24/11/2024

Mỹ, châu Âu lo ngại làn sóng Covid-19 trở lại

Mỹ, châu Âu lo ngại làn sóng Covid-19 trở lại

Mỹ và nhiều nước châu Âu khuyến cáo tiêm vắc xin mũi bổ sung do lo ngại làn sóng Covid-19 sắp quay lại.

 

 

AFP ngày 3.9 đưa tin chính phủ Mỹ đang kêu gọi quốc hội thông qua việc chi thêm 22,4 tỉ USD nhằm duy trì các chương trình xét nghiệm và tiêm vắc xin phòng Covid-19, giữa lo ngại làn sóng lây nhiễm gia tăng trở lại.

Mỹ, châu Âu lo ngại làn sóng Covid-19 trở lại - ảnh 1
Một trung tâm tiêm vắc xin Covid-19 ở Michigan, Mỹ REUTERS

Nguy cơ cao

Đề xuất của Tổng thống Mỹ Joe Biden đối diện nhiều trở ngại do tình trạng khó khăn sau thời gian dài đối phó đại dịch, cũng như các đảng đang tập trung cạnh tranh trước bầu cử giữa kỳ. Nhà Trắng lưu ý rằng đề xuất trước đó về việc chi thêm ngân sách phòng chống Covid-19 đã bị chặn tại quốc hội, nên chính phủ đã phải rút tiền từ những nguồn dành cho nhu cầu quan trọng nhằm đối phó đại dịch. Việc thiếu ngân sách cũng khiến chính phủ tạm ngưng dịch vụ cung cấp miễn phí dụng cụ xét nghiệm Covid-19 tại nhà kể từ ngày 4.9.

“Chính phủ vẫn còn thiết bị xét nghiệm trong kho nhưng sẽ không đủ nếu số ca nhiễm gia tăng vào mùa thu này”, một quan chức Nhà Trắng lo ngại. Ngoài ra, Mỹ còn đang thiếu ngân sách để chuyển đổi chương trình vắc xin do nhà nước tài trợ sang mô hình thương mại vào năm tới.

Hiện số ca nhiễm Covid-19 ở Mỹ đang giảm, sau khi ghi nhận lên đến hơn 100.000 ca/ngày vào mùa hè, nhưng xu hướng này có thể thay đổi trong tháng tới. Theo trang US News, sự kết hợp giữa khả năng miễn dịch suy giảm dần và thời tiết lạnh hơn trong những tháng tới sẽ làm cho nhiều người tập trung ở môi trường trong nhà, khiến số ca nhiễm tăng.

“Chúng tôi dự báo số ca nhập viện và tử vong sẽ tăng, nhưng với tỷ lệ không cao bằng số ca nhiễm vì đa số đã tiêm vắc xin hoặc từng mắc bệnh nên có một số kháng thể”, theo chuyên gia dịch tễ học Ali Mokdad tại Đại học Washington. Đài ABC dẫn lời giới chuyên môn ước tính có khoảng 30% dân số Mỹ sẽ nhiễm Covid-19 trong làn sóng lây nhiễm sắp tới. Mỹ hiện ghi nhận 96.581.002 ca nhiễm với 1.072.673 ca tử vong vì Covid-19.

 

Mũi vắc xin tăng cường

Nhiều nước châu Âu cũng lo ngại về làn sóng lây nhiễm trở lại vào những tháng tới, trong khi Ủy ban châu Âu (EC) kêu gọi các nước thành viên nên tiêm mũi tăng cường để đối phó. Reuters dẫn thông cáo của EC cho hay hiện vẫn có hơn 2.300 người tại khu vực này tử vong hằng tuần vì Covid-19, chưa kể những ảnh hưởng về sức khỏe như các triệu chứng hậu Covid-19 và những vấn đề về tâm thần.

EC nhấn mạnh việc tiêm vắc xin là biện pháp hữu hiệu nhất nhằm tránh bị bệnh nặng và tử vong trong đại dịch, đồng thời kêu gọi các thành viên cần triển khai chiến dịch tiêm chủng trước khi làn sóng lây nhiễm bùng phát, trong đó có vắc xin chuyên đối phó các biến thể mới. Ngày 1.9, Cơ quan Dược phẩm châu Âu vừa chứng nhận các vắc xin nâng cấp của Pfizer và Moderna nhằm tiêm bổ sung, đối phó các biến thể phụ BA.4 và BA.5 của Omicron

Theo chuyên san Medical Economics, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Mỹ (CDC) cũng khuyến cáo tiêm loại vắc xin nâng cấp để đối phó làn sóng lây nhiễm mới. Vắc xin này nhằm phục hồi sự bảo vệ vốn giảm dần từ lần tiêm chủng trước, bằng cách nhằm vào các biến thể có khả năng lây lan cao hơn và né tránh miễn dịch, theo Ủy ban Tư vấn về thực hành tiêm chủng thuộc CDC.

“Khuyến cáo này được đưa ra sau những đánh giá và thảo luận khoa học toàn diện. Nếu bạn thuộc nhóm phù hợp, tôi khuyến cáo mạnh mẽ rằng bạn nên tiêm”, theo giám đốc CDC Mỹ Rochelle Walensky.

CDC Mỹ tiếp tục khuyến cáo nên giữ thông thoáng tối đa tại những môi trường trong nhà như trường học. Các chuyên gia dự báo làn sóng lây nhiễm mới chủ yếu do biến thể phụ BA.5, nhưng họ cũng theo dõi sát sao các biến thể phụ khác như BA.4.6 và BA.2.75. Trong khi đó, chuyên gia dịch tễ học David Dowdy tại Trường Y tế công Bloomberg thuộc Đại học John Hopkins lo ngại khả năng một biến thể mới xuất hiện với mức lây lan cao hơn và gây bệnh nặng hơn.

KHÁNH AN

TNO