhiều hướng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có thể tiếp cận trong thời gian tới” – ông Hải nói.

TRỌNG NHÂN
TTO