Kinh tế Việt Nam sẵn sàng ứng phó thách thức toàn cầu
Kinh tế Việt Nam sẵn sàng ứng phó thách thức toàn cầu
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và bất ổn Ukraine gây ra nhiều khó khăn cho kinh tế toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam đã thể hiện như thế nào và đang cần giải quyết những thách thức gì, có cơ hội ra sao?
Để trả lời các câu hỏi trên, Thanh Niên đã phỏng vấn GS David Dapice (chuyên gia kinh tế tại Trung tâm ASH thuộc Trường Chính sách công Kennedy của Đại học Harvard, Mỹ) và chuyên gia kinh tế Eric Chiang (Công ty phân tích Moody’s, thuộc Tập đoàn dịch vụ đầu tư Moody’s – là 1 trong 3 đơn vị xếp hạng tín nhiệm tài chính uy tín nhất thế giới).
Cả hai đều là các chuyên gia quốc tế có nhiều nghiên cứu về kinh tế Việt Nam.
Kinh tế VN đã phát triển tốt trong thời gian qua GIA HÂN |
Kinh tế phát triển tốt hơn nhiều nước
Ông đánh giá thế nào về kinh tế Việt Nam trong bối cảnh vừa trải qua đại dịch Covid-19 và gánh chịu những tác động tiêu cực do chiến sự Ukraine?
David Dapice: Trong quá trình chống dịch Covid-19, Việt Nam làm rất tốt trong thời gian đầu, rồi có một số biện pháp chưa nhanh chóng trong việc đặt hàng vắc xin ngừa Covid-19 nhưng cũng kịp thời điều chỉnh để kiểm soát khó khăn và từ cuối năm 2021 đến năm 2022 thì nền kinh tế đang phục hồi. Hiện tại, Việt Nam có sự sẵn sàng tốt hơn nhiều nước khác để ứng phó tình hình kinh tế suy thoái – có thể ở mức độ toàn cầu – trong thời gian tới vì nhiều nhà xuất khẩu đang rời khỏi Trung Quốc (do chi phí lao động, căng thẳng thương mại và biện pháp phòng chống Covid-19 quá nghiêm ngặt) để chuyển sang Việt Nam. Vì vậy, xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng trừ khi Mỹ phản ứng về việc thâm hụt thương mại của nước này với Việt Nam hiện đã vượt quá 100 tỉ USD/năm.
Kinh tế Việt Nam đã phát triển tốt hơn nhiều so với các nước còn lại trong khu vực. Việt Nam đã tiết chế việc tăng giá và giảm bớt một số áp lực lạm phát. Kết quả là niềm tin kinh doanh đã tăng lên, cũng như sản xuất công nghiệp tăng.
Chuyên gia kinh tế Eric Chiang
Eric Chiang: Kinh tế Việt Nam đã phát triển tốt hơn nhiều so với các nước còn lại trong khu vực. Việt Nam đã tiết chế việc tăng giá và giảm bớt một số áp lực lạm phát. Kết quả là niềm tin kinh doanh đã tăng lên, cũng như sản xuất công nghiệp tăng. Việt Nam mở cửa trở lại việc nhập cảnh kể từ tháng 4 đã làm thúc đẩy ngành dịch vụ.
Cần gia tăng năng suất lao động
Trong khi đó, kinh tế Việt Nam đối mặt với những thách thức nào?
David Dapice: Xuất khẩu, hay ít nhất là tại khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), về cơ bản đã thu hút phần lớn lực lượng lao động trong những năm gần đây. Hàng triệu lao động từ nông nghiệp ở các địa phương đã chuyển đến các thành phố lớn để làm việc trong các ngành sản xuất. Điều này đặt ra các thách thức cho Việt Nam về cơ sở hạ tầng, giáo dục, nhà ở và nâng cao trình độ kỹ thuật. Tuy nhiên, cũng ít quốc gia nào có thể duy trì mức tăng trưởng 6 – 7% như Việt Nam, ngoài giai đoạn Covid-19. Những thách thức cho Việt Nam còn thể hiện ở việc giá trị gia tăng tương đối thấp của hàng xuất khẩu từ các doanh nghiệp trong nước. Những năm tới, lương có thể sẽ tăng để thu hút lao động do nguồn lao động khan hiếm hơn. Khi đó, tiền lương sẽ tăng nhanh hơn và việc lắp ráp đơn giản sẽ không còn hấp dẫn nữa trừ khi năng suất tăng lên nhiều hơn.
Eric Chiang: Tương tự các nước châu Á, lạm phát tiếp tục là rủi ro lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, nhất là khi Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu các sản phẩm công nghiệp cơ bản như hóa chất và nhựa. Ngoài ra, chuỗi cung ứng sản xuất của Việt Nam dễ bị ảnh hưởng
Có khả năng thu hút nhiều đầu tư giá trị cao
Gần đây, một số nhà sản xuất chip bán dẫn và các tập đoàn công nghệ đã quan tâm đẩy mạnh đầu tư ở Việt Nam. Một số người trong số họ có kế hoạch xây dựng nhà máy ở Việt Nam. Ông nghĩ thế nào về cơ hội cho Việt Nam?
David Dapice: Chuỗi giá trị sản xuất chip rất phức tạp, bao gồm thiết kế chip, chế tạo, thử nghiệm và đóng gói. Một nhà máy sản xuất chip hiện đại có thể tiêu tốn hàng chục tỉ USD và mất nhiều năm để thiết lập. Nên thời gian đầu, các cơ sở ở Việt Nam có thể thử nghiệm và lắp ráp các loại chip đơn giản rồi mới phát triển xa hơn. Quá trình phát triển phụ thuộc vào việc Việt Nam nâng cấp lực lượng lao động có tay nghề tốt như thế nào.
Tăng cường đầu tư vào những khu vực có hiệu quả cao
Khu vực ĐBSCL đang đối mặt các thách thức lớn từ việc thay đổi dòng chảy, tình trạng sạt lở đất. Điều đó sẽ khiến nông nghiệp ở khu vực này bị ảnh hưởng, dẫn đến việc nhiều lao động trẻ vùng này tìm đến khu vực Đông Nam bộ để mưu sinh. Vì thế, nếu không có sự chia sẻ nguồn lực hiệu quả, kinh tế khu vực Đông Nam bộ có thể kém hiệu quả hơn. Vì vậy, về việc “cơ sở hạ tầng” là một thách thức, cần tăng cường đầu tư vào những khu vực có hiệu quả cao.
GS David Dapice
Eric Chiang: Việt Nam tiếp tục là địa điểm hấp dẫn đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài, mặc dù thực tế là FDI từ tháng 1 – 8.2022 vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm 2019. Việc mở rộng gần đây của nhà cung cấp Foxconn (chuyên gia công cho Apple) tại Việt Nam là một ví dụ về các công ty đa dạng hóa và đẩy mạnh sản xuất tại Việt Nam. Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt linh kiện bán dẫn làm gián đoạn chuỗi cung ứng sản xuất vào năm 2021 đã khẳng định sự cần thiết của việc tự chủ sản xuất các linh kiện điện tử thiết yếu. Một số quốc gia, bao gồm Mỹ và Trung Quốc, đã coi việc phát triển năng lực sản xuất linh kiện bán dẫn nội địa trở thành ưu tiên quốc gia. Tại Việt Nam, việc Samsung xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện bán dẫn sẽ thúc đẩy khả năng cạnh tranh của Việt Nam đối với ngành bán dẫn và có khả năng thu hút nhiều đầu tư giá trị cao vào Việt Nam.
NGÔ MINH TRÍ
TNO